Thầy xin nói về đề tài Định lực cho các Bác nghe. Thời đức Phật tại thế, ngài rất chú trọng tới chuyện tu luyện của những vị tăng, vị tăng nào cũng phải tập tu luyện, vị tăng nào cũng phải ngồi thiền. Lý do mà các vị tăng đó xuất gia là bởi vì họ muốn giải thoát. Muốn giải thoát thì họ phải biết thiền định. Muốn thiền định thì họ phải có thân thể rất tốt, họ phải tập luyện yoga, tập luyện hơi thở cho vi tế, tập luyện giữ tâm cho chính, và họ phải tập luyện làm sao mà có được cái thiền định.
Như thế thiền định nghĩa là gì? Thiền định có nghĩa là sự khai mở của chân tâm. Trong quá trình tu tập thiền định, đức Phật có thí dụ rằng, “Con cầm đèn cầy ra bên ngoài, lấy diêm quẹt đốt đèn sáp lên, thì lửa ở diêm quẹt sẽ bị gió thổi tắt đi. Do đó con không thể nào đốt được, con phải tìm chổ đứng gió, thông thường con đi vào trong phòng, đóng cửa lại để gió không thổi vào; con mới quẹt diêm lên, châm vào trong tim đen, thì ánh sáng mới tỏa ra và phòng sẽ sáng lên”.
Thưa các Bác, thí dụ đó rất là hay, thí dụ đó nói rằng gió là nghiệp lực, là những thói quen xấu, những ký ức về quá khứ, những chuyện mình làm sai lầm, những chuyện mình nghĩ sai lầm, thành kiến, sự kiêu ngạo, lòng tham, nhất là cái tánh giận lẫy, lúc nào cũng giận dữ, lúc nào cũng short temper, đụng tới là nổ đùng đùng, mắng chửi, đánh đập, chê bai… Đặc tánh giận dữ đó, bừa bãi phê bình người này, bừa bãi phê bình người kia gọi là gió nghiệp hay là nghiệp.
Vì gió nghiệp đó cản trở sự khai mở của chân tâm của mình, như thế trong ví dụ này, định lực là cái gì? Định lực chính là lửa của ngọn đèn sáp. Lửa cần sự xúc tác từ một diêm quẹt để châm cho ánh sáng đèn cầy được cháy lên nên sự xúc tác quan trọng lắm. Cái khả năng giữ cho tim đèn cháy mãi là Định lực, ánh lửa chính là Chân tâm, và sự tỏa sáng là Huệ hay là Huệ lực. Như vậy trong thí dụ trên, cái phòng có cửa đóng lại để gió không vào được là Giới hay Giới lực.
Như thế Giới là rào cản cho nghiệp chướng đừng trổi dậy, đừng thâm nhập vào phá mình. Giới là khả năng giữ cho tâm đừng bị giao động. Thường thường trong quan hệ của mình với người khác, thì đó là tình thương, sự tha thứ. Trong việc làm của mình thì đó là sự rõ ràng từng bước, điều gì làm trước, điều gì làm sau. Trong quan hệ của mình đối với tất cả những việc mình làm trong cuộc sống, mỗi chuyện đều có quy luật, quy tắc, mình không nên vượt qua; những quy luật, quy tắc đó tạo thành rào cản, khi mình vượt qua nhiều thì mình sẽ bị gió nghiệp thổi đi.
Thí dụ như chuyện ăn uống, mỗi ngày mình nên ăn vào lúc thân thể tốt nhất là khoảng sáng hoặc trưa. Buổi tối khoảng 8, 9 giờ, thân thể mình từ từ ngưng hoạt động để bắt đầu tái tạo lại, nhưng nếu mình vẫn tiếp tục ăn, và nhiều khi 1, 2 giờ sáng mình vẫn party, ăn những thứ làm cho thân xác mệt mỏi, uống rượu, uống thuốc độc, thuốc bậy bạ, thì là mình đi ngược lại với sự vận hành tự nhiên của vũ trụ thân xác, mình phá hoại cái thân và cũng tức là gió nghiệp đang thổi và phá tung đi.
Như thế thì các Bác thấy Giới là khuôn phép mình phải có, để có thể khai mở được ánh sáng, để tim đèn có thể được sáng và đèn cầy chính là những chất liệu tạo ra Định lực, chất liệu để nuôi dưỡng cái ánh sáng của nội tâm.
Trong ngôn ngữ kinh Hoa Nghiêm, đèn cầy chính là những chủng tử tự, hay là hạt giống quang minh. Diêm quẹt là năng lượng sẵn có của chư Phật, chư Bồ tát. Mình phải sử dụng năng lượng đó để cho đèn cầy hay chủng tử tự của mình phát sáng ra.
Diêm quẹt tượng trưng cho bốn tâm thức:
1. Thân xác
2. Cảm xúc, cảm tình
3. Tư tưởng
4. Thói quen
Tất cả chư Phật, chư Bồ tát, đều là rỗng rang hết. Thân của ngài là Pháp thân. Tình cảm của ngài là lòng đại từ, đại bi, lòng tha thứ vô biên, lòng bao dung vô tận. Trí thức của ngài là trí huệ không biên giới. Thói quen của ngài là thói quen hoàn toàn không dính vào bản ngã, thói quen mà lúc nào cũng để cho quan niệm, trí huệ, cảnh giới bất nhị lan tỏa. Đó là diêm quẹt.
Cho nên diêm quẹt cần sự xúc tác, tức là phải cần mình có niềm tin. Sự tin tưởng vào đặc tánh của đức Phật mới làm cho trí huệ bừng sáng, trí huệ của các ngài bừng sáng thì mới lan tỏa tới mình. Tim đèn là chủng tử tự, hạt giống quang minh.
Đèn cầy sáp cũng tượng trưng cho bốn điều kiện:
1. Thân phải bất động
2. Hơi thở phải vi tế(tương quan, tương nhập với lòng đại từ, đại bi)
3. Sự chuyên chú (chuyên chú vào sự quán tưởng chủng tử tự của hạt giống quang minh)
4. Dòng chú không ngừng lưu chuyển
Giải thích này dựa vào tinh thần và triết lý cũng như sự tu tập của 42 chủng tử tự trong kinh Hoa Nghiêm, không phải là sự tu tập của thiền định hít thở thông thường mà các Bác đã quen rồi. Cho nên Thầy hy vọng là các Bác có thể tới tu tập một chủng tử tự trong Mandala, chủng tử tự đó chính là chủng tử JA. Chủng tử JA là chủng tử tự mà ánh sáng lan tỏa để khi chúng ta đi vào trong cuộc sống phàm tục thì tâm mình lúc nào cũng thanh tịnh, nhẹ nhàng. Chủng tử tự JA còn có cái tên rất là hay gọi là Nhập Thế Gian Hải Thanh Tịnh. Nhập vào sự thanh tịnh ở trong biển ô trược của thế gian.
Xin các Bác lắng nghe bài này chút xíu, để thấy được chủng tử JA này là một đặt biệt vô cùng trong cuộc sống của mình và hạt giống quang minh này Thầy sẽ dạy trong kỳ Mandala sắp tới, và mỗi lần mình trì chú Đại Bi, mình đều quán chủng tử tự này.
Nhóm Đánh Máy và Phiên Dịch Hội Từ Bi Phụng Sự thực hiện.