Good morning các bác. Đây là 5 phút dharma expresso.
Thưa các bác, trong kinh Lăng Nghiêm, ngài Kiều Trần Như là người đã chứng ngộ quả A La Hán do Ngài hiểu được hai chữ “khách” với “trần”. Đó là cái phần rất quan trọng đối với người mới tu vì nhiều khi mình không biết đâu là “khách” và đâu là “trần”.
“Khách” tức là người tới trọ hotel, xong rồi ra đi chứ không ở luôn. Người chủ thì mình gọi là chân tâm. Khách là ví dụ cho vọng tưởng, cho những quan niệm sai lầm. “Trần” là bụi bặm. Khi ánh sáng dọi vào thì mình mới thấy bụi bặm. Bình thường mình không thấy bụi bặm đâu cả. Mình ngồi trong phòng sẽ không bao giờ thấy bụi bặm, nhưng khi một tia ánh sáng chiếu vào thì mình thì sẽ thấy bụi chạy lăng tăng, lăng tăng.
“Trần” tượng trưng cho vọng tưởng và cũng có nghĩa là cảm xúc, tình cảm, những thứ gọi là ngũ ấm. Nhưng bình thường, nó là điểm mù mình không thấy. Ngay trước mặt mà mình không thấy; chỉ khi nào có ánh sáng của chân tâm chiếu vào thì mình mới thấy được. Hai cái điểm “khách”, “trần” có rất nhiều tầng để mình suy nghĩ và hiểu thấu, không phải là chỉ có một mà thôi.
Hôm nay, Thầy dùng hai ba phút để nói các bác nghe là chữ “khách” này rất đặc biệt, bởi vì có những tư tưởng mà các bác thấy khi vào trong đầu rồi thì mình không thể nào gỡ ra được. Người ta gọi cái đó giống như cái meme. Vào trong đầu rồi thì nó trú ngụ trong đầu mình. Các bác có thấy là khi nào mình ghét một người nào, cái tư tưởng đó mình không biết làm sao lấy ra được. Khi thù hằn một người nào rồi thì mình cứ nhớ người đó hoài. Cái tư tưởng nằm trong đầu, và mình cứ nhớ hoài, nhớ hoài. Bằng bất kỳ điều gì, làm việc gì mình cũng nhớ tới cách để mà trả thù. Cái tư tưởng đó, người khách đó, không những đi vào trong hotel rồi, mà bây giờ chiếm hữu hotel của mình, và người chủ sẽ bị đẩy ra. Cho nên đức Phật dùng một danh từ rất là hay, là “nhận giặc vi tử,” tức là nhận giặc làm con của mình. Tức là mình nhận người khách làm người chủ. Cho nên mình sẽ mất đi chân tâm. Cái chuyện mà những tư tưởng vào trong đầu rồi, hình ảnh người ghét ở trong đầu rồi mình không thể vứt được, nhiều khi một năm hai năm. Nhiều khi hận thù đó, người ta giận, người ta ghét suốt cả một đời luôn. Rồi có những chuyện mà mình ghen một người nào rồi, thì người mình ghen nằm trong đầu mình, mình không bao giờ đẩy ra được cả. Không bao giờ có nghĩa rằng tư tưởng đó mạnh đến độ nó không cho mình cách gì để mình đẩy ra. Cách duy nhất mà mình phải nhận ra là lòng từ bi và lòng tha thứ. Lòng từ bi và lòng tha thứ mới chính là người chủ. Thường là người khách mạnh đến độ người chủ chịu thua. Nên tư tưởng ghét hận, ghen tuông, hình ảnh người mình ghét, hình ảnh người mình ghen, hình ảnh người mình giận nó nằm trong đầu, nó mạnh lắm và nó cột lại ngũ ấm, sắc thọ tưởng hành thức. Nó cột lại, nó tụ hội lại, giữ lại ngũ ấm đó, làm cho mình có lý do tại sao mình sống, tại sao mình làm chuyện này, tại sao mình đánh lại, tại sao mình trả thù, tại sao mình blackmail, tại sao mình phải giết người đó cho được, làm sao mình làm cho thấy người ta sụp đổ. Tất cả những cái đó điều nằm trong tư tưởng kinh khủng đó. Là tư tưởng của khách ở trong đầu của mình.
Tại sao gọi là trần? Bởi vì nó vi tế vô cùng, mình không thấy được. Tư tưởng tới từ từ, vi tế, nó không cho mình thấy. Nó ngay trước mặt mình mà mình không thể phủ nhận được. Cho nên đó là một trong những cái kinh khủng nhất, gọi là điểm mù. Nó nằm trong đó mà mình không biết làm sao đẩy ra được, vì mình không thấy để mà đẩy. Các bác thấy ánh sáng chỉ có thể chiếu soi và bụi chạy lăng tăng, lăng tăng. Ánh sáng không đẩy bụi đi đâu được cả. Nó không đẩy đi, chỉ thấy sáng suốt thôi. Nhiều khi lòng từ bi hỉ xả, lòng tha thứ của mình, mình nhận biết được. Đây là tư tưởng, đây là hình ảnh con người làm mình đau khổ. Mình nghĩ như vậy, mình thấy như vậy, và mình tha thứ, mình buông đi thì tự nhiên mình mới giải thoát, chứ mình không làm gì cả. Mình càng đấu lý với nó thì lý càng đúng là vì lúc nào nó cũng đưa tới chỗ tình ngay lý gian. Lúc nào nó cũng làm cho mình thấy người đó là người làm cho mình đau khổ. Làm sao mình có thể không đau khổ được? Vì mình có một trăm ngàn chứng cớ, lý do là người đó làm cho mình đau khổ thế này, đau khổ thế kia, hại mình thế này, hại mình thế nọ. Mình không thể nào phủ nhận những chuyện họ làm được. Mà càng đi vào con đường lý luận, càng chứng minh họ là sai, là ác, là phá mình, thì mình lại càng kẹt trong tư tưởng mà mình gọi là nhị nguyên, thị phi. Hình ảnh đó, người khách đó sẽ còn ở mãi trong đầu của mình. Và người khách đó chỉ cần mình đồng ý với một trong những cái cớ, cái lý do người khách đó đưa ra thôi thì họ sẽ ở mãi trong đầu mình vĩnh viễn. Và lý do đó lúc nào cũng cái lý do là mình đã thấy được sự thật. Tôi thấy được sự thật là người đó hại tôi. Đây là bằng chứng người đó làm những chuyện như vậy như vậy. Tôi đã thấy được sự thật là người đó làm những chuyện xấu như kia như kia. Những cái đó là những cái rất rõ ràng. Và nó làm cho sự tức giận và ghen ghét của mình nằm trong đầu mình. Mình đâu biết rằng cái đó là cái hại nhất, và cái đó là người khách, không phải là người chủ. Người chủ là lòng tha thứ, người chủ là ánh sáng vô biên, vô tận. Người chủ là một trí huệ sáng suốt, là một sự bất động. Nhưng mình thường thường nghe theo người khách, đi theo cái bụi, không nhận ra ánh sáng, không nhận ra ông chủ. Do đó mình cứ kẹt trong vòng lẩn quẩn sinh tử hoài.
Ông Kiều Trần Như là người nhận ra rõ ràng trong từng giây, từng phút cuộc sống. Và ông thấy người khách thì ông đẩy ra, không cho ở, và ông thấy cái trần, cái điểm mù thì ông mỉm cười như là ánh sáng vậy đó. Do đó ông tự tại vô ngại thành A La Hán.
Cám ơn các bác đã lắng nghe dharma expresso ngày hôm nay. Chúc bác một ngày vui vẻ.