118. Tay Gỡ Rối (9)

Good morning các Bác, anh chị.  Đây là Dharma Espresso cho ngày hôm nay.

Chắc là các Bác các anh chị đã bắt đầu ăn nghệ rồi, nghệ không những tốt cho bao tử, dạ dày, và ruột, mà còn tốt cho mạch máu, và tim của mình nữa.  Nghệ rửa sạch (clean up) bao nhiêu chất độc trong người mình, và còn giúp cho não mình tránh được bệnh Alzheimer.  Nếu các Bác ăn nghệ thường xuyên, xác suất bị bệnh Alzheimer rất thấp.  Thôi thì các Bác nên tiếp tục ăn nghệ một tuần vài lần.  Có người cũng từng hỏi là tại sao người ta không làm trà nghệ?  Thầy cũng đã được uống nước sinh tố mà họ xay thêm nghệ vào trong đó, rất là ngon.  Nói chung thì mình nên bắt đầu nghĩ tới những thức ăn, nước uống giúp cho cơ thể nhiều hơn.

Đề tài ngày hôm nay vẫn tiếp tục về gỡ rối.  Thầy sẽ kể cho các bác về một câu chuyện rất hay mà thầy đọc được trên net.  Có một bà vợ nọ, rất thương ông chồng.  Trong một tháng nọ, tự nhiên bà thấy ông chồng cứ đi làm về trễ hoài, cũng không điện thoại cho bà.  Về đến nhà, ăn uống lục đục rồi lại đi lên lầu.  Bà ngạc nhiên lắm, rồi bà nhất định nghĩ, chắc là ông này có bồ rồi.  Bà rình, có bữa đó ông bà đang ngồi ăn, bà ăn chưa xong, thì ông xách đồ đạc đi lên lầu.  Bà tức quá, bà mới chận ông và hỏi: “Chắc chắn là anh có ngoại tình, có bồ.  Thứ nhất, tại sao mấy ngày hôm nay, đêm nào anh cũng về trễ.  Thứ nhì, tôi để ý thấy anh ngồi ăn mà con mắt anh cứ nhìn bên này, bên kia, giống như anh không có kiên định.  Thứ ba, anh ăn lẹ lẹ, rồi anh đi mất tiêu, anh không có nói chuyện với tôi như hồi xưa nữa.  Có phải anh lén lút với cô này, cô kia.  Đưa điện thoại cho tôi coi.”  Ông đưa và nói: “Có chuyện gì đâu, tại sao em không nghĩ là anh có việc làm trong sở.”

Thưa các bác, té ra đó là một căn bệnh mà người ta gọi là Mind Reading. Tức là bà vợ này, bà đem chuyện của bà, bà bỏ vào trong miệng của ông chồng, làm như thể đúng là ông này như vậy.  Bà tự mình nghĩ chuyện đó ra, bà đoán, bà gán ghép những chuyện đó cho ông.  Bà đau khổ vô cùng và còn nhiều chuyện sau này Thầy không muốn nhắc đến.  Thầy chỉ muốn nói đến một đoạn nhỏ này về tình trạng của bà vợ mà Bác sĩ nói đó là một trong những cái rối ren nhất.  Bởi vì không ai có thể thuyết phục (convince) mình, và nói là mình sai được, vì mình cứ cho là mình đúng chắc chắn 100%: “Tôi có bằng chứng ông làm như vậy, tôi có chứng cớ”.  Người Việt hay gọi là tình ngay lý gian.  Thật sự ra ông chồng không có như bà vợ nói.  Ông bị stress quá nhiều về công việc trong sở.  Ông phải làm việc nhiều nên về trễ, nhưng ông không muốn nói cho bà nghe sợ bà lo.  Ông ăn xong sớm, để ông lên lầu tiếp tục làm việc.  Bà vợ ông không bao giờ lên trên lầu để coi ông làm gì trên đó, bà chỉ ở dưới này, bà rửa chén nhưng trong lòng bà nghĩ là ông lên trên kia để ông nói chuyện với bồ của ông.

Thưa các bác, chứng bệnh đó gọi là Mind Reading.  Mind Reading là một căn bệnh tự động (automatic) trong đầu mình, trong não mình với một câu chuyện cứ chạy đi, chạy lại, nó thuyết phục (convince) mình, và mình không thể nào nhảy qua khỏi cái quỹ đạo của những tư tưởng looping (tức là chạy vòng tròn).  Câu chuyện cứ tiếp tục chạy vòng tròn hoài trong cuộc sống của mình.  Nhiều khi mình gán ghép cho mình thấy người này làm chuyện này, làm chuyện kia; mình quả quyết, mình nghĩ là mình có thần thông quảng đại vô cùng, nhưng thật sự không có chuyện như vậy xảy ra.  Tại sao vậy?  Vì đằng sau đó có những động cơ khác.  Nhiều khi động cơ là một con sâu, mình ghen tuông, mình tức giận, mình khó chịu.  Nhiều khi mình có những vết thương lòng và bây giờ nó đưa đẩy mình đến những sự suy nghĩ như vậy.  Những suy nghĩ đó tự động (automatic) nhảy lên trong đầu, mình không cách gì kháng cự nổi.  Nó chạy trên con đường low road, không phải high road.  High road là con đường trên cao, là con đường của lý trí.  Low road là con đường chạy trong vùng limbic trong não, looping trong đó, và cigulate gyrus làm việc với nhau để giữ tư tưởng mình lại, không cho mình ra khỏi chổ đó.

Cho nên ăn nghệ thì phải ăn, exercise thì phải exercise; nhưng lúc nào mình cũng nên (người Mỹ họ gọi là for the benefit of the doubt) cho họ có cơ hội bày tỏ, giải thích, và mình nên chấp nhận.  Nhưng mình phải nghĩ rằng chuyện gì mà chưa có bằng chứng, chưa có thiệt thì mình đừng có ngồi đó mà nghĩ xấu.  Sự nghĩ xấu đó là chuyên chú vào sự tiêu cực (focus on negativity), nó chỉ giết mình chứ không giết ai khác.  Cho nên mình nên chú ý vào những việc tích cực (focus on positivity), chú ý vào cái tốt đi.

Trong thời gian Thầy nhập thất, Thầy mới khám phá ra rằng những lời trong kinh điển, những lời của Đức Phật, của chư Bồ tát, quá sức là tích cực.  Các Ngài lúc nào cũng bắt đầu bằng sự cám ơn, sự cảm kích.  Các Ngài lúc nào cũng bắt đầu bằng câu: “Thiện tai, thiện tai”, “Lành thay, lành thay”, “Tốt thay, tốt thay”.  Nếu trong cuộc đời mình, khi có chuyện gì vừa xảy ra, mình cũng “Lành thay, lành thay” cả, thì đương nhiên nó lành rồi, nhưng mình lại thốt ra: “Trời ơi, trời ơi”.  Khi Đức Phật nói hai chữ “Thiện tai”, rõ ràng là Ngài đang ở trong tâm hồn rất là rộng rãi, rất là vui; Ngài thấy cái đẹp thôi.  Chưa hề có một kinh điển nào nhắc đến “Trời ơi, trời ơi” hay “Chết rồi, chết rồi”.  Tại sao mình không học câu “Lành thay, lành thay” đi?  Hay là mình cũng có thể nói: “Trời ơi, tốt quá”.  Thường thường mình hay chú ý vào những chuyện xấu, nó tự động nhảy vô, làm cho mình cứ phải nghĩ về nó hoài mà không ra được.  Biết như vậy rồi, thì bây giờ quỹ đạo của mình là nghĩ chuyện tốt thôi, cứ để cho bánh xe này lăn trên quỹ đạo tốt hoài đi.

Hôm nay cám ơn các bác đã lắng nghe.  Chúc các bác một ngày rất là tốt, và bánh xe của Bác chạy trên vòng tròn của những chuyện tốt.  Xin các Bác hãy đi tìm những chuyện tích cực mà nhìn vào, và nhảy ra khỏi vòng tròn lẫn quẫn của Mind Reading, của mình đặt ra, của mình gán ghép cho những cái chuyện mà thật sự không có.  Cám ơn các bác đã lắng nghe, chúc các Bác một ngày đẹp, vui và tịnh.

Thầy Hằng Trường thuyết giảng
 Nhóm Đánh Máy và Phiên Dịch Hội Từ Bi Phụng Sự thực hiện – 01/31/2018