104. Tay Xoa Dịu (5)

Bây giờ là mùa đông, nếu các bác ở miền đông nước Mỹ thì chắc rất là lạnh giá.
Thầy kể một câu chuyện ở miền đông nước Mỹ cho các bác nghe. Đó là câu chuyện về cô Kim, một người da đen, sống ở New Jersey. Khi cô còn trẻ, sanh ra bên New York, vùng Queen, ở nhà, cô là con gái út của một gia đình 6 người, 5 người anh trai và cô là người chót. Gia đình không hạnh phúc mấy vì nghèo. Nhưng rồi, có một chuyện xảy ra là: Bà ngoại là người nuôi gia đình, nuôi 2, 3 người chú và 1, 2 người dì nữa. Mẹ cô sống với chồng, nhưng chỉ vài năm, sau khi đẻ cô Kim (người cuối cùng) ra thì chẳng bao lâu chồng bà bị mất việc, sinh ra nghiện ngập, rượu chè và rồi, cuối cùng, bỏ nhà, không biết đi đâu (giống như ly dị nhưng cũng không phải ly dị vì ông bỏ nhà đi).

Câu chuyện rất là đau khổ. Bà ngoại, thấy chuyện đó lại càng bực mình hơn nữa, nghĩ rằng mẹ cô Kim là người dốt nát, không biết làm sao giữ chồng, không biết làm sao gánh vác cho nên bà ngoại move in cả nhà và lo lắng cho gia đình. Đồng thời, không những là bà quản lý mà là người mình gọi là short-tempered, nóng giận, chửi bới lung tung cả, cho nên ai cũng sợ, không có người nào thương nhiều, chỉ sợ thôi và làm theo. Nhưng bà ngoại là người rất tài giỏi, quán xuyến rất giỏi, biết buôn bán. Buôn bán gì thì thầy không rõ chỉ biết bà là người rất giỏi về buôn bán và do đó còn nuôi thêm những người chú và dì khác nữa.

Năm cô 12, 13 tuổi thì gia đình của cô Kim vẫn ở New York, nhưng cô qua New Jersey để đi học với một người dì, bởi vì bên đó có thể nuôi, giúp cho cô sống một cách dễ chịu hơn. Cho nên, cô Kim mới đi về bên New Jersey ở. Bà ngoại là một người nói là độc tài cũng được, dữ dằn cũng được, short-tempered, nổi nóng cục cằn cũng được, nhưng bà có tài, bà nuôi gia đình cho nên ai cũng sợ cả. Đột nhiên, bà ngoại bị đứt mạch máu não (stroke), bà không làm việc được và trở thành một gánh nặng trong gia đình (không phải chỉ một mình gia đình cô Kim mà nhiều gia đình).
Năm đó, cô Kim 16 tuổi. Bên New Jersey, cứ mỗi tuần cô lấy xe metro để về thăm bà ngoại của mình.
Hầu như mỗi tuần đều như vậy. Cô chưa ra trường đâu, mà lúc nào cũng vận dụng tiền để đi xe metro về thăm bà ngoại, tiếp tục như vậy cho tới lúc cô ra trường.

Câu chuyện này cảm động ở chỗ nào các bác biết không ? Vì bà ngoại là một người rất dữ dằn nhưng khi bà bị stroke, nằm đó rồi, bà nói năng không còn rõ ràng nữa, ngoài chuyện ăn uống, những người xung quanh không biết làm sao để giúp bà. Mẹ cô Kim là người phải lo lắng cho bà ngoại. Cho nên, cô Kim mỗi tuần trở về. Hồi xưa, thái độ của cô là sợ bà và nhiều khi còn ghét bà ngoại nữa, nhưng bây giờ tự nhiên, thấy bà ngoại nằm xuống giường và đau khổ như vậy, tự nhiên cô đổi lòng. Tuần nào cũng về thăm, tuần nào cũng nói chuyện. Nhưng thật sự ra, nói thì ít mà làm đồ ăn, đồ uống, ngồi bên cạnh bà ngoại. Tuần nào cũng vậy. Đến độ, boyfriend của cô hỏi: ‘Có thì giờ để đi chơi chung với nhau không ?’ Cô nói : ‘Weekend này tôi bận rồi, không thể có thì giờ đi chơi được’.

Bà ngoại từ từ ngồi được trên xe lăn, tuần nào cũng chờ cháu về đẩy xe. Bà ngoại bây giờ không còn dữ dằn như hồi xưa được nữa, bà không thể nói cũng không thể chửi được nữa. Tuần nào cô Kim vẫn tiếp tục về thăm, long weekend thì cô spend thêm time để giúp cho bà ngoại hơn nữa.

Một bữa nọ, mẹ cô hỏi cô, ‘How is your life?’, tức là con đi chơi với bạn đi, không cần lúc nào cũng về cả. Cô Kim nói với mẹ như thế này: ‘Đúng, con có thể có life của con được chứ, nhưng con nghĩ rằng bà ngoại con cần con hơn tất cả, bà ngoại cần có người bên cạnh.’
– Nhưng có mẹ ở với bà được rồi, con đừng lo.
Cô Kim nói: ‘Mẹ nói cũng đúng. Không có con, có mẹ cũng được rồi, nhưng trong lòng của con, con cảm thấy trong nhiều năm ở với bà ngoại, tức là trước khi mà bà bị stroke, lúc nào con cũng  có hình ảnh xấu về bà ngoại con. Con không muốn hình ảnh đó ăn trong đầu con lúc con lớn lên, cho nên con sống, con làm tất cả để cho hình ảnh của bà ngoại trong lòng con đẹp. Con sợ không đủ thời gian để cho hình ảnh đó đẹp được. Những kỷ niệm xấu hồi xưa lúc bà ngoại mắng chửi con hay chửi mẹ hay chửi những người anh của con, những hình ảnh đó con không muốn thấy trong đầu con nữa. Cách duy nhất con làm là con muốn sống với bà ngoại, muốn phục vụ, muốn xoa dịu những nỗi đau đớn của bà ngoại con, con muốn ở với bà ngoại con, chỉ chừng đó thôi.’

Bà rất ngạc nhiên khi nghe người con nói như vậy. Hai người quay lại thì thấy bà ngoại cô đang ngồi trên xe lăn mà nước mắt chảy ra vì bà vẫn còn hiểu. Cô Kim tới nói với bà ngoại: ‘Bà ngoại đừng có buồn, vì con không còn nghĩ gì xấu về ngoại đâu, con biết rằng con thương ngoại nhất trên đời. Con biết rằng tất cả chuyện gì ngoại làm
chỉ vì ngoại thương tụi con mà thôi. Tình thương vẫn có chứ không phải là không, nhưng cách của ngoại thương, nhiều khi ngoại la, ngoại mắng…, con không thể nào bị những cái la mắng đó làm cho tình thương của con giảm thiểu được’.

Bà ngoại chỉ biết nắm tay đứa cháu của mình và bà khóc.

Thưa các bác, câu chuyện này bình thường thôi, không phải là một chuyện gì lớn lao cả nhưng làm cho chúng ta suy nghĩ rất nhiều về tình người. Nhiều khi người Mỹ họ nói: ‘You hurt me.’ (Bác hay anh hay chị làm cho tôi đau) Hurt tức là một người nào mắng chửi mình làm hurt mình nhiều lắm và nhiều khi cái hurt đó nằm trong đầu mình mãi mãi, không biết làm sao có thể trừ khử được.

Nhưng mà nếu các bác nhớ chuyện của cô Kim, các bác thấy cô rất trưởng thành, chỉ mới 16 tuuổi thôi, mà cô xóa đi hình ảnh xấu bằng cách tới xoa dịu, cho tình thương trở lại. Tình thương của cô mạnh đến độ bao nhiêu ký ức xấu xa của bà biến mất đi, không còn nghĩ tới chuyện xấu nữa.

Đôi khi, những người họ hurt mình nhiều nhất chính là những người mà mình cần tới giao hảo, tới để đem tình thương cho họ. Bởi vì, vấn đề chính là mình không thể nào để cho tình thương của mình bị sự giận dữ, tánh nóng nẩy, những cái xấu ác của mình thắng được. Tình thương phải thắng tất cả những cảm xúc khác thì mới đúng là tình thương. Nếu mình thương một người nào đó thì bất kỳ những chuyện xấu xa gì, những lời áp bức gì mà người đó nói với mình cũng không thể nào làm cho tình thương của mình giảm thiểu được. Cái đó mới là tình thương chân chính. Nhưng nếu người ta chỉ nói xấu hay là người ta dèm pha hay là người ta chỉ có mắng nhiếc mình một, hai câu thôi mà mình ngừng thương họ thì rõ ràng là tình thương của mình chưa có.

Bởi vậy cho nên tình thương là quý giá nhất, chỉ có tình thương mới đem sự xoa dịu tới cuộc sống của chúng ta cũng như là cuộc sống của xã hội, mình cần rất nhiều tình thương. Những chuyện mình lỡ lời, những chuyện mình lỡ làm và những chuyện mình lỡ lầm thì vô số, nếu không có tình thương để mình xoa dịu thì những chuyện đó lúc nào cũng lớn cả. Cho nên, mình có triết lý là: ‘Nếu tâm lớn thì chuyện gì cũng nhỏ. Nếu tâm nhỏ thì chuyện gì cũng sẽ lớn cả’.

Cám ơn các bác đã lắng nghe, xin chúc các bác một ngày êm, vui, đẹp và tỉnh.

Thầy Hằng Trường thuyết giảng
Nhóm Đánh Máy và Phiên Dịch Hội Từ Bi Phụng Sự thực hiện.