89. Tay Cho Ra, Mắt Tri Ân – 7

Good morning các bác, các anh chị, đây là Dharma expresso cho Christmas Day. Ngày 24 là ngày chúng ta mua quà và gói quà, ngày mình cho ra. Nhưng ngày 25 là ngày chúng ta nhận.

Sáng nay, Thầy mở cửa thì có vài món quà nhỏ để trước cửa phòng Thầy rồi. Thầy nghe nói một em bé 2-3 tuổi bên Hung tặng quà Thầy hôm qua, hôm nay mới mở ra được, ngạc nhiên nhưng ngọt ngào thay được người ta nhớ tới và cho quà.

Đó là chủ đề quan trọng của ngày hôm nay: tay cho ra, mắt tri ân.

Mình cho ra rồi nhưng mình phải nên biết làm sao mà nhận. Mình nhận với tấm lòng như thế nào để cảm thấy mình là một phần của chu kỳ cho và nhận. Mình lúc nào cũng biết nhận rồi để cho tiếp chứ không phải nhận rồi mình trở thành người giàu hơn, tốt hơn, đẹp hơn.

Thưa các bác, bởi vậy nhận là một nghệ thuật rất đẹp của nhà Phật. Nếu mình không đề cập đến chuyện nhận này nhiều hơn chuyện cho thì thật sự là một khiếm khuyết rất lớn. Nếu bác đọc kinh Pháp Hoa, bác biết Bồ Tát Quán Thế Âm lấy xâu chuỗi của Ngài cúng dường lên chư Phật, Bồ Tát, lên Đa Bảo Phật, lên Thích Ca Mâu Ni. Khi Ngài tặng như vậy thì chư Phật cũng sung sướng vô cùng.

Cái nhận rất quan trọng bởi vì cái nhận đó vô ngã. Nhận hoàn toàn không phải vì được cho, mà vì mình nhận được tình thương, lòng chú ý quan hoài của người ta tới mình. Nhận được tấm lòng rất rộng rãi để mình truyền lan ra tánh rộng rãi, rộng lượng đó, và tiếp tục cho ra chứ không phải nhận món đồ rồi mình vui vẻ mở món đồ đó ra. Nếu rẻ tiền mình thấy không sướng lắm, mình bỏ một  góc nào trong nhà không xài tới, và nếu đồ đắc tiền thì mình ‘Wow, cám ơn chị’.

Không phải giá trị ở món đồ đó đâu bác mà ở tấm lòng người cho. Nếu người đó có tấm lòng lớn đương nhiên khi nhận mình sẽ cảm được. Các bác biết không, người có khó khăn kinh tế sẽ cho bác những món đồ rẻ tiền nhưng phải biết tấm lòng của họ, ánh mắt của họ, cách họ cho và sự ưu ái cũng như ý nghĩa trong món đồ đó làm cho mình cảm được.

Do vậy, người cho cũng có trách nhiệm làm sao chuyển đạt tình thương của mình và người nhận phải làm sao biết được tình thương đó. Nếu mình chỉ nhận món đồ thôi tức là mình sẽ không bao giờ trưởng thành, lúc nào mình cũng vẫn ấu trĩ và lúc nào cũng tìm những món đồ càng đắc càng quý hơn. Vì vậy, mình lúc nào cũng rất là đời. Đạo thì khác. Đạo là mình nhận được tấm lòng phía sau người cho. Đời là mình chỉ có nhận được vật ở phía trước, mình chỉ biết vật đó mà thôi. Cho nên người ta cho ra, dù họ cho nhỏ thế nào mình cũng nên tri ân tấm lòng người ta, hãy nhận lấy tình thương của người. Người có tấm lòng chú ý đến mình cho món đồ rất là vĩ đại.

Một chuyện khác quan trọng là người ảnh hưởng tới mình rất lớn mà mình không biết cho cái gì.  Sự thật có người ảnh hưởng tới mình rất lớn, giúp mình rất nhiều nhưng mình không nghĩ tới tâm tình của người ta, mình chỉ nghĩ tới tính xấu, tính không tốt của người đó, những lỗi lầm của người đó hoặc những thị phi mà người xung quanh đã nói về người đó. Rồi con mắt của mình bị mờ đi những chuyện người ta làm cho mình và quên đi ân đức của người ta.  Lúc đó thì người ta có cho món gì nữa mình cũng thờ ơ. Và nếu mình có cơ hội nhận thì mình nhận nhưng không nghĩ tới làm sao báo ân hoặc bài tỏ cảm kích trong lời nói của mình. Nhiều khi mình thờ ơ vô cùng bởi vì mình quên đi hành động tốt của người đó.  Đó gọi là phàm phu.

Cho nên trong lúc tu Đạo, các bác tu tay cho ra, mình phải nghĩ tới điểm tốt, chuyện đẹp của người và cái mà họ làm cho mình, thọ ân. Phật, Bồ Tát và chúng sinh khác nhau là Phật lúc nào cũng nghĩ tới ân đức nhận được.

Thầy nhớ chuyện Sư Phụ Thầy kể:  Ngài qua Mỹ khoảng năm 1957 sống rất khổ sở dưới basement. Mỗi ngày, Ngài phải lên khiêng vác đồ đạc để tự nuôi sống. Đó là lúc đầu tiên Ngài qua Mỹ. Thời đoạn đó không được nhắc tới nhiều trong lịch sử của Ngài; họ chỉ nói tới lúc Ngài đã thành tựu. Có bửa đó, một vị thính chúng đi qua, bà thấy Ngài khiêng vác thì tới chào vồn vả: ‘Ối trời ơi, Sư Phụ, tại sao Sư Phụ làm những việc như vậy?’

Ngài chỉ mỉm cười không nói gì nhưng người đó đứng ngay giữa đường như vậy mà quỳ  xuống lạy. Sư Phụ mới đở lên. Sư Phụ nói với Thầy và mấy tăng, lúc đó năm 1982-83 gì đó, bà này mới đúng là trồng cái nhân. Bà không cần biết Sư Phụ đang làm gì, có chùa hay không có chùa. Bà nhớ tới cái ân hồi xưa Sư Phụ ở trong động Quán Âm ra giảng pháp ở Phật Giáo giảng đường bên Hồng Kông, bà chỉ nghe một hai lần nhưng bà nhớ cái ân đó.

Câu chuyện đó làm cho Thầy nhớ mãi. Mình mang ân rồi thì mình tìm cách kính trọng người đó dù cho người đó có những chuyện phiền não, có những sự thay đổi trong cuộc sống, mình vẫn nhớ mình là người thọ ân. Bởi vậy, khi tu tay cho ra thì dễ lắm nhưng mình phải tu tay biết nhận để mà trao truyền cho người khác. Và tâm biết ơn đó giúp mình lúc nào cũng thấy cái đẹp của người và lúc nào cũng giữ cái đẹp trong lòng mình, thay vì mình lúc nào cũng bị những lời nói vô ra làm động tâm. Các bác biết không, những người giúp mình hoặc cho mình ân đức nhiều khi không phải là người hoàn mỹ, mười phân vẹn mười, nhưng chúng ta hãy nhìn điểm tốt của họ và từ điểm tốt đó mình phát triển điểm tốt của mình. Và nhờ vậy mình mới khiến quan hệ của mình càng ngày càng đẹp hơn.

Cám ơn các bác đã lắng nghe và chúc các bác một ngày Giáng Sinh vui vẻ. Chúng ta hãy cùng nhau tập nhận với lòng cảm kích chân thật của mình để trao truyền lại những gì mình được cho người chung quanh và không ngừng mở ra tay tri ân và mắt cho ra.

Bác thấy nó đổi hay không! Không phải tay cho ra, mắt tri ân mà mắt cho ra, tay tri ân.

Cám ơn các bác.