Chủ đề của ngày hôm nay là mình nói về phần trụ thiền. Những bác nào mới bắt đầu tu tập (như 6 tháng – 1 năm) thì các bác biết mức tiến bộ, mức tu hành của mình như thế nào trong lúc thiền định. Bây giờ mình cắt đi phần nhập thiền và xuất thiền, mình chỉ nói về phấn trụ thiền mà thôi.
Cho người mới bắt đầu đi vào trong trong phần intermediate tức là phần thứ nhất của giai đoạn thứ nhì của phần tập thiền thì các bác nhớ dùm thầy những giai đoạn như sau.
Thứ nhất khi bác ngồi thiền, bác phải làm sao đạt được sự thư giãn và bất động của thân xác của mình. Thư giãn và bất động như thế nào? Là mình ngồi và không động đậy, không nhúc nhích gì hết. Mình đừng cố động đậy và nhúc nhích gì cả. Câu hỏi đặt ra là ‘lý do tại sao mình phải ngồi thư giãn và bất động như thế?’. Là vì mình ngồi mà không động đậy, thư giãn hoàn toàn thì mình mới nhẹ nhàng được. Lúc đó làm như vậy thì mình mới tạm dừng được sức mạnh của nghiệp lực. Nghiệp lực giống như chiếc xe chạy một trăm miles một giờ, bây giờ mình phải giảm thiểu tốc độ đó thì mình mới quay chiếc xe qua hướng khác được. Mình phải giảm thiểu mức độ của nghiệp lực. Nghiệp lực dính liền trong thân xác của mình, thân xác tạo nghiệp dữ lắm cho nên mình phải làm sao cho nó dừng lại, chậm lại.
Lúc ngồi, làm sao cho cơ bắp mình từ từ giãn ra. Sự khẳng định (affirmation) của mình là ‘tôi thư giãn và bất động’. Nhiều khi, mình có thể có affirmation khác là sự tĩnh lặng vì con người của mình im vô cùng, lắng, không động đậy gì cả.
Cho nên mình phải ngồi làm sao đạt tới chỗ thư giãn bất động mới được, nếu mình không đạt được thì mình không thể nói bước thứ hai mình tu làm sao được.
Bước thứ hai trong lúc thiền là mình phải đạt được sự vi tế của hơi thở. Sau khi ngồi yên rồi hoặc là trong lúc mình đang ngồi yên, mình bắt đâu đổi qua chú ý vào hơi thở, hơi thở mình từ từ lắng xuống, nhẹ lần.
Lý do tại sao mình lại chú trọng vào hơi thở? Vì hơi thở là sự sống, vì hơi thở là tâm thức. Chết rồi thì thôi chịu. Cho nên hơi thở là sự sống mà hơi thở cũng là biểu hiện của tâm thức của mình. Khi mình tu, tâm thức của mình càng lúc càng trở nên sâu sắc cho nên hơi thở của mình phải càng lúc càng vi tế hơn.
Hơi thở có 3 giai đoạn rất rõ ràng để mình tập luyện.
– Thứ nhất là mình phải tập thở sâu. Thế nào là thở sâu? Là thở mà bụng dưới của mình phình ra xẹp vào chứ không phải là ngực phía trên. Khi thở sâu thì mình vận dụng hoành cách mô (diaphragm) làm cho mình phải chú ý tới bụng dưới. Bụng dưới thở ra thở vô thì hoành cách mô của mình phồng lên xẹp xuống. Đó gọi là thở sâu.
– Thứ nhì là mình phải làm sao thở chậm. Là gì? Là mình phải thở, thay vì 1 phút 15 hơi thở, còn 1 phút 10 hơi, 6 hơi, 4 hơi. Bốn hơi thở trong một phút thì được coi là thở chậm. Tốt hơn nữa, có thể tới 2 hơi thở trong một phút là thở cực chậm, rất tốt.
Thế nào là thở vi tế? Thở vi tế là thở một hồi rồi mình không còn chú ý tới thân thể nữa. Thân thể như là bất động luôn, không còn động đậy nữa. Mình không thấy thân thể nữa, cho nên mình gọi là thân thể biến mất. Vi tế là phải thở tới chỗ đó: Thân biến mất luôn. Mình biết thân mình vẫn còn ngồi đó nhưng mà nó không còn bother mình nữa. Tất cả năng lượng chạy trong người mình từ từ lắng xuống, lắng xuống. Mình đạt được tới chỗ đó thì khẳng định của mình là ‘tôi tĩnh lặng’. Sự tĩnh lặng thâm sâu vô cùng. Bước đầu là phải đạt được thư giãn bất động, bước thứ hai là đạt được hơi thở rất vi tế. Sau khi hơi thở vi tế rồi, thông thường mình sẽ có rất nhiều phương tiện để mình vượt ra khỏi hơi thở. Chứ còn không, bác cứ ngồi đó thở vi tế thì cả đời bác không bao giờ ra khỏi hơi thở đó cả.
Một phương thức trong thiền bảo bát của mình là mình ra khỏi hơi thở bằng cách trì chú. Mình chú trọng, chuyên chú vào trì chú. Trì chú này dẫn tới bước thứ ba gọi là sự lưu chuyển tự tại của dòng chú. Lúc đầu, mình trì thì dòng chú chạy từ từ như là vòi nước mình mở từng giọt từng giọt. Sau rồi nó bắt đầu chạy miên mật vô cùng, miên mật là chạy liên tục không ngừng. Không cần chạy nhanh. Nhanh hay chậm là do tác dụng của não. Lúc đầu là chầm chậm, từ từ rồi sẽ mau lần, mau lần, chuyên chú, chuyên chú, miên mật, miên mật. Dòng chú chạy một hồi rồi, đưa tới cái gọi là tự tại. Mình không cần để ý đến nó nữa, nó sẽ chạy rất là tự tại một mình. Cuối cùng, nó sẽ trở thành như là một tia sáng trong đầu của mình, và vì nó là tia sáng cho nên làm cho mình không còn ở trong hơi thở, không còn ở trong thân xác nữa. Dòng chú trở nên dòng giải thoát.
Lý do tại sao mình trì chú đó? – Vì bản thân nó là dòng giải thoát. Bản thân nó vượt ra khỏi thân xác của mình, nó là ánh sáng. Các bác nghĩ dòng chú là tư tưởng, là tưởng ấm, thật sự ra tác dụng của dòng chú (bản tánh, tướng trạng và cũng là cái sự biểu hiện của dòng chú đó đều ra ngoài tưởng ấm). Nó gọi là dòng giải thoát, nó cũng là thánh cổng, cửa ngõ của Pháp Giới, vì nhờ nó mà đi vào Pháp Giới được. Bước thứ 3 này rất là quan trọng, mình cần affirm, cần khẳng định: ‘Tôi là dòng giải thoát’.
Mình còn bước thứ 4, thứ 5 nữa. Ngay chỗ này, bác phải trì câu chú và ngồi yên lặng. Bác phải yên lặng mới được, ngồi một hồi rồi chạy lung tung là bác không thể nào ngừng được nghiệp chướng của mình. Bước thứ nhất là ngừng nghiệp chướng của mình.
Nếu mà bác chỉ vận dụng chuyện trì chú thôi mà không chịu ngừng thân xác thì có thể là bác vừa làm ông thánh mà vừa làm con quỷ, con ma luôn, tức là làm đủ thứ chuyện náo động trời đất luôn, vì cái thân không yên lặng, không tĩnh lặng được.
Nếu mà hơi thở của bác không vi tế, nghĩa là bác ỷ là mình trì chú rất miên mật nhưng mà hơi thở của bác không vi tế thì bác sống cuộc đời rất là rough. Cách sống, lối sống của bác rất là phàm tục. Hơi thở phàm tục thì không thể nào có lối sống của bậc thánh được cả.
Cho nên mình phải kết họp cả 3 bước trong lúc mình ngồi tu tĩnh lặng. Rất quan trọng là cả 3 chuyện này đều phải làm cả. Có nhiều người nghĩ là ‘tôi chỉ ngồi và tôi chỉ tụng câu chú là đủ xài rồi’. Không phải như vậy đâu bác. Như vậy là bác chỉ dựa vào trì chú thôi thì bác thành ‘chú sư’. Những người chú sư họ trì rất là mau, rất giỏi và họ có thể điều khiển quỷ thần được, nhưng mà họ lại không giải thoát được. Họ nghĩ là họ ở trong dòng giải thoát, trong dòng thánh nhưng mà thật sự không thể nào được. Bởi vì tất cả dòng thánh đều phải đi từ chỗ phải thanh lọc thân xác của mình, thanh lọc hơi thở, cuộc sống của mình chứ khôngthể nào mà chỉ có dựa vào trì chú được. Sự khác biệt giữa vị chú sư và một vị tu mật tông hay chân ngôn tông hay là một vị thật sự tu hành Chú Đại Bi, một vị Bồ Tát hóa thân, khác nhau vô cùng. Cho nên không thể chỉ trì chú mà thôi.
Nói như vậy rồi, các bác thấy rằng sự tu tập thiền định của mình cần đi từ chỗ, rất quan trọng, là ngồi cho thư giãn, thở cho thật vi tế, cải tạo nghiệp của mình, cải tạo sức sống, cải tạo cách của mình sinh hoạt, cải tạo cách của mình ăn nói, cải tạo cách của mình biểu hiện tình thương, và cuối cùng, mình đạt tới sự siêu việt ra ngoài cuộc đời phàm tục, đi vào trong cuộc sống của thánh hiền, thể nhập vào trong dòng giải thoát.
Đó là mình chưa tới câu thứ tư, là nhập lưu vong sở, là làm sao mà mình vào trong vòng giải thoát đó và mình quên hết, siêu việt ra tất cả mọi thứ.