Thầy xin nói thêm về Bát Nhã Tâm Kinh.
Bát Nhã Tâm Kinh được nổi tiếng và được phổ biến khắp nước Trung Hoa trong một thời gian cực ngắn, bởi vì người truyền bá chính là ngài Huyền Trang. Tương truyền rằng Bát Nhã Tâm Kinh do ngài Cưu Ma La Thập viết ra bằng tiếng Trung Hoa, và được dịch ra tiếng Sanskrit. Lý thuyết nói rằng ngài Cưu Ma La Thập tập trung lại và dịch ra tiếng Hán, nhưng mấy trăm năm sau, người ta tìm lại được bản văn và bản văn này đúng là được dịch ra từ tiếng Hán.
Chuyện của ngài Huyền Trang rất là thú vị. Ngài Huyền Trang là ngự đệ của vua, cho nên vua rất tôn kính ngài bằng cách là bắt tất cả mọi người trong quần thần đều phải học bản văn Tâm kinh này. Vì trong cuốn Đại Đường Tây Vực Ký, ngài Huyền Trang kể lại rằng những lúc ngài gặp tai nạn, khốn khó, trở ngại, thì lúc nào ngài cũng cầu nguyện; sự cầu nguyện của ngài không phải là mê tín mà ngài đọc bản văn Tâm Kinh Bát Nhã. Bởi thế vua mới truyền cho tất cả mọi người, ai cũng phải học cả. Về sau khi ngài Huyền Trang mất rồi, có một vị vua đời nhà Đường, để tôn trọng và bày tỏ tình thương cũng như sự cung kính với ngài Huyền Trang, còn ra lệnh tất cả mọi người đều phải học thuộc lòng, tất cả chùa chiền đều phải tụng Bát Nhã Tâm Kinh và vì vậy Tâm Kinh được truyền bá rất mau. Nhờ vậy bây giờ chùa nào cũng có Bát Nhã Tâm Kinh và ai cũng đọc thông thạo.
Câu đầu tiên của Bát Nhã Tâm Kinh tóm gọn sự tu hành của chúng ta, bất kỳ người nào tu theo Phật giáo Đại thừa đều phải dựa vào câu này mà tu. Câu đầu tiên của Bát Nhã Tâm Kinh đâm thẳng vào ngay phương pháp tu hành. Tất cả những gì mà chúng ta đọc về Phật pháp chỉ là những chú giải để cho ta hiểu biết thêm về phương pháp tu hành này, đây gọi là phương pháp luận tu hành. Tất cả những câu sau của bài Bát Nhã Tâm Kinh, đều là chú thích (footnote) cho ý tưởng chính của câu đầu tiên. Và câu đầu tiên là phương pháp luận cho tất cả phương pháp tu hành. Cho đến ngày hôm nay sự tu hành của Thầy và anh em trong hội Từ Bi Phụng Sự của mình, phương pháp Mạn Đà La đều dựa vào câu này cả. Vì đó là câu chủ yếu nhất, là câu trọng tâm để cho ta thấy đặc tánh của con đường tu.
Vậy câu này nói như thế nào? “Quán Tự Tại Bồ tát, hành thâm Bát nhã Ba la mật đa, thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách”, nghĩa là Bồ tát Quán Tự Tại, khi ngài thực hành thâm sâu về pháp môn Bát nhã Ba la mật đa, tức là trí huệ vượt thoát, thì ngay lúc đó ngài thấy suốt năm ấm là không. Nhờ vậy, ngài thoát khỏi tất cả những đau khổ và những gông cùm. Quá hay các Bác!
Đầu tiên, mình phải hiểu sự tuyển chọn Bồ tát Quán Tự Tại này đứng đầu trong Bát Nhã là một tuyển chọn độc đáo vô cùng. Mình có đức Đại trí Văn Thù Bồ tát là người đại diện cho trí huệ, tại sao không dùng ngài mà dùng Quán Tự Tại? Tại sao không dùng Quán Thế Âm? Thì ra Tự Tại là quan niệm ishvara, cho rằng mình tu gì tu thì cuối cùng mình cũng tự tại giải thoát khỏi tất cả ràng buột của sinh tử luân hồi.
Quán Tự Tại – Quán là nhìn xuyên thủng bất kỳ đối tượng nào, không bị kẹt trong đối tượng đó. Thí dụ như Bác thấy một người đau khổ, thì nhiều khi Bác đau khổ với họ, buồn với họ, và nhiều khi cái buồn đó làm cho mình trì trệ, suy sụp, mình không thể nào thấy được. Thí dụ khi cha mẹ mình mất. Khi ba Thầy mất, Thầy rất là đau lòng, đau buồn vô cùng, Thầy không còn một hứng thú gì trên đời cả. Đó là vì Thầy kẹt, Thầy chưa thấy ngũ uẩn giai không, Thầy không có Bát nhã Ba la mật. Nếu mà các Bác thấy một người thân thương nhất của mình ra đi, mà Bác có thể nhìn xuyên thủng được đây là tướng trạng bình thường của cái xã hội, của cái vũ trụ, của vòng sinh từ luân hồi. Một mặt thì trong lòng Bác có thể rất là thương, và mến tiếc, nhưng mặt khác Bác có thể thấy được cái bản tánh của vạn sự vốn như vậy, đến rồi đi, sống rồi chết. Nhờ đó, Bác không có đi vào trong sự suy sụp của tinh thần, mà Bác nhìn xuyên qua, Bác giữ được tinh thần rất cân bằng, đó gọi là tự tại. Tầm nhìn đó gọi là Quán, nhìn xuyên qua tất cả đối tượng để thấy bản tánh của vạn sự. Bản tánh của ‘khổ’ không phải là khổ, mà là bản tánh ‘như vậy’.
Nhìn xuyên qua tất cả mọi thứ thì Bác thấy không khí, thấy bầu trời thanh tịnh, trong sáng. Nhìn xuyên qua tất cả mọi kinh nghiệm sống của mình thì mình chỉ thấy tất cả chỉ là một sự thanh tịnh mà thôi. Trong Bát nhã thì đó là chữ “Không”, nhưng ở đây là Quán tự tại, nhìn tất cả mà thấy được chân tâm của mình, cho nên gọi là Quán Tự Tại. Nhìn tất cả đối tượng mà mình vẫn thấy tất cả như là mình thấy được chân tâm bất biến của mình. Do đó, sự tuyển chọn tên Quán Tự Tại thay vì Quán Thế Âm hay là Văn Thù Sư Lợi đã là một chỉ thị cho mình biết rằng là mình phải nhìn như thế nào để đạt sự tự tại, và cách duy nhất là mình phải nhìn vào bản tính vạn sự. Cách nhìn vào bản tính vạn sự gọi là witness, tức là mình chứng tri the nature of all things. Mình chứng tri cái bản tánh của vạn sự.
Hành thâm – Hành là thực hành, thâm là sâu sắc, thực hành sâu sắc. Có nghĩa là sao? Nghĩa là sự thiền định. Đây không phải nói về trí óc, vì nhiều khi nói tới trí huệ, mình nghĩ là ngồi đọc sách. Nhưng mà thiền định cách nào? Thiền định để làm cho tâm mình không ngừng khai mở. Cách thiền định này khác với thiền định lúc nào cũng an trụ trong đối tượng. Thiền định an trụ trong đối tượng thì mình bị kẹt vào trong đối tượng đó. Bây giờ an trụ như thế nào để mà mình nhìn xuyên qua cái đối tượng đó. Đó là hành thâm. Thực hành sâu sắc.
Bát nhã Ba la mật đa – Thực hành sâu sắc cái gì? Bát nhã Ba la mật đa, tức là trí huệ siêu việt, Bát Nhã là trí huệ, Ba la mật đa là tới bờ bên kia. Prajñāpāramitā, trí huệ siêu việt đưa mình tới được bờ bên kia. Tới được bờ bên kia là mình vượt thoát khỏi cái khổ, vượt thoát khỏi đúng và sai, tốt và xấu, có và không, mình với người. Đó gọi là trí huệ phương tiện, trí huệ nhìn xuyên qua, đưa mình, vận tải mình ra khỏi chổ mình kẹt.
Chiếu kiến – khi mình thực hành được phương tiện đó thì mình phải có công năng rất là đặc biệt, gọi là chiếu kiến. Chiếu là giống như là ánh sáng, tức là nói tới ánh sáng trí huệ của mình chiếu. Kiến là thấy. Chiếu mà không kiến giống như cái đèn chiếu mà không thấy, mình là người thấy. Kiến mà không chiếu thì mình thấy nhưng không được sáng. Cho nên chiếu kiến nói tới sự sáng suốt khi mình nhìn vào một chuyện gì. Nhiều khi mình nhìn nhưng không sáng suốt, nhiều khi mình sáng suốt nhưng mình không nhìn. Sáng suốt mà khôngnhìn giống như mình nhắm mắt thiền định. Nhưng mà “chiếu kiến” là khả năng mình nhìn chổ nào là mình sáng suốt, tâm mình không bị kẹt, không bị cứng, không bị cột lại.
Nhóm Đánh Máy và Phiên Dịch Hội Từ Bi Phụng Sự thực hiện – 10/27/17