15. Nói lời hài hòa

Good morning các bác, các anh chị, đây là Dharma Expresso của ngày hôm nay (09/12/2017)

Thưa các bác, trong kinh Hoa Nghiêm, một phần rất quan trọng của mình khi tu, lúc mới sơ khởi, vào trong Nhị Địa, tức là Trị Địa, là làm sao làm cho tâm của mình được nhẹ nhàng. Và để làm bàn đạp, làm nền tảng cho chuyện tu hành trong tương lai được sâu sắc, có thêm một chuyện mà chắc là bác nào có đọc kinh Hoa Nghiêm đều biết, đó là:

‘Phát ngôn hòa duyệt, Ngữ tất tri thời,’ (Ngữ tất tri thời thì phát ngôn hòa duyệt)

‘Ngữ’ là ngôn ngữ. ‘Tất’ là chắc chắn. ‘Tri thời’ là biết lúc nào.

Lúc mình nói rất là quan trọng, vì nhiều khi mình nói không đúng lúc, không đúng thời. Nhiều khi mình nói không đúng chuyện nữa các bác. Nhiều khi mình nói bad joke, mình nói mà người ta không cười được đâu. Hoặc là nhiều khi trong lúc người ta đang đau buồn mà mình nói chuyện vui thì thật vô lý. Hoặc là trong lúc mà người ta đang vui mà mình nổ một trái bom chuyện đau buồn thì thành trật đi. Tri thời, tức là mình phải biết hoàn cảnh đó như thế nào, người đó cần nghe cái gì hoặc và câu chuyện đó ở khúc nào. Thí dụ như nhiều khi thầy giảng pháp, thầy thấy cũng vui lắm, bởi vì nhiều khi mình đã giảng tới giai đoạn 4 rồi mà có người hỏi thầy giai đoạn một. Tức là hỏi trật chỗ. Nhưng đương nhiên là thầy cũng vui vẻ trả lời.

Như các bác thấy đó, chữ ‘tri thời’ rất là quan trọng: biết được thời điểm. Tiếng Mỹ dịch là timing. Có lúc không phải là timing. Mà ‘ngữ tất tri thời’ có nghĩa là momentum of speech, mình dịch là tư thế của câu nói, của lời nói đó rồi, mình nghe, mình biết lúc đó nói như vậy rồi thì mình sẽ nói theo.

Vì nhiều khi các bác thấy là người ta nói hay bàn ra. Nghe câu chuyện đó nhưng mình cứ bàn ra chứ không bàn vô, thì cái đó cũng không tri thời đâu. Nhiều khi mình ngồi chung với nhau, đáng lẽ thì mình nên nói những chuyện tích cực nhưng mà mình lại thích nói những chuyện rất là không tích cực, rất là tiêu cực, và mình làm cho tất cả những người ngồi trong đó họ nổi lên lòng hiếu kỳ, họ muốn nghe những chuyện xấu xa. Bây giờ câu hỏi đặt ra là trong tư thế đó, mình có thể nói những chuyện xấu, những chuyện bép xép hay là nói những chuyện bôi nhọ hay là chuyện gì hay sao?

Thì câu thứ hai sẽ quyết định cách mình nói, thái độ của mình nói là thật: Phát ngôn hòa duyệt. Hòa duyệt: Mình nói làm sao mà người nghe sinh ra tâm hài hòa, và duyệt chính là cái lòng vui. Cái vui đó không phải là nhìn thấy, nhìn vào điểm xấu của người khác, mà vui là vì họ cảm thấy tâm trạng, tâm tánh tốt của họ bây giờ được hiển hiện ra.

Cho nên chữ ‘hòa’ và chữ ‘duyệt’ là hai chữ rất là quan trọng trong cuộc sống của mình. Nhiều khi mình nói là mình tạo ra sự bất hòa, nói để cho người ta không còn niềm tin nữa. Nhiều khi bạn mình, cha mình, mẹ mình, thầy mình, con mình, nói làm cho mất đi niềm tin, nói vừa không đúng thời đúng lúc và vừa không đúng với tâm thức nữa.

Nhiều khi các bác có thể cảm thấy có những người mình không muốn chơi là bởi vì cách nói của họ không làm cho hài hòa. Thế nào cũng có chuyện làm cho mình, một khi nghe xong rồi, là mình không muốn gần gũi nữa. Có lẽ không gần gũi với người này, không gần gũi với người kia…những câu nói làm cho ly gián hay sao đó và càng nghe những chuyện xấu thì trong lòng mình cũng xấu theo nữa.

Những chuyện đó đưa tới một chuyện rất là quan trọng. Trong ngũ tạng thì lời nói thuộc về bộ phận nào? Ngũ tạng là tim, cang, tỳ, phế, thận thì (lời nói) dính và bộ phận nào vậy?

Thì ra là lời nói dính vào cái lưỡi. Lời nói tức là ngôn ngữ được phát ra bằng thanh quảng, nhưng mà cái lưỡi tạo ra âm thanh, âm điệu. Không có lưỡi thì mình không nói được, chỉ phát thanh ú ớ thôi. Cho nên cái lưỡi rất là quan trọng. Theo ngũ tạng của người tàu thì cái lưỡi gắn liền với con tim. Lỗ tai gắn liền với thận. Mắt gắn liền với gan. Mũi gắn liền với phổi và miệng gắn liền với mùi vị (tỳ). Còn lưỡi gắn liền với con tim.

Cho nên, thường thường lưỡi nói những điều mà con tim của mình muốn nói.

Do đó, khi phải nói cho hòa duyệt tức là con tim nó muốn hài hòa, muốn niềm vui. Lưỡi là quan trọng ghê gớm. Nhiều khi trong cuộc sống, mình giận, mình tức, rồi không biết làm sao, cái lưỡi của mình phải nói ra, đó là cách của con tim nó nhìn vào một sự kiện nào đó. Nhiều khi mình không biết làm sao mà sử dụng cái lưỡi. Nhiều khi có người có thành kiến với cái lưỡi: ‘lưỡi không xương, nhiều đường lắc léo’ là cái lưỡi nói xấu, nhưng cho biết là cái lưỡi có thể sử dụng để nói những chuyện đẹp, làm cho người ta cảm thấy được sự hài hòa và niềm vui.

Tóm lại, mình phải sử dụng cái lưỡi làm sao mà đem lại sự hài hòa và đem tới niềm vui mới được các bác. Nhiều khi mình không biết sử dụng cái lưỡi hay lời nói. Hai chuyện rất là quan trọng. Cho nên mình phải biết sử dụng cái lưỡi, biết sử dụng lời nói.

Tại sao mà người ta hay nói học làm sao mà ‘uốn lưỡi 7 lần trước khi nói’? – là cả một sự chú ý vào cái lưỡi.

Trong sự thiền định của mình, quan trọng nhất là làm sao mà mình phải tập cho cái lưỡi của mình thư giãn, đưa tới một trường phái rất quan trọng về chuyện thiền định.

Có một dòng phái, lưỡi phải cong lên, để chạm tới nóc họng, nối liến nhâm mạch và đốc mạch. Như vậy thì năng lượng mới chạy. Đó là trường phái mà họ sử dụng cái lưỡi, sử dụng làm sao để đưa tới sự tiếp nối.

Trường phái thứ nhì, làm sao mà lưỡi thư giãn ra, để xuống, không động đậy.

Thì ra là lưỡi quan trọng đến như vậy đó. Một trường phái là làm sao để có connection, sự nối tiếp. Trường phái khác là làm sao có sự thư giãn, do đó tạo ra một sự hài hòa mới. Cả hai đều đúng cả, và mình phải biết sử dụng đúng lúc nào mà thôi.

Cho nên, cái lưỡi không phải để dùng lúc nói năng mà thôi, khi tu hành, phải biết sử dụng nó và sử dụng nó một cách rất là thiện xảo.

Thưa các bác, nhiều khi, mình quên và mình không nhớ rằng, cuộc sống của mình là một cuộc sống rất là đa dạng. Và mình muốn sống một cuộc sống đa dạng và hài hòa thì mình phải sử dụng cái lưỡi, dùng ngôn ngữ rất là thiện xảo. Một cuộc sống đa dạng và nhiều màu sắc cũng cần niềm vui cho mình và phải biết sử dụng cái lưỡi của mình, sử dụng ngôn ngữ như thế nào đó để đem lại niềm vui cho kẻ khác.

Hy vọng là ngày hôm nay, mỗi lần nói, các bác nhớ tới làm sao cho chữ hòa duyệt nó nằm trong tâm của mình để mà mình khi phát ra lời nói, thì lời nói đó cũng đem lại một sự hữu dụng cho cuộc sống, đem lại niềm vui.

Cám ơn các bác đã lắng nghe.

Thầy Hằng Trường thuyết giảng
Nhóm Đánh Máy và Phiên Dịch Hội Từ Bi Phụng Sự thực hiện.