0

GPS cho Người Mới Tu Đạo Bồ Tát

Kinh Hoa Nghiêm giảng rằng đạo bồ tát mênh mông bao la, mà Phật phải phân ra 42 giai đoạn tu hành, từ thấp tới cao thì mới giải bày thấu đáo từng bước, từng đoạn đường tu chứng. Nội dung chính yếu nhất trong con đường tu hành ấy là làm viên mãn 10 ba la mật (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, bát nhã, phương tiện, đại nguyện, đại lực, đại trí). Nhưng với người phàm phu trong thời đại này như chúng ta, thì mình cần tu gì? Theo ý kiến cá nhân tôi, GPS hay la bàn của sự thực hành đạo bồ tát, nói cho gọn và cho thực tiễn, nằm trong hai chữ: mở và cho.

  • Mở (open): Có hai ý chính,
    • Một là động từ (to open), tức là hành động mở ra, như khi mở cửa, khi hoa mở cánh nở rộ, hay như khi nhoẻn miệng cười; như khi vẹt mây để thấy bầu trời xanh; như vén rèm lên để ánh sáng tràn vào tràn qua cửa sổ vào phòng; như đang tức giận mà mở lòng tha thứ, đang buồn mà bật ra tiếng cười thư thái. Mở tâm mình và tâm người là đối tượng chính của chữ mở này.
    • Hai là danh từ (openness); tức là trạng thái nội tại khai khoát, thoáng, tự tại, rộng mở vô biên, không có giới hạn, không có hạn hẹp.
    • Tu chữ mở tức là lúc nào cũng chú ý để tâm mình được khai mở, vui, thoáng, tự tại, và cũng làm cho quan hệ với tha nhân cũng thoáng, cũng dễ chịu, nhẹ nhàng, dễ thở, dễ thương.
    • Ngược lại với mở là đóng (to close) và trạng thái đóng (closed, shut). Một khi mình không mở thì rất dễ dàng đóng. Tức giận, ghen tuông, lẫy, hờn, đố kỵ, ghét, oán, thù, hận, buồn, trầm cảm… đều là những trạng thái đóng. Nếu ta biết sống theo đạo bồ tát thì tránh những lời lẽ, hành động làm mình và kẻ khác bị đóng.
  • Cho (giving): Cũng có nhiều ý.
    • Cho (to give) là động từ: tức là hành động cho ra, mà còn được biết dưới những chữ như tặng, cúng dường, bố thí, nhường lại, để lại, thí cho, dâng cho…
    • Cuộc sống là cho ra (life is giving); nghĩa là khi ta ra đời, thì tay không, và khi chết đi, cũng tay không. Ở khoảng giữa sống và chết, những thứ tạo ta đều là những thứ ta tạm dùng, tạm có, tạm mượn, chẳng phải là thứ của ta bản hữu. Do đó, nên nhìn cuộc sống và những gì ta có là để cho, và hết lòng cho khi có dịp để ta thảnh thơi nhập cuộc, thảnh thơi ra đi. Đức Phật dạy rằng mỗi hơi thở, mỗi sức lực đều dùng để cho cả. Cho nên cuộc sống thật đẹp khi ta dùng nó để cho.
    • Cho là một nghệ thuật sống. Biết cho để làm người ta mở và mình cũng mở thì đó là nghệ thuật.
    • Ngược lại với cho là nhận. Nhận để tích lũy, nhận để thỏa lòng tham, nhận để thỏa mãn tánh ích kỷ, nhận để sử dụng là chiến thuật của bản ngã thì nguy to. Nên biết nhận là tạo cơ hội cho kẻ khác cho. Biết biến nhận thành cho, biết nhớ ân cảm đức thì nhận là một nghệ thuật sống đẹp.
    • Khi cho mà ta có thể quên danh, quên mình, khiêm nhường, khiến người nhận cảm được tình thương, cảm được sự quan hoài, thành thật, cũng là một nghệ thuật sống đẹp.
    • Cho niềm vui, cho lời êm dịu, cho lời trí huệ, cho lời khuyên tốt, cho sự tha thứ, cho cõi lòng thành, cho với tình thương, cho tình thương, cho một cách khiêm tốn, cho không ngừng, cho không hối tiếc, cho không hậu ý, cho không hề có mưu đồ, chiến thuật, cho hết lòng… đó là những thái độ cho làm thăng hóa con người mình.

Leave a Reply