121. Tu Hóa Thân Quán Âm

Good morning các bác, anh chị.  Đây là Dharma Espresso cho ngày hôm nay và là ngày thứ ba của Thầy và các anh chị xuất gia vị tha ở trên núi, camp Buckhorn, vùng Idyllwild bên California.

Thưa các bác, anh chị, một trong những bài học đầu tiên – “Mục đích chính của cuộc đời mình (Long term goal)”, Thầy phải mất cả ngày mới có thể nói cho rõ ràng được.  Khi mình sống và theo đạo Phật thì thường thường mình cần có một mục đích, mục tiêu hay nói chung là một phương hướng chính để mình tu.  Đương nhiên là người Phật tử nào cũng có phương hướng
chính là tu để giải thoát giống như Phật, nhưng đối với kinh Hoa Nghiêm thì mình lúc nào cũng nói tới lý tưởng Bồ tát và tu như thế nào để thực hiện được lý tưởng Bồ tát đó.  Lý tưởng Bồ tát đó bây giờ mình bỏ trong một cái phương trình rất là dễ hiểu và dễ nhớ, tức là mình tu làm sao để trở thành đức Quán Thế Âm Bồ tát.  Trở thành đức Quán Thế Âm Bồ tát thì tức là mình tu để trở thành hóa thân của Ngài.

Tại sao mình chọn Quán Thế Âm Bồ tát? Vì ngài là vị đại từ, đại bi, Ngài là vị rất dễ thương. Lúc nào mình cần tới Ngài, mình chỉ cần hết lòng réo gọi tên Ngài, thì Ngài sẽ hiển hiện liền. Cũng như người ta thường nói “Tầm thanh cứu khổ Quán Thế Âm Bồ tát”, hoặc là “Hữu cầu tất ứng”, hễ cầu cái gì thì Ngài sẽ ứng cái đó.  Vì thế, nếu muốn viết về đạo Bồ tát thì chỉ cần viết ngắn gọn là “Làm sao để trở thành đức Quán Thế Âm Bồ tát”.  Nếu nói về tu đạo theo kinh Hoa Nghiêm, nhất là trong cách muốn phát triển đạo Bồ tát, thì mình nên tìm một vị Bồ tát nào dễ hiểu nhất, dễ biết nhất để mình có thể bắt chước và tu tập, thì đó chính là đức Quán Thế Âm Bồ tát, các bác.  Nói một cách gọn ngắn là mình tu làm sao để trở thành đức Quán Thế Âm Bồ tát.  Đó là một cái tiền đề rất hay để cho mình lúc nào cũng nhớ tới con đường và hướng đi của mình.  Nếu nói về con đường Chân, Thiện, Mỹ, thì đương nhiên là Bồ tát Quán Âm là người thực hiện và đã hoàn mãn, viên mãn cái đức Chân, Thiện, Mỹ rồi.

Như vậy, nếu chúng ta muốn “Làm sao trở thành đức Quán Thế Âm”, trong Chân Ngôn tông cũng như trong kinh Hoa Nghiêm, mình có những bước đi, từ Thập Tín lên Thập Trụ lên Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác, và Diệu Giác.  Thập Tín là gì?  Có nghĩa là mình tin sâu, tin tuyệt đối vào.  Vào ai?  Vào chân tâm bất nhị của mình.  Nhưng nói như thế thì quá
mù mờ, mình không biết chân tâm nằm ở đâu.  Thí dụ, trong pháp môn Tịnh độ, mình tin đức Phật A Di Đà, mình tin Ngài thì tự nhiên Ngài mới có thể cứu độ mình được.  Cũng vậy, thay vì mình nói mình tin vào chân tâm bất nhị, thì mình có thể nói là mình tin vào lòng đại từ, đại bi của đức Quán Thế Âm Bồ tát.  Sự tin tưởng sâu sắc vào sự đại từ, đại bi đó, thì mình sẽ trở thành lòng đại từ, đại bi.

Cách đây không lâu, Thầy có gặp một người Mỹ, anh kể lại cho Thầy nghe như thế này, anh ta bị người ta lừa, lấy hết tiền bạc, nhưng anh ta nhất định không trả thù, vì người này là một người giúp việc của anh ta.
Thầy hỏi: “Tại sao anh không trả thù, không đi kiện tụng, vì anh có tất cả các bằng chứng?”
Anh bảo: “Không, nếu có kiện, thì tôi kiện để bảo vệ cho những bất động sản, những tài sản khác đừng bị người đó ăn cắp, nhưng tôi nhất định không đánh trả lại, đòi tiền, đòi bạc.  Số tiền mất đi vì bị người ta hại tôi, tôi bỏ đi.”
Thầy hỏi: “Động cơ nào thúc đẩy anh làm như vậy?”
Anh nói gần như không cần suy nghĩ: “Tôi tin vào sự lành thiện (goodness) của con người của mình. Tôi tin vào đó và tôi nhất định không khởi lên ý niệm đánh trả thù lại”.
Thầy hỏi: “Như vậy thì anh có tức giận hay không?”
Sau một hồi ngẫm nghĩ thì anh nói: “Thật sự mà nói thì tôi có, là passive aggression. Tự tôi, tôi đập chính mình, tự tôi, tôi khó chịu với chính mình, nhưng mà tôi không hề khởi lên ý tưởng đánh lại người ta, bởi vì tôi tin rằng nếu đánh trả lại thì không bao giờ có thể trả được cái ân oán này, không bao giờ dứt cả. Tôi tin vào sức mạnh của thiện tánh (power of goodness), tôi tin vào sức mạnh của lòng thành khẩn (sincerity), và tôi tin rằng nếu tôi làm như vậy thì trước sau gì người đó cũng sẽ bị cảm động và thay đổi tâm thức”.
Nghe như vậy, Thầy rất là cảm động và ứa nước mắt. Thầy cảm thấy đó là một cách nói khác là mình tin tuyệt đối vào đức Quán Thế Âm Bồ tát, tin vào Ngài là tin vào lòng từ bi, tin vào sức mạnh của tình thương, tin vào sức mạnh của sự tha thứ.  Mình phải tin như vậy, mình phải sống theo sự tha thứ đó, sống theo tình thương đó thì mình mới thay đổi được, thưa các bác. 

Đó là lý do mà tại sao trong con đường tu hành, bước đầu tiên là Thập Tín, vì đức Phật dạy rằng Thập Tín là tin tưởng tuyệt đối vào cái chân tâm của mình.  Chân tâm bất nhị của mình là cái gì, các bác? 
Mình không biết vì nó bất nhị, nó tuyệt đối, nhưng mà nó hiển hiện trong Chân, Thiện, Mỹ.  Như anh Mỹ này tin tuyệt đối vào sự lành thiện của tâm mình.  Sự lành thiện này đưa tới sự tha thứ rất dễ dàng.  Sau này, Thầy có nói chuyện lại với anh ta và anh nói:  “Bây giờ sự tức giận đó gần như ra khỏi con người của tôi rồi, và tôi nghĩ rằng, tôi không làm gì để cho người đó đau khổ.
Tôi tin rằng nếu người đó có tới để xin lỗi, thì tôi sẵn sàng tha thứ, bởi vì tôi đã tha thứ rồi”.

Thưa các bác, đó là những chuyện làm cho Thầy cảm thấy rằng khi mình tin vào đức Quán Thế Âm Bồ tát, tin vào sức mạnh của Ngài thì mình phải thực hiện được những đặc tánh của Ngài là đại từ, đại bi.  Ngài Quán Thế Âm gần gũi mình hơn đức A Di Đà. Đức A Di Đà ở trên Cực lạc, còn đức Quán Âm ở đây; do đó, nếu mình thực hành những đặc tánh của Ngài, mình trở thành
hóa thân của Ngài.  Thế nào là hóa thân?  Bên cạnh cuộc sống của chính mình, có một cái thân, một cái hình dạng của Ngài đang thực hiện những đạo đức của Ngài và từ từ trở thành Ngài.  Đó là một lý tưởng rất là cao đẹp, một lý tưởng mà Thầy tin rằng trong cuộc sống của chúng ta ngày hôm nay, mình phải làm sao để từ từ thay đổi chính mình càng ngày càng đẹp hơn, càng tốt hơn, để trở thành đức Quán Thế Âm Bồ tát.  Đó là cái lý tưởng, hoặc mục tiêu xa (long term goal) của cuộc sống mình.

Hôm nay, Thầy mong các bác có một ngày vui và tỉnh.    

Thầy Hằng Trường thuyết giảng
Nhóm đánh máy và phiên dịch thực hiện