92. Tay Buông Đi 2

Đề tài chúng ta nói là Tay buông đi.  Thầy nhớ tới chuyện Tiếu Ngạo Giang Hồ.  Trong chuyện có một vị tên là Bất Giới Hoà Thượng.  Khi chưa xuất gia, Hoà Thượng này có gia đình, có vợ và bà sinh ra một em gái.  Khi cô gái này còn sơ sinh (còn trẻ thôi), hai vợ chồng và cô con gái này ngồi trước cửa ngắm cảnh.  Bất ngờ có một cô tiểu thư rất đẹp mặc quần áo lộng lẫy cởi ngựa đi ngang.  Ông nhìn theo dáng vóc của cô cho tới lúc người và ngựa đã đi xa hút. Đắm đuối, đương nhiên; trầm trồ trong lòng, đương nhiên.  Bà vợ thấy được điệu bộ của chồng và tuy ông không khen ngoài miệng nhưng bà biết ông trầm trồ khen ngợi trong lòng một cô gái khác nên bà tức giận vô cùng và bỏ đi.  Ông đem con gái bỏ lên núi Hằng Sơn để tu và cô sau này trở thành sư cô Ni Lâm.

Bà vợ này bỏ đi chứ không phải là buông đi.  Rất tiếc là bà không tu cái tay buông đi.  Bà bỏ đi, bà giận, bà lẫy và bà tức, bà hận.  Hận là bà không thể chiếm hữu được ông, hận là bà mất đi tình thương của ông.  Hận là tình thương bị sứt mẻ (sứt mẻ chút xíu thôi).

Nhưng mà bà bỏ đi đâu? Thì ra bà theo dõi ông và bà cũng lên núi Hằng Sơn, giả thành một người câm và điếc.  Bà đổi mặt mày và hình dáng để ngày nào bà cũng thấy được cô con gái lớn lên trong chùa trong vòng 18 năm.  Bà hận như vậy trong suốt 18 năm.  Có thể nào chúng ta giữ một mối hận thù lâu dài như vậy hay không? Câu trả lời là ‘yes’.  Có nhiều khi chúng ta hận 20 năm, 30 năm, 40 năm, 50 năm, cả đời hận thù, hận từ kiếp này qua kiếp khác.

Trong chuyện ngài Ngộ Đạo Quốc Sư, vì một tư tưởng kiêu ngạo mà tự nhiên đầu gối của ngài mọc lên một cái mặt (bây giờ mình gọi là cái mụt nhọt).  Mụt nhọt đó cần có một bị thịt đắp lên thì nó mới đỡ đau, nếu không thì nó đau lắm.  Thưa các bác, đó là mối thù từ đời này qua đời khác, kiếp này qua kiếp khác, dễ sợ chưa?

Thù là đề tài chủ yếu nhất để chúng ta cần tu cái Tay buông đi.  Buông đi chứ không phải bỏ đi các bác.  Bỏ đi mà trong lòng vẫn còn hận thù thì phiền lắm.  Nhiều khi, như các bác thấy đó, sự hận thù này chỉ khởi đầu bằng một sự ghen tuông thôi.  Ghen, tức, không được sự chú ý.

Nếu bác coi lại chuyện Lục Mạch Thần Kiếm hay Thiên Long Bát Bộ thì các bác cũng thấy một chuyện nhẹ nhàng thôi.  Mã phu nhân là vợ của vị phó chưởng môn Cái Bang.  Bà này, trong  ngày đại lễ, ăn mặc thật đẹp, làm đồ ăn rất thịnh soạn và pha trà rất ngon, đem ra mời giáo chủ Kiều Phong.  Nhưng khi đem ra, Kiều Phong không những là không nhìn trà, không nhìn đồ ăn, không nhìn áo quần bà, không nhìn mặt đẹp của bà gì hết, mà chỉ gật đầu ‘Cám ơn tẩu tẩu’ thôi.  Bà này tức vô cùng vì cảm thấy không được sự chú ý của vị bang chủ và bà nhất định làm đủ mọi cách để giết ông.  Thậm chí là bà giết chồng của bà và bà ngủ với một người có khả năng tạo phản. Bà quậy lên, tạo thành chuyện Lục Mạch Thần Kiếm, hay Thiên Long Bát Bộ, là một bộ võ hiệp rất dài của Kim Dung.

Nói như thế để các bác thấy, một chuyện ghen rất nhỏ hay không được sự chú ý thôi, mà cũng có thể tạo thành hận thù, tạo thành loạn.

Bà vợ của Bất Giới Hoà Thượng và Mã phu nhân, chỉ vì ghen, là không được đủ sự chú ý của người mình thương, và vì vậy cho nên điên lên và làm đủ thứ chuyện để đạt được sự chú ý đó.  Các bác thấy dễ sợ chưa?  Nhưng sự chú ý đó, nhiều khi người ta không thể nào cho được. Vì chuyện này, chuyện kia nên người ta không thể cho đúng đắn được hay là đúng theo như ý niệm của mình được. Mình phải buông đi.  Buông cái gì? Buông đi lòng tức tối, ghen tuông, hụt hẫng.  Lòng đó tạo thành rất nhiều chuyện không thể nào lường được.  Không những là hại người, còn hại mình, hại vũ trụ, hại xã hội.

Thưa các bác, đó là điều rất quan trọng.  Bây giờ, người ta khám phá ra trong chỗ làm việc, những người employees không được ông chủ chú ý tới đủ, không khen đầy đủ (theo như thống kê, 65% những người làm việc không được ông chủ khen), tạo thành mối đại loạn. Phần lớn những người không được khen, họ quậy lên.  Không được khen là một cách khác nói rằng tôi không được chú ý, và vì không được chú ý nên tôi ghen, tôi tức, và ghen tức thì tạo nên đủ thứ cả.

Trong gia đình cũng vậy các bác.  Vợ chồng với nhau mà không đủ lời ngọt ngào với nhau, không cho đủ sự chú ý với nhau được mà chú ý tới người khác bên ngoài là mình sẽ tạo ra nội loạn ngay.  Cho nên, vợ chồng với nhau phải thương, phải cho sự chú ý và không nên đem cho sự chú ý tới một người nào khác, nhất là một người khác phái với mình.

Đó là những chuyện hết sức giản dị nhưng lại là đầu mối của loạn.  Tay buông đi là buông ngay giây phút đầu tiên mà mình biết là mình có ý hướng muốn đạt được sự chú ý của người khác.  Cách dễ nhất là khi mà người ta không chú ý tới mình, không nhớ tới mình thì mình nên buông đi.  Người Mỹ có một câu rất giản dị: Let it be! (Thôi được rồi!). Let it be cũng có nghĩa là để yên vạn sự, buông xả vạn duyên.  Chữ ‘để yên vạn sự’ bản thân nó cũng là một sự buông xả, buông đi rồi.

Nhiều khi mình không thể nào làm như vậy được, mình tức tối lên và mình không ngừng nói chuyện với người này, người khác.  Mức độ nói chuyện của mình nhiều khi tới 1, 2 g đồng hồ. Mình nói với người ta, toàn là chuyện xấu của người này người nọ, chuyện phê bình, chuyện than vãn. Nếu các bác có thói quen nói chuyện phone, hoặc là thói quen mời người này tới ăn uống xong rồi để mà xả xú bắp (nói xấu) thì bác nên biết rằng té ra là mình cần sự chú ý của người mình thương mà không được sự chú ý đó.  Rất tiếc là không phải mình kêu người mình thương để nói chuyện mà mình kêu những người cùng có sự ghen ghét, ghen tuông để mình nói.  Người ta gọi là ‘đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu’.  Cho nên, thường là mình kêu những người cũng rất là khó chịu, những người cũng có những chuyện ghen tuông, ghen ghét để mình nói, và mình đâu có nói một, hai phút đâu, mà là một, hai giờ, ba giờ.  Nhiều khi trong phone, mình nói không ngừng, mình nói lung tung cả.  Càng nói mình càng thấy sung sướng vô cùng.  Mình tưởng sự sung sướng đó giải tỏa nỗi niềm bên trong, nhưng không đâu, một khi mình chưa được sự chú ý đó thì mình vẫn tiếp tục quậy.  Nếu mình không biết nhận tri là mình đang cần sự chú ý và mỉm cười để let it be, thì mình sẽ tiếp tục càng lúc càng quậy hơn, càng lúc càng ghen tuông hơn.  Mặt của mình hiện lên một nỗi ghen tuông vô cùng nhưng mình lại không thấy.  Người khác nhìn thì thấy sao mà cái mặt chua như vậy, nhưng mình lại không biết, nghĩ rằng mặt mình vẫn ngọt ngào.

Thưa các bác, đó là lý do tại sao chúng ta phải tập buông đi, không cần sự chú ý của ai khác.  Tay buông đi làm cho mình dễ nhận ra cái ý mong muốn được sự chú ý đó.  Nhiều khi mình hãy tự chú ý và hãy đem sự chú ý của mình tới người khác một cách nhẹ nhàng hơn.

Ngày mai thầy sẽ tiếp tục đề tài này. Cám ơn các bác đã lắng nghe.

Thầy Hằng Trường thuyết giảng