Thưa các Bác, có một cuốn kinh rất ngắn và nhỏ, mình có thể nhớ trong đầu và xếp bỏ vô túi được. Cuốn kinh chỉ có 260 chữ thôi, nhưng có một sức thâm sâu đến độ không một người phật tử nào trong chúng ta mà không biết và không nghe nói đến. Cho đến người ngoại quốc khi họ biết Phật pháp, thì cuốn kinh đầu tiên họ muốn xem chính là cuốn Tâm kinh. Tâm kinh còn gọi là Bát Nhã Tâm Kinh, rất nổi tiếng và gần như ngày nào chúng ta cũng đọc cả.
Thưa các Bác, cách đây không lâu, một trong những người làm Radio Khai Tâm với Thầy là Bác Võ Văn Tùng, khi Bác nằm trong nhà thương, ai cũng nghĩ rằng Bác không còn nhớ nhiều nữa. Lúc Thầy vào thăm, Thầy cùng với Bác đọc Bát Nhã Tâm Kinh, Bác đọc rất là trơn tru và nhớ hết; sau đó, Thầy và Bác đọc chú Đại Bi, thì Bác cũng nhớ rất là nhiều. Sự việc này làm cho Thầy nghĩ tới một điều rất là thâm sâu; té ra Bát Nhã Tâm Kinh đúng là Tâm kinh. Nó đi vào trong lòng người, lúc nào cũng ở trong lòng chúng ta, lúc mình bệnh, lúc mình đau khổ và lúc mình sắp sửa ra đi. Cho nên Bát Nhã Tâm kinh là một cuốn kinh đáng để chúng ta phải học thuộc lòng và chúng ta phải nhập tâm vào kinh đó, hay nói cách khác kinh đó phải nhập vào tâm chúng ta.
Thưa các Bác, Tâm kinh có rất nhiều nghĩa như: cuốn kinh nằm trong tâm ta; lời nói của tâm ta; trung tâm, trung điểm của tâm thức chúng ta; kinh phát xuất từ chân tâm. Tâm kinh cũng còn có nghĩa là cái chân tâm, là cái huyền diệu nhất, bây giờ hiển hiện ra ngay đây bằng lời, và đây là con đường đi trở về lại với chân tâm.
Cuốn Bát Nhã Tâm Kinh này chỉ có 260 chữ tiếng Hoa, nhưng nếu truy lại thì có một bộ kinh gọi là cái đầu não, cái tổng thể của bộ kinh này là bộ Đại Bát Nhã. Đại là grand; Bát Nhã là perfect wisdom, là trí huệ toàn diện, trí huệ sâu sắc, siêu việt. Bộ Đại Bát Nhã này được ngài Huyền Trang dịch ra thành 600 cuốn bằng tiếng Trung Hoa, mà nó còn có 25 vạn câu kệ tiếng Sanskrit (tiếng Ấn Độ). Tương truyền rằng, theo như lịch sử nghiên cứu, Bát Nhã Tâm Kinh này là do ngài Cưu Ma La Thập viết ra thành tiếng Hoa, rồi từ đó người ta dịch ra lại tiếng Phạn; và cũng có nhiều truyền thuyết khác. Nhưng chuyện mà làm cho mình nhớ mãi chính là khi ngài Huyền Trang đi từTrung Hoa đến Ấn Độ để thỉnh kinh, mỗi lần ngài gặp khó khăn, thì ngài đọc Tâm kinh này; vì vậy ngài vượt qua được tất cả những khổ nạn trên đường đi thỉnh kinh. Đó là câu chuyện khơi dậy sự hứng thú của con người nhất lúc đó; ai cũng muốn học Tâm kinh cả, vì người ta nói, “Oh, ngài Huyền Trang, một vị tăng, khi gặp khổ nạn đều đọc Tâm kinh, thì chúng ta là những người bình thường, phàm phu tục tử thì cũng nên đọc”, thành ra Tâm kinh truyền bá rất là mau.
Đến đời nhà Minh, ông Ngô Thừa Ân là một học giả, là một người nghiên cứu về đạo giáo rất là sâu sắc, và cũng là một người tu theo Taoism. Ông viết cuốn Tây Du Ký, trong chuyện Tây Du Ký, ông kể lại chuyện Đường Tam Tạng là nhân vật Huyền Trang, ông thần thoại hoá nhân vật Huyền Trang. Đường là đời nhà Đường, Tam Tạng, bởi vì vị tăng này thông suốt kinh, luật, và luận. Kinh là sutra, lời Phật nói; luật là giới luật, regulation, ethical standards, tức là những quy luật để giúp mình trở thành người đạo đức tu hành; và luận lànhững chú giải về lời Phật nói. Ngài được gọi là Đường Tam Tạng có nghĩa là người thông suốt về tất cả những lời Phật dạy, những luận bàn nói về những triết lý nhà Phật, cũng như người học được giới luật, tinh thông về cách hành sử.
Ngài Huyền Trang trong câu chuyện Tây Du Ký, là một nhân vật huyền thoại, đi chu du bên Ấn Độ thỉnh kinh. Nhưng ngài Huyền Trang thật sự có đi con đường tơ lụa đến Ấn Độ; mỗi nơi ngài tới, thì ngài đều ghi chép lại con đường lúc đi, ngôn ngữ, ăn uống, cách buôn bán, cách sống, cách nói năng của những người địa phương như thế nào. Và khi trở về lại ngài cũng ghi chép rất rõ ràng. Sự ghi chép của ngài đầu nằm trong cuốn Đại Đường Tây Vực Ký, đó là một cuốn ghi chép lịch sử rất là độc đáo, và hoàn toàn khác với lại Tây Du Ký. Nhưng trong hai cuốn đó đều nhắc tới chuyện là khi ngài gặp khó khăn, ngài liền niệm Bát Nhã Tâm Kinh. Đó là một chuyện rất là độc đáo, và có lẽ trong cuộc sống chúng ta bây giờ, chúng ta phải làm sao học kinh Bát Nhã này cho thuộc, thấm nhuần nó. Chắc là cũng có nhiều Bác đã học hiểu rồi, đã thâm nhập, đã nhớ và biết được Bát Nhã Tâm Kinh đọc từ đầu đến cuối như thế nào.
Đương nhiên là cái chuyện học thuộc Tâm kinh thì xong rồi, nhưng mà ý nghĩa nó như thế nào? Đây là cái chủ đề mà Thầy muốn nói trong Dharma Espresso ngày hôm nay. Phần này là phần đầu, giới thiệu về Tâm kinh; phần thứ nhì thì Thầy sẽ đi thẳng vào Bát Nhã Tâm Kinh và làm thế nào để tu theo Bát Nhã Tâm Kinh. Mong rằng các Bác sẽ đón nghe phần kế tiếp, phần giải thích cặn kẻ về Bát Nhã Tâm kinh vào trưa nay.
Cám ơn các Bác đã lắng nghe. Bây giờ hết giờ rồi, chúc các Bác một ngày vui, tỉnh và xin nhớ nghe phần kế tiếp hôm nay.
Thầy Hằng Trường thuyết giảng
Nhóm Đánh Máy và Phiên Dịch Hội Từ Bi Phụng Sự thực hiện.
Nhóm Đánh Máy và Phiên Dịch Hội Từ Bi Phụng Sự thực hiện.