Chúng ta đã nói về Tay Cho Ra rồi, bây giờ mình nói về Tay Buông Đi.
Thưa các bác, có một ông tiến sĩ đoạt giải Nobel, tên là Daniel Kahneman, làm nghiên cứu và thấy rằng con người chúng ta mỗi ngày trong lúc còn đang tỉnh thức, mình sẽ trải nghiệm ít nhất là hai mươi ngàn thời khắc (individual moments); mỗi thời khắc có thể là một giây hay vài giây. Trong thời khắc mình trải nghiệm đó, có những hình ảnh sẽ nổi lên trong đầu, những ký ức đáng nhớ (memorable), hoặc có ý nghĩa với mình thì mình sẽ nhớ. Thường thường mình sẽ nhớ những hình ảnh tốt, tích cực (positive), hay những hình ảnh xấu, tiêu cực (negative), ít khi nào mình nhớ tới những chuyện trung hòa (neutral).
Trong một ngày, hai mươi ngàn thời khắc đó trồi lên trục xuống, tới và đi, mình không để ý tới, nhưng thật sự thì lúc nào tư tưởng mình cũng chỉ nhớ những chuyện tích cực hay tiêu cực và những tư tưởng đó sẽ biểu hiện ra trên khuôn mặt của mình. Có nhiều khuôn mặt mình nhìn thì mình muốn nhìn nữa, vì có một sự tích cực gì đó làm cho mình bị cuốn hút vào. Có những khuôn mặt đầy tiêu cực, mình không thấy hấp dẫn, mình không bị cuốn hút. Các bác thấy lạ chưa?
Có nhiều người tu tích cực, lúc nào tâm của họ cũng nghĩ tới điều tốt, họ lan tỏa những điều tốt tới những người khác, vì vậy mặt họ càng ngày càng đẹp hơn. Tu như vậy mình phải có khả năng giữ mình lúc nào cũng ở trong dạng tích cực (stay positive), mình phải buông đi dạng tiêu cực. Tuy nhiên sự tiêu cực thường rất mạnh, nó có khả năng làm cho ký ức của mình cứ nhớ hoài những chuyện xấu, những chuyện không tốt. Đó là một chuyện lạ, Thầy sẽ giải thích về đề tài đó trong một bài khác.
Khi bác nói chuyện với ai hơn hai giờ đồng hồ mà chỉ nói chuyện xấu hay than phiền này nọ, thì bác đang ở trong dạng bị bịnh tiêu cực, vì mình không có chuyện gì tốt hơn để nói cả. Ký ức của mình quá mạnh, nó chỉ giữ những chuyện tiêu cực, không thích giữ những chuyện tích cực nữa, các bác thấy ngộ chưa? Có một triết lý quan trọng mà đức Khổng tử dạy chúng ta, đó là mình không nói xấu, mình không nói thị phi. Mình không nên để cho lưỡi mình tiếp tục giúp cho tư tưởng của mình lúc nào cũng nghĩ tới chuyện xấu, lúc nào cũng nghĩ tới chuyện tức tối, tức bực cả. Đó gọi là buông đi. Như vậy, buông đi chính là buông đi những sự tức bực trong lòng của mình, buông đi những chuyện không còn ý nghĩa với mình nữa.
Tại sao mình phải nói những chuyện xấu, những chuyện không có dính dáng tới cuộc đời của mình? Điều này làm cho mình phải suy nghĩ thế nào là buông đi. Trước hết, mình nên buông đi những chuyện thừa thãi, những chuyện không ảnh hưởng tới cuộc đời của mình, và nếu có ảnh hưởng thì mình nên tìm những ảnh hưởng tốt. Ông John Gottman, một nhà trị liệu tâm lý học nổi tiếng về nghiên cứu những cuộc hôn nhân vợ chồng, thấy rằng có một tỷ lệ rất đặc biệt, đó là tỷ lệ 5/1. Năm một nghĩa là sao? Nghĩa là nếu cặp vợ chồng nào chia sẻ với nhau những chuyện tích cực năm lần nhiều hơn những chuyện tiêu cực thì họ sẽ sống với nhau lâu dài hơn. Những cặp nào không có tỷ lệ 5/1, hoặc chỉ có 1/1 nghĩa là với mỗi chuyện tốt họ chia sẻ thì cũng có một chuyện xấu, và nhất là chuyện xấu về người phối ngẫu, thì cuộc hôn nhân đó không mấy tốt đẹp và từ từ họ sẽ ly dị nhau.
Vì vậy, mình nên buông những sự tiêu cực trong người mình, buông những cái tạo ra tiêu cực, và buông những cái làm cho mình không vui để mình không suy nghĩ và nói những chuyện xấu nữa. Mình có hai mươi ngàn thời khắc để có thể sử dụng hằng ngày thì tại sao mình không dùng chúng vào những chuyện tốt. Cho nên, mình nên buông đi những ký ức đau khổ, buông đi những ký ức xấu, buông đi những ký ức thừa thãi không còn ý nghĩa nhiều trong cuộc sống của mình nữa.
Như thế là chúng ta mới bắt đầu giới thiệu về Tay Buông Đi.
Cám ơn các bác đã lắng nghe và hẹn gặp bác ngày mai, mình sẽ nói sâu hơn. Chúc các bác một ngày vui và yên tịnh.
Thầy Hằng Trường thuyết giảng