108. Tay Xoa Dịu – Lời cầu nguyện (1)

Good morning các Bác, anh chị.  Đây là Dharma Espresso đặc biệt cho ngày hôm nay.

Thưa các Bác, anh chị, đặc biệt là bởi vì ngày hôm nay chúng ta có chị Lê Mỹ Hạnh, là một người rất thân thương của gia đình chúng ta, chị sẽ đi mổ vào 7:30 sáng nay giờ California.  Cho nên mình mong tất cả các Bác, anh chị mọi nơi dành chút thì giờ để cầu nguyện.  Các Bác có thể tụng 7 biến, 21 biến chú Thất Phật Diệt Tội, hoặc chú Đại Bi đều được cả.  Các Bác bỏ bao nhiêu thời gian vào trong tụng niệm thì bao nhiêu tình thương của Bác sẽ gởi tới cho chị Hạnh, và mình mong sao cho những việc làm của Bác sĩ mổ được dễ dàng, và chị Hạnh được khỏe khoắn.  Người thứ hai là con của cô Pamela bên Canada, là em Akeelah Owens, sinh năm 1988, mới 30 tuổi thôi.  Cô Pamela là một thành viên của hội bên Montreal, rất nhiều năm và rất là tích cực, thành ra chúng ta cùng nhau tụng niệm hồi hướng, thì mình cũng tụng 7 hoặc 21 biến Thất Phật Diệt Tội hoặc chú Đại Bi.

Khi Bác tụng niệm thì Bác nên làm như thế này, Bác nên nhắm mắt lại, trước tiên mình hình dung chị Hạnh, rồi Bác mới hình dung đức Quán Thế Âm Bồ tát đứng phía trên cao, tưới nước cam lồ xuống chị Hạnh, chúng ta cầu nguyện làm sao mà xin chị Hạnh nhận được nước cam lồ của đức Quán Thế Âm Bồ tát, làm cho bao nhiêu bệnh hoạn, bao nhiêu khổ sở được tiêu trừ cả.  Và nhất là lúc mổ, ca mổ được thành công là bởi vì nước cam lồ rưới tới xuống.  Nhiều Bác không nghĩ tới cam lồ cũng được, Bác cứ nghĩ đức Quán Thế Âm Bồ tát phóng quang xuống.  Sau khi hình dung như vậy rồi, thì mình tụng 7 biến hoặc 21 biến.  Kế đó thì mình nghĩ tới em Akeelah Owens, rồi mình cũng làm như vậy, mình nghĩ tới đức Quán Thế Âm Bồ tát phía trên rưới nước cam lồ xuống, và tưới xuống em Akeelah Owens này làm cho bệnh hoạn em cũng tiêu trừ, ca mổ của em cũng rất dễ dàng.

Khi mình bỏ thời gian ra làm như vậy đó, thì mới có một sự cảm xúc và mình chính là cầu nối giữa đức Quán Thế Âm Bồ tát và người bệnh.  Thưa các Bác, cách mình muốn là làm sao để mình trở thành nhịp cầu thôi, mình dùng lòng thành và tình thương của mình làm nhịp cầu để đức Quán Thế Âm Bồ tát có thể thi triển thần lực của Ngài, Ngài có thể cứu giúp được.  Sự cầu nguyện linh ứng vô cùng, bao giờ cũng vậy cả, bởi vì mình là nhịp cầu tốt khi mình tụng niệm.  Nếu mình làm cho qua loa, thì cầu mình làm không có chắc chắn được và nhiều khi nó không thể nối tiếp được, cho nên mình chỉ cần bỏ thời gian chút xíu thôi các Bác, nhưng biểu hiện tình thương của mình cho những người thân thương trong gia đình của mình.

Thầy tin rằng đây là một cách để cho mình thực hành Tay Xoa Dịu, bởi vì có những người trong gia đình mình cũng nhiều khổ não, nhiều khi mình cũng nên chấp tay cầu nguyện, làm cho người đó bớt đi những khổ não.  Có những người hơi xa một chút xíu, mình không nhớ tới, nhưng nhờ hình ảnh mà mình biết, như là em Akeelah Owens.  Có lẽ chúng ta chưa ai gặp mặt em cả, nhưng qua hình ảnh thì mình nhớ, và mình làm cái nhịp cầu.  Đó là bản chất rất là quan trọng của đạo Bồ tát, còn gọi là ”Vô duyên đại từ”, tức là những người mình không có duyên, mình hãy khởi tình cảm, cái dễ thương của mình, mình nhớ tới người đó để làm nhịp cầu làm sao cho họ được thoải mái, thảnh thơi và họ được bớt bệnh hoạn.

Cũng như các Bác biết, những người xung quanh mình, ai cũng có bệnh này bệnh kia, ai cũng có chuyện này chuyện kia cả, cho nên nhiều khi mình lấy cái đó làm cái lý do đó để mình tu.  Thường thường mỗi khi mình tu, mình cầu nguyện,  mình nên bỏ một thời gian ra, không nên nói qua loa, rồi chỉ tụng một hai biến.  Có nhiều người hỏi Thầy, “Thưa Thầy, lúc con lái xe, con vừa lái vừa cầu nguyện 5, 7 biến cho chị này, chị kia như vậy có được không?”  Thầy text lại:  “Chắc là chị không nên vừa lái xe vừa cầu nguyện, chị nên ngồi xuống yên tịnh, để tâm chị làm nhịp cầu cho dễ hơn”.  Đó là những chuyện rất thực tế để cho sự cầu nguyện của mình linh ứng.

Lòng thành tâm là cái khó kiếm nhất và là cái quý giá nhất, kế tới là lòng thương.  Nhất là khi mình cầu cho những người nào mình ít quen biết, thì cần lòng thương của mình hơn nữa.  Nếu trong gia đình của mình, trong hội mình, trong nhóm mình, bạn bè mình có những người rất dễ ghét, khi họ có những hành động mình thấy khó chịu, thì mình lại càng nên có tình thương, mình nên thầm cầu nguyện và hồi hướng cho những người dễ ghét đó.  Nhiều khi người đó họ cần sự cầu nguyện của mình hơn tất cả những người khác.  Đó là lý do tại sao mình làm nhịp cầu để đức Quán Thế Âm Bồ tát có duyên cứu giúp chúng sanh.  Chứ nếu mình không làm nhịp cầu thì Ngài cũng không biết làm sao mà giúp.  Mình hãy làm nhịp cầu đi.

Nhưng có Bác nói, “Thưa Thầy, Bồ tát có thần lực mà? Ngài biết, Ngài có thể tự cứu”.  Đúng rồi, nhưng lúc nào cũng vậy, Bồ tát có cái duyên thì đương nhiên mới giúp được hiệu quả hơn.  Nếu mình có rất nhiều người cùng tới để cầu nguyện, thỉnh cầu xin Ngài giúp thì đương nhiên Ngài sẽ giúp.  Nhất là khi mình cầu với lòng thành, chứ không phải cầu xin chơi, mình bỏ thời gian ra cầu nguyện, và không phải chỉ 5, 10 phút ngày hôm nay, có lẽ mình sẽ cầu nguyện liên tục như vậy trong nhiều lúc, nhiều năm, nhiều tháng.

Lúc nào mình cũng nên nhớ tới những người trong nhóm cần sự thân thương của mình, và lúc nào cũng nên mở lòng tha thứ, chứ nếu không giống như mình tu mà không có lòng quan hoài, không đem tình thương của mình đến với những người trong mạnh lưới nhân duyên của mình thì làm sao gọi là thương được.  Cho nên mình nên dành thời giờ và dành tình thương của mình gởi tới tất cả những người đang cần.

Cám ơn các Bác đã bỏ thời gian ra để cầu nguyện cho chị Hạnh, và em Akeelah Owens.  Nếu Bác nghe bài này trễ, không cang gì, các Bác cũng tiếp tục hồi hướng cho hai vị này trong ngày hôm nay và trong những ngày sắp tới khi Bác có giờ.

Cám ơn các Bác đã lắng nghe, và chúc lòng thành của Bác có thể cảm động được Quán Âm và làm cho sự mầu nhiệm được xảy ra.

 

Thầy Hằng Trường thuyết giảng
Nhóm Đánh Máy và Phiên Dịch Hội Từ Bi Phụng Sự thực hiện – 01/19/2018