31. Tâm là gì và làm sao tu tâm?

Có người hỏi rằng:
‘Tâm là gì và làm sao mình tu tâm? Tu tâm như thế nào?’

Thưa các bác, chữ ‘tâm’ này, đa số mà mình thường nghe nói tới, nhà Phật gọi là Vọng Tâm.
Chữ vọng tâm này không phải là false. Nó có nghĩa là dualistic mind, là tâm nhị nguyên, là
tâm lúc nào cũng có chủ thể và đối tượng. Đó là tư tưởng đầu tiên. Trong nhà Phật, khi mà nói tới vọng tâm, là nói tới cái tâm lúc nào cũng có một đối tượng. Hai cái mà người đời sử dụng nhiều nhất là tình cảm và tư tưởng mà mình gọi tắt là tình và tưởng.

Hai cái đó là cái mà thường Đức Phật gọi là vọng tâm. Chứ vọng tâm không phải là suy nghĩ
tầm bậy tầm bạ mà thôi đâu. Như vậy, tâm nói tới 2 đặc tính:

1- emotional hay emotion
2- intellectual hay intellect

Đó là quan niệm phôi thai, đầu tiên cả. Sau đó, Ngài bắt đầu dạy. Ngài nói rằng chính vì cái
tình và cái tưởng đó mà chúng ta mới có thế giới nội tâm. Thế giới nội tâm này là chủ thể và
lúc nào nó cũng cần một đối tượng. Chủ thể và đối tượng làm cho chúng ta khó mà nhận ra
được Chân Tâm.

Bây giờ mình có một chữ mới gọi là Chân Tâm hay là True Mind hay là Absolute Mind.
Như các bác thấy đó, từ chỗ Dualistic Mind, Vọng Tâm nhị nguyên tới chỗ Chân Tâm là con
đường tu hành của người phật giáo.

Sau đó rồi, là cả một triết lý phôi thai, từ thời Đức Phật và có trước đó nữa, bên Ấn Độ, là
triết lý làm sao vượt thoát 5 lớp vỏ (5 koshas). Bên Phật Giáo, gọi là 5 ấm (5 skandhas) hay
đúng ra là uẩn, là những cái tích tụ, chất đầy lên. Thí dụ như bác để quyển sách ở dưới, phía
trên bác để họp bánh. Trên họp bánh, bác để gối. Trên gối, bác để mền…Một hồi rồi, bác tìm
quyển sách sẽ không ra nữa, bởi vì những thứ đó đã chôn vùi quyển sách. Quyển sách này
tượng trưng cho Chân Tâm, những thứ chôn vùi che phía trên thì gọi là uẩn.

Đức Phật chia ra ngũ uẩn:
1- Sắc: Kinh nghiệm của thân xác
2- Thọ: Kinh nghiệm của cảm tình, cảm xúc
3- Tưởng: Kinh nghiệm của tư duy, quan niệm
4- Hành: Kinh nghiệm của tập khí, thói quen
5- Thức: Kinh nghiệm của sự nhận tri, nhận biết

Những kinh nghiệm đó gọi là kinh nghiệm bởi vì chỉ có chủ thể mới là kinh nghiệm thôi. Đối
tượng không thể là kinh nghiệm được. Chỉ có mình mới có thôi, người khác không thể có
cùng kinh nghiệm với mình. Cho nên ngũ uẩn là một đề tài xưa thật xưa, (từ thời) Đức Phật đã nói rồi. Mình biết tại sao lúc nào mình cũng dùng ngũ uẩn cả. Thầy biết đó là một phương thức làm cho mình có thể hài hòa với tất cả những pháp môn khác, tại vì đó là pháp môn mà từ Đức Phật đã từng nói tới.

Trong Kinh Lăng Nghiêm, tiến bộ hơn một chút, nói rằng ngũ uẩn, 5 lớp này phải gọi là ngũ
ấm, tức là 5 bóng tối. Ấm là bóng tối. Thí dụ như trời âm u. Chữ âm được đánh thêm dấu sắc
nhưng thật sự là ‘âm’. Tàng cây che tối thì gọi là âm.

Ngũ âm hay ngũ ấm là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức là 5 cái mà thầy vừa nói. Năm thứ đó là 5 cái lớp màn che, không phải là năm thứ đậy lên, mà là năm bóng tối che mặt trời phía dưới.

Bây giờ làm sao mà mình cho ánh sáng xuyên qua 5 cái tầng đó thì mình mới giải thoát và
mình tìm lại được Chân Tâm. Đó gọi là tu tâm. Tu tâm là tu Chân Tâm. Tu làm sao cho ánh sáng trong nội tâm, của chân tâm này lan tỏa ra 5 tầng.

Thí dụ như
– Thân: Nếu bác không bịnh thì thôi, còn nếu bác bị bịnh thì đố mà bác nghĩ tới Chân Tâm,
nghĩ tới tu, hay nghĩ tới ngồi tu Lục Tý.
– Cảm xúc: Nếu mà bác đang giận ai thì đố mà bác có thể ngồi mà bác nói ‘Ok, thôi bây giờ
tôi quán ánh sáng’. Khó lắm bác.
– Tư tưởng: và khi mà óc của bác nghĩ tới phim ciné này, ciné khác, tức là tư tưởng của bác đang nghĩ đủ thứ chuyện thì khó mà bác có thể ngồi yên, cảm nhận được sự tĩnh lặng của nội tâm được. Tư tưởng nó mạnh lắm.

Cho nên, mỗi thứ đều làm cho mình không thể nào ngồi yên được.

– Thói quen: hàng ngày mà mình không chịu dậy sớm tu hành, hàng đêm mình không chịu thức thêm một chút, 5-10 phút để tu thì mình sẽ không có thói quen tu.

Cho nên, sự mầu nhiệm của sự tu hành là mình bắt đầu tìm được thời gian, thay đổi tập quán, thay đổi tư tưởng, thay đổi tình cảm, cảm xúc, thay đổi quan niệm và cuối cùng là mình thay đổi thân xác. Nói là tu tâm nhưng thật sự ra là mình tu tất cả mọi chuyện, từ thân, đến cảm tình, cảm xúc cho tới thói quen, tư tưởng, quan niệm v.v…Đâu có dễ đâu.

Đức Phật tiến thêm một bước nữa. Ngài nói rằng: ‘Các con có biết là 6 căn là Nhãn, Nhĩ, Tỷ,
Thiệt, Thân, Ý là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tư duy có 6 trần, tức là cảnh giới bên ngoài là sắc,
thanh, hương, vị, xúc, pháp (hình hài, âm thanh, mùi hương, mùi vị trên lưỡi, sự xúc chạm
của thân xác và quan niệm trong đầu). Căn và trần lúc nào cũng có cái thức. Thức là thức
tánh, là sự nhận tri nhận biết. Sự nhận tri nhận biết đó lúc nào cũng dựa và căn và trần cả, rất khó mà đẩy ra được.

Vì vậy cho nên phải có sự tu hành gọi là thiền định thì mình mới xuyên được qua những tầng
chấp trước như căn và trần. Thí dụ như mắt lúc nào cũng chấp vào hình hài, sắc đẹp. Cho nên phải có một phương pháp để tu, để nhìn xuyên qua vạn sự, để căn không kẹt với trần.
Cho nên tu tâm bây giờ rất là phức tạp. Chữ Tâm, hồi xưa gọi là Vọng Tâm, thì bây giờ mình
nói là tu tâm là tu như thế nào để Chân Tâm hiển hiện ra.

Bây giờ các bác nói: ‘Thưa Thầy, con hay nghĩ tầm bậy tầm bạ quá, bây giờ nghĩ cho đúng
(chính kiến) thì cũng gọi là tu tâm’. Nhưng đó là tu mặt tương đối, không phải là tu để phát
triển Chân Tâm.

Nhiều khi các bác nói: Hồi xưa con hay hận, hay thù. Thì bây giờ bác tu tâm đi, là thương
thương, tha thứ, thôi, tùy, thoáng đi. Mỗi ngày bác làm cho cái tâm giận dữ, cái tâm làm cho
mình kẹt trong nhị nguyên, ngừng lại.

Cho nên, lúc nào cũng phải có 2 bộ phận. Bộ phận đầu tiên là tu như thế nào để không kẹt
trong nhị nguyên và bộ phận thứ 2 là tu như thế nào để hiển hiện ra Chân Tâm. Tu theo 2
bộ phận đó thì đúng là tu theo nhà Phật: Phát triển (hiển hiện) Chân Tâm (Manifest True  Mind) và chuyển hóa Vọng Tâm (Transform Dualistic Mind hay là Attaching Mind).

Chữ Vọng không có nghĩa là false, mà là nhị nguyên, dualistic.

Hy vọng là tới đây, các bác đã nhận tri, nhận biết được rằng tâm là ở đâu rồi? – Tâm không ở
đâu cả, nếu nó ở chỗ nhị nguyên thì mình gọi là Vọng Tâm, còn Chân Tâm là cái mà mình
đang phát triển, phát triển cái ánh sáng tự tại trong người mình.

Cám ơn các bác đã lắng nghe. Chúc các bác một ngày vui đẹp và thưởng thức cà phê pháp
này càng lúc càng vui, càng lúc càng tỉnh.

Thầy Hằng Trường thuyết giảng
Nhóm Đánh Máy và Phiên Dịch Hội Từ Bi Phụng Sự thực hiện.