Hồi xưa Khổng Tử nói một câu rất là chí lý và hay vô cùng, Ngài nói rằng: “Quân tử hữu quá, bất từ báng; vô quá, bất phản báng; cộng quá, bất thôi báng. Báng vô sở tổn ư quân tử dã.”
Báng nghĩa là sao? Nếu nhìn vào chữ Hán, bên tay trái là chữ ngôn, bên tay phải là chữ bàng, bàng có nghĩa là một bên, không phải nằm chính giữa, là nương tựa vào. Cho nên mình thường hay nói bàng môn tả đạo, bàng môn là cái cửa một bên, tức là không chính, tả đạo là đi trái, đi sai. Chữ Báng ở đây nói tới sự hủy báng, chê bai, mình gọi là slander. Khi mình nói xéo, chửi mắng, nói những câu không hay lắm, có tính cách hủy báng, nói để cho người ta sụp đổ, đau khổ và quằn quại. Hủy là phá hoại cho tới nơi, cho sập đổ.
“Quân tử hữu quá, bất từ báng”, khi người quân tử có lỗi lầm (quá là lỗi lầm), thì không từ chối chuyện người ta hủy báng, chửi mắng, nói những câu thậm tệ với mình. Mình có lỗi thì người ta nói mình, đương nhiên là mình phải chịu thôi.
“Vô quá, bất phản báng”, nếu không có lỗi lầm gì, thì cũng không nên phản báng (phản là nói ngược lại, phản công). Nhiều khi mình không có lỗi, người ta nói, mình tức quá, mình đánh lại; chuyện này xảy ra rất thường xuyên. Thí dụ như Bác mới quét nhà sạch sẽ xong, có người nói, “Sao nhà dơ quá, không ai quét vậy?”, thì mình tức, mình nói lại liền, “Tui mới quét đó”. Nhưng cái đó chỉ là mới nói thôi, chưa phải là báng. Nếu phản báng thì sẽ nói: “Bà kia, nhiều mồm, nhiều miệng chưa, hồi nảy mình quét, gió thổi bụi rơi lại, có gì đâu mà bả đi nói người này người kia”. Tức là mình dùng cớ phản ngược lại, mình mắng, mình chửi, mình nói xấu người ta. Tuy là cái nói xấu không thuộc về chữ Báng này, chữ Báng này có nhiều ý nghĩa trong đó lắm. Cho nên, phản báng thường thường xảy ra là vì mình tức, chứ không phải vì mình có lỗi. Mình tức, mình ấm ức, khó chịu trong lòng. Cho nên “vô quá, bất phản báng”, nếu mình không có làm lỗi gì, thì người ta nói thì nói, mình cũng chẳng cần phải công kích lại làm gì.
“Cộng quá, bất thôi báng”, nếu có làm lỗi chung (cộng là chung) với người ta, đừng đẩy (thôi là đẩy) lời phê bình qua người khác. Tức là nếu mình có cùng làm lỗi chung với người khác thì mình cũng nhận tội. Thí dụ, hai người tưới cây, người bạn tưới ra ngoài, văng tung tóe ra ngoài chậu cây, nhưng mình với bạn mình hai người cùng làm việc, thì nếu bị mắng thì mình cũng không có đổ lỗi, “Chị làm chứ có phải tui làm đâu”.
Hữu quá, vô quá và cộng quá, ba thái độ đó rất là hay. Bởi vì mỗi con người chúng ta, đều rất là sợ bị chửi, sợ bị người ta nói cái này cái kia. Mình có thể nói người ta dễ dàng lắm, nhưng khi mà người ta nói tới mình thì mình khó chịu; khi mà người ta chửi mắng mình, mình chịu không nổi.
Hôm qua Thầy có nói tới chuyện, nếu mình hồi nhỏ sống trong môi trường không được khen, không có cha mẹ, lớn lên không có tình thương, những người khác nuôi mình, sống với mình, nhiều khi họ dễ dàng mắng mình. Thầy còn nhớ câu chuyện hồi nhỏ Thầy nghe từ mấy người bạn, hồi tiểu học, trung học. Nhiều người cũng nói với Thầy, “Sao tao bị mắng, bị chửi hoài, không có gì mà cũng bị chửi”. Bây giờ mình lớn lên, mình nghĩ lại những người đó, họ cũng sẽ cảm thấy tâm họ bị đau khổ lắm, là vì họ bị ảnh hưởng bởi những lời chửi mắng đó. Cho nên nhiều khi mình cũng không nên hủy báng, không nên nói xấu, không nênnói những lời nặng nề quá. Người ta không thể nào có tâm có thể chính được. Thà là mình không nói thì hơn, nếu nói thì biết nhìn vào cái đẹp của người ta để mà khen ngợi. Tại vì những cái báng đó nó đẩy mình ra khỏi trung đạo ngay, những lời chửi mắng không bao giờ làm cho tâm người ta bình hằng cả và thường xuyên xảy ra. Ngay như bản thân Thầy, Thầy thấy mình mà càng có quyền hành, càng có địa vị, càng có chức vụ, và càng cho mình là đúng, thì mình rất dễ buông ra những lời nói lung tung. Cho nên mình phải nên học ngược lại, mình nên khen một chút, không nên chửi quá, nếu xin lỗi được, thì mình nên xin lỗi đi. Đừng nên làm tâm của mình không những bị lệch lạc mà người nghe cũng sẽ bị lệch lạc, họ sẽ có ấn tượng đó, và trong lòng họ không còn vui nữa. Nhiều khi mình đã lỡ lời rồi thì mình nên làm đủ mọi cách để mình không tái phạm. Nhiều khi Bác vuốt, Bác tới xin lỗi, người đó không có cách gì làm cho tâm bình hằng lại được. Tại vì sao? Tại vì khi mình mắng chửi một người nào, thì trong tiềm thức người đó, họ đã bị damage, bị vết thương lòng, vết thương đó chỉ có cách tự chữa bằng cách là tha thứ.