Good morning các bác, các anh chị. Đây là Dharma Expresso cho ngày hôm nay.
Có một vài vị hỏi thầy:
‘Thưa Thầy, tại sao không thấy thầy giảng kinh như thị ngã văn, giảng cho đúng trong kinh văn? Tại sao thầy nói về những chuyện đời, thầy giảng Tây Du Ký, thầy giảng đủ thứ chuyện cả mà không thấy thầy giảng kinh cho đúng như một pháp sư giảng pháp? ‘ Thầy nghĩ đó là một câu hỏi rất hay, để thầy giải thích cho các bác nghe. Trong quá trình học đạo, con người mình phải sẽ trải qua 4 giai đoạn như thế này. Bốn giai đoạn này nói về chuyện học kinh chứ không phải về sự phát triển tâm lý, sinh lý, vật lý hay xã hội hay tâm linh.
1/ Làu thông
Giai đoạn thứ nhất là học để hiểu ý nghĩa của kinh điển. Từ chỗ hiểu nghĩa đen ra nghĩa bóng, hiểu cho thông. Học những bộ kinh cho rõ ràng, từ những bộ kinh nhỏ như Bát Đại Nhân Giác cho tới những bộ kinh lớn như Tứ Thập Nhị Chương Kinh, rồi những bộ kinh Đại Thừa như kinh Lăng Nghiêm hay Pháp Hoa v.v…Nhiều khi mình phải học những kinh tạng nguyên thủy như Trường Bộ Kinh v.v… Học để hiểu rất quan trọng để mình thấm những triết lý thì cũng phải mất 4, 5 năm. Nhiều khi một vị tăng, phải mất 5 năm đầu tiên để học thấm những kinh điển đó để đạt tới chữ gọi là làu thông. Làu là làu làu, thông là nhớ hết: Tứ Diệu Đế, Tứ Chánh Cần, Tứ Vô Úy, Tứ Thần Túc… Biết hết những danh số trong nhà Phật. Giai đoạn này gọi là giai đoạn làu thông, thấm thật là thấm. Giai đoạn này là để biết những tập họp trí huệ mà chư tổ sư đã truyền đạt lại. Những môn học đó, mình phải thấm vào trong đó, vào văn hoá của kinh điển đó. Giai đoạn làu thông này nhiều khi mất 5 năm nếu mình chuyên chú học, đi ra ngoài vấn đạo. Giai đoạn này rất quan trọng vì mình thấm vào trong kinh điển và mình thay đổi bản đồ trong não, gọi là thay đổi paradigm (paradigm shift), thay đổi cái nhìn của mình. Sau giai đoạn làu thông rồi, mình phát giác ra có những người mở miệng ra là ‘Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc’, nói những kinh điển như Kinh Kim Cang, Kinh Pháp Hoa rất là cao siêu. Mình nghe họ nói hay lắm nhưng mà mình thấy rõ ràng là đời sống của họ rất là miserable bởi vì họ không thuận với vợ họ, họ không có công việc cho đàng hoàng, sinh ra đủ thứ mâu thuẫn cả, tuy vậy, họ vẫn làu thông và họ giảng giải rất là hay. Đó là giai đoạn gọi là làu thông, giai đoạn thấm vào lý nhà Phật.
2/ Sự thông
Sau một thời gian, nếu họ đem những triết lý đó để họ nhìn đời (nhìn chứ không phải làm), nhìn đời theo lý đạo thì từ từ họ sẽ thấy đây là nhân, đây là quả, đây là duyên (duyên này sinh ra như vậy), rồi từ từ, bản đồ trong não của họ, họ lồng lên một thực tại khác, họ thấy thực tại đó theo một lăng kính mới, đó là cái nhìn của chư Phật, chư Bồ Tát. Từ đó, họ mới đạt tới mức độ gọi là sự thông.
Sự là sự việc. Xãy ra chuyện này chuyện kia, làm như thế này mình biết là nhân quả không đúng thì mình đừng có làm. Hay là chuyện này, đức Phật nói mình đừng có làm, hay là nên đức Phật nói mình nên làm như thế này, nên bố thí, nên trì giới v.v… Sự thông rất là quan trọng, làm cho họ bắt đầu thay đổi cuộc đời của họ. Sự thay đổi đó, vì hiểu được chút chút, nhưng không dược mạnh mẽ. Những chuyện xung quanh, đa số mình lại không thấy, hay thấy xa xa. Chuyện của người ta thì dễ lắm nhưng của mình thì mình lại không thấy.
Cho nên, sự thông là cái tâm, cái ngã của mình nó chưa thông. Chỉ thấy bên ngoài thôi nhưng chưa đem vào trong thân, trong tâm được. Mình có thể nói chuyện của người ta dễ dàng lắm nhưng chuyện của mình thì không nói được, cho nên không thay đổi được vận mạng của mình. Cho nên, sự thì thông nhưng mà lại không thông được chính mình.
Làu thông, đức Huệ Năng gọi là thuyết thông, nói cho giỏi, còn sự thông là mình thấy đó, chỉ cho người ta thì đúng đạo lý lắm, còn mình, điểm mù của chính mình thì mình lại không nhận ra được. Giống như mình, vẫn còn cần được mise au point nhưng mà đỡ hơn một chút, có thông thái hơn một chút. Chữ thông thái dùng lúc này là hợp lý, biết được nhiều chuyện nhưng biết bên ngoài.
3/ Suốt thông
Giai đoạn ba mới là độc đáo. Giai đoạn ba bây giờ là mình nhìn vào bên trong, thấy được những mặc cảm, thấy được những nỗi niềm, biết được con đường của mình, biết được course of action, biết được là mình phải phát triển như thế nào. Biết được rõ ràng cái mặt của mình, đây là điểm mù, đây là bóng tối. Biết để làm sao mình sửa. Rồi từ chỗ đó, mình nhìn ra bên ngoài để mình thấy té ra đây là điểm mù, té ra là như vậy… Cái nhìn của mình sẽ xuyên suốt lắm, và mình có thể dẫn từ lý tới sự, dẫn từ sự về lý. Dẫn từ lý tới sự nghĩa là sao? Có nghĩa là bây giờ, mình đã thấm trong người triết lý nhà Phật rồi, cho nên mình có thể suy ra, nhìn sự việc đó từ trong bụng mình, mình nhìn ra chứ không phải từ trong kinh điển mà ra nữa.
Giai đoạn đầu làu thông là chỉ hiểu kinh điển thôi. Giai đoạn hai là mình thấy nhưng chưa thấy từ trong bụng mình. Trong bụng mình còn nhiều bóng tối, còn nhiều điểm mù khác. Giai đoạn ba là nhìn xuyên qua những điểm mù, xuyên qua những hạn chế từ trong bụng. Trong ruột của mình sáng ra, cho nên mình thấy được bên ngoài. Rồi mình đem những chuyện bên ngoài, mình dẫn lại tới triết lý nhà Phật, đem về lại tới bụng của mình và mình biết: a, thì ra đây là cảm nhận đây. Mức độ của người này gọi là suốt thông. Từ kinh điển ra chuyện đời, rồi từ chuyện đời này họ dẫn giải trở lại chân lý, thành ra cảm nghiệm được. Cho nên giai đoạn thứ ba là giai đoạn không phải chỉ là hiểu mà cảm nghiệm được một cách sâu sắc. Do đó, họ thay đổi được cuộc đời của mình. Nhân vật này, trong quẻ dịch, gọi là phi long tại thiên, bởi vì họ tri thiên mệnh, họ biết được mệnh của họ, họ tìm được con đường để họ thay đổi chính mình. Nếu các bác đi từ làu thông tới sự thông, rồi tới suốt thông thì suốt thông là một lý tưởng rất cao vì mình thay đổi được vận mạng của mình thì còn gì hay hơn nữa. Mình biết được chuyện gì mình không nên làm, dù rằng người ta muốn mình làm nhưng mình thấy rõ chuyện đó làm cho tâm của mình không ổn. Mình biết rõ lòng mình hoàn toàn sáng suốt và mình nhìn được cuộc đời của mình trong một khía cạnh khác. Mình thấy cuộc đời của mình phát triển theo chiều hướng tâm linh hướng thượng vô cùng.
Suốt thông là một giai đoạn đặc biệt, làm cho mình biết được thiên nhãn của mình. Mình không sống vì làm những chuyện mà người ta muốn mình làm, mình không sống vì những chuyện có danh lợi nhiều quá. Mình tưởng mình có trí thức nhiều là hay, thì ra là mình còn có con tim nữa. Người làu thông chỉ hiểu bằng óc. Người sự thông, ra đời liên hệ được, thấy được, óc bắt đầu cảm nhận được với con tim. Trường hợp thứ ba, không phải là óc và tim phối hợp với nhau, mà tạo ra linh tánh. Mình nhìn linh tánh, hiểu được và linh tánh hướng dẫn mình. Nhưng linh tánh chưa hoàn toàn mở ra hết, mình hiểu và làm được theo tầng tâm thức.
Người suốt thông này cần phải nâng tâm thức mình lên tầng vị tha hơn, sống vì người khác hơn. Người này nhìn và thấy rõ chân lý rồi nhưng chưa thể đem thân mạng mình hiến dâng cho người khác được thì vẫn còn kẹt. Người suốt thông có thể là một người không làm gì cho xã hội nhiều, ngồi trong nhà, đọc kinh sách. Ra làm chuyện này, chuyện kia, bất kỳ chuyện gì cũng thông suốt được cái lý, nói rất hay, điềm đạm, nhẹ nhàng, thấy được chuyện đời, đem vào đạo, vào trong lòng của mình, nhưng mà bây giờ nói đi hiến dâng đời mình để làm những chuyện khác như đi tới chùa quét nhà thì có thể làm nhưng không thể làm luôn được. Vì sao vậy? – Vì cái thấy cao quá, tâm mình vượt ra nhiều quá, hơn người ta nhiều, thấy được điểm mù của người ta dễ dàng, thấy được những người thấp hơn mình dễ dàng, dạng người này, không phải là kiêu ngạo nhưng mà cái nhìn của họ quá cao.
4/ Thần thông
Bởi vậy, phải tới tầng thứ tư là gì?
– Cái cao của những người này phải đem vô lại trong đại chúng, trong tập thể. Họ không phải là người kiêu ngạo, cách nhìn của họ rất là cao, họ phải đem cách nhìn của họ chia sẻ cho tập thể. Họ phải làm việc như mọi người, gọi là thao quang. Thao quang là đem ánh sáng của mình bọc lại. Dưỡng hối, nuôi dưỡng ánh sáng đó trong bóng tối. Hòa quang đồng trần, mình làm như tất cả mọi người. Người ta không nhìn ra ánh sáng của mình. Mình đem ánh sáng đó vào trong tập thể để tạo ra văn hóa, một lối tổ chức, một phương thức sống mà tất cả mọi người, ai cũng bắt đầu theo mình làm, họ bắt đầu đi từ làu thông ra sự thông, tới suốt thông. Người như vậy, người biết kiến tạo tập thể, biết thay đổi văn hóa, làm cho nhiều người vượt lên trên (chứ không phải là một mình mình). Dạng đó là dạng của tâm lượng bồ tát. Người đó gọi là thần thông. Thần là vì họ không kẹt trong bản ngã của họ. Sống một hồi rồi các bác sẽ thấy mình cần chỗ thanh tịnh, mình muốn đi nhập thất, muốn sống một mình cho yên tịnh. Cái đó là bác vẫn còn kẹt trong dạng suốt thông, là dạng xuất thế, ra ngoài, không cần để ý gì đến cuộc đời. Mình nhìn thấy trần gian ô trược, lòng người tráo trở, không chân thật, không đáng tin cậy. Thần thông là dạng xuất tục và nhập thế, là lý tưởng cao đẹp nhất. Chỉ có con đường bồ tát mới tới chỗ thần thông, tức là mình đi kiến tạo văn hóa để cho mọi người thay đổi, kiến tạo một tổ chức để mọi người vào tổ chức đó họ thay đổi tâm trạng và tâm thái của họ.
Những tổ chức đó là những tổ chức thiện nguyện, cứu đời, làm cho tâm mở ra, thay đổi phương thức, cái nhìn của con người mỗi ngày, mỗi giờ. Có nhiều người tranh, muốn đạt được chức vụ cao, được, mình cho họ có chức vụ cao đi, nhưng có chức vụ cao rồi họ có khả năng thần thông hay không? khả năng thay đổi văn hóa, phương thức sống hay không? đó là điều mà chúng ta nên quan hoài cho thế hệ mai sau. Mình chỉ muốn đào tạo những vị lãnh đạo bồ tát, mình không muốn cuộc sống của mình là cuộc sống của tập thể, của xã hội, ngày càng tệ đi.
Do đó, không nên nghĩ rằng chuyện giảng pháp chỉ có một cách duy nhất thôi, là giảng về làu thông, tức là giảng làu làu kinh điển. Mình nên nghĩ là mình cần những người giảng cho mình làm sao đem những ứng dụng phật pháp, đem những ứng dụng đó vào để giải thích, đi ngược lại cho mình hiểu cuộc đời là cái gì, để mình có sự thông. Mình nên cần những người dẫn từ lý tới sự, từ sự về lý. Từ tâm họ, họ nói ra để thay đổi cuộc đời. Từ cuộc đời, họ nhìn để mà thay đổi tâm mình. Cuối cùng, mình cần support của những người thần thông, là những người thay đổi tập thể, đem văn hóa tốt lành hơn.Người tu theo Phật pháp không ngừng chuyển hóa, không ngừng thay đổi.
Lúc nào mình cũng nên có nhiều hy vọng vào những người, nhất là những người không ngừng vươn lên thì mình nên support, lúc nào cũng nên cố gắng nổ lực, bởi vì sao vậy? – Bởi vì đó, chính là cái nhìn của thần thông.
Cám ơn các bác đã lắng nghe. Hôm nay, bài dài nhất, 15 phút và hy vọng rằng các bác nghe, vui và tỉnh.
Thầy Hằng Trường thuyết giảng
Nhóm Đánh Máy và Phiên Dịch Hội Từ Bi Phụng Sự thực hiện.