Thưa các bác, khi mình học Phật, điều đầu tiên mình cần biết là Tam vô lậu học hay là Giới Định và Huệ. Tam là ba, vô lậu nghĩa là không còn sản sinh ra chuyện phiền não, chuyện đau khổ hay chuyện buồn bã, không sản sinh ra vòng sinh tử luân hồi nữa. Cho nên gọi là vô lậu. Không còn có những sự việc làm cho công đức mình thất thoát (lậu có nghĩa là thất thoát). Khi mình buồn, mình giận, mình đau, mình khổ, mình ghen, mình ghét là lúc mình làm cho mất đi, thất thoát đi công đức. Cho nên gọi là Tam vô lậu học, mình học làm sao để mình không mất đi công đức. Đó gần như là bài học căn bản nhất và Thầy nói tới nói lui cả trăm lần rồi. Bây giờ trong bài Dharma Espresso này, Thầy xin tóm tắt vài ba điểm để cho mình ghi nhớ.
Tam vô lậu học gồm có ba phần gọi là Giới-Định-Huệ. Sau này các Bác sẽ thấy ba giai đoạn này rất gần và tương tợ với những chuyện Thầy thường nói về kỹ thuật, nghệ thuật, và đạo thuật là ba giai đoạn tiến hoá trong cuộc sống. Bất kỳ chuyện gì mình làm cũng đi từ kỹ thuật cho đến khi tay mình quen, thuần thục rồi, thì tới nghệ thuật, nghệ thuật giỏi rồi thì đến đạo thuật; khi mình đạt tới đạo thuật là bất kỳ lúc nào trong cuộc sống, mình cũng có thể lan toả ra cái đạo. Nhưng đối với những người bắt đầu tu, Giới là kỷ cương, khuôn phép. Định là sự an định của tâm hồn. Huệ là sự sáng suốt do tâm hồn an định đó tạo ra. Đó là ý nghĩa thông
thường nhất.
Hồi xưa đức Phật có cho một thí dụ rằng, “Nếu các con muốn bật đèn cầy lên, gió nhiều quá, con lấy tay che lại, con che phía trước, thì gió đánh phía sau, con che phía sau, thì gió đánh ngang hông, con che ngang hông, thì gió đánh phía dưới lên, con phải làm sao? Con đem đèn cầy vào trong phòng kín, đóng cửa lại, thì gió không tạt, lửa đèn cầy không bị tắt. Phòng kín đó là Giới, là khuôn phép ngăn chận gió bên ngoài đánh vào. Khi bị gió, lửa đèn cầy lúc nào cũng phập phồng, lên xuống; khi để đèn cầy vào phòng thì đèn lắng xuống, lửa cháy to lên, mạnh, và sáng. Sự mạnh và sáng đó là Định với Huệ đi liền với nhau. Định là sự lắng đọng của ngọn lửa, Huệ là sự toả sáng; hai thứ đó gần như đi liền với nhau, nên mình khó thấy được. Đó là một thí dụ về Giới-Định-Huệ hay nhất và căn bản nhất của nhà Phật, và chính đức Phật là người dạy cho chúng ta thấy để mà tu.
Khi mình tu học sâu hơn một chút xíu, mình sẽ thấy ví dụ trên về ngọn lửa là ví dụ về trí huệ trong người mình. Ngọn lửa cần lắng đọng rồi thì mới to mạnh lên và toả sáng. Nếu không có ngọn lửa đó thì không xong, cho nên chuyện đầu tiên là mình cần phải phát tâm. Phát tâm là phải có người bật hộp quẹt, để cho lửa phực lên, phát tâm rồi mới có trì giới. Phát tâm là gì? Là khởi tâm mong muốn làm sao cho mình được sáng suốt; vì nhiều khi trong cuộc sống nhiều đau khổ quá, đều do không sáng suốt mà ra.
Có một người hỏi Thầy một chuyện rất đặc biệt: “Thưa Thầy, làm sao mà con tu Giới-Định-Huệ trong khi con buôn bán?”. Thầy trả lời như sau: “Giới là kỷ cương, khuôn phép. Cho nên khi chị đặt định (set up) tiệm bán đồ thì chị phải biết tiệm chị bán món gì, phải biết quá trình bán, giá cả phải để sẵn, dựa theo thị trường, không quá cao, quá thấp, không nên có lòng tham trong đó. Còn những người làm việc với chị, chị phải sắp đặt làm sao cho rõ ràng. Người đó có những công tác gì? nếu không xong thì có hậu quả như thế nào? Nếu làm tốt thì sao? nếu làm bê bối thì kết quả ra sao? Mọi người làm việc phải rõ ràng, phải có hệ thống. Khi mà mình làm việc thì đương nhiên nó có quá trình, tuần này sẽ như thế nào? tuần sau như thế nào? tháng sau thì ra sao? Mình phải quản lý chuyện tiền bạc, ra vào thế nào”.
Khi Thầy nói như vậy thì chị ngồi sững sờ, chị nói: “Ô, vậy sao? Con thì con làm tới đâu hay tới đó”. Thầy nói: “Không được đâu, chị phải đặt kỷ cương, khuôn phép cho rõ ràng về hệ thống và cách mà chị muốn. Tại vì buôn bán cũng là một hệ thống. Chị đặt định rõ ràng người nào làm việc gì? công việc đó phải chạy như thế nào? planning cả tháng, cả năm, chị phải nghĩ là món hàng đó sau này nó cũng sẽ thay đổi như thế nào? Chị nghĩ rõ ràng rồi, thì chị sẽ không sinh phiền não rắc rối, công việc sẽ trôi chảy rất là dễ dàng”.
Chị hỏi Thầy: “Sao khi con làm như vậy xong, mọi chuyện trơn tru rồi thì chuyện gì sẽ xảy ra?”. Thầy mới nói: “Mình nói tới cái chuyện kỷ cương, hệ thống buôn bán rõ ràng rồi, lúc nào hàng vô? lúc nào hàng ra? phải kiểm tra,vân vân. Bây giờ, mình nói đến chuyện Định. Định là gì? Là mục đích của chị làm buôn bán này đó, vậy mục đích của chị là gì?”. Chị nói: “Thì con muốn làm giàu thôi”. Thầy nói: “Cái giàu đó và cái vui, chị chọn cái nào?”. Chị nói: “Con muốn chọn cả vui lẫn giàu”. “Muốn như vậy thì mình phải hiểu, muốn có cái vui, thì không phải mình bán xong mới vui; mà lúc bán mình phải vui. Tại sao lúc bán mình phải vui? Tại vì người mua, họ cảm thấy mình chân thật, họ cảm thấy giá cả phải chăng, họ cảm thấy món hàng và chuyện mình làm có thể tin cậy được. Nếu hàng hư, họ có thể trả được, nếu có vấn đề thì có thể hỏi mình. Cho nên chuyện bán hàng thành công cũng đi đôi với chuyện mình làm người mua họ vui, họ tin tưởng, họ tín nhiệm, và thật sự họ cảm thấy làm lâu dài với mình được. Tại sao người ta trở
lại với mình? bởi vì họ cảm thấy mình là người dễ thương, người bán có bộ mặt tin cậy được, người bán nói gì thì thật sự đúng như vậy”.
Cho nên các Bác biết đó, tạo ra cái niềm vui, sự tin tưởng, sự tín nhiệm cho người mua, thì đó gọi là Định. Đối với người ngoài thì như vậy, đối với người bên trong, người làm việc với mình thì cũng đã có một cái hệ thống rồi, mình cũng nhất trí về chuyện đối xử với người làm việc của mình. Như vậy lập tức mình lan toả được niềm vui tới cho người làm việc là người trong nhà của mình, người mua là khách hàng của mình. Tại sao các Bác nghe trong nhà Phật lúc nào cũng nói tới thiền duyệt, thiền duyệt là niềm vui
của thiền định. Có nghĩa là sao? Thiền lúc nào cũng tạo niềm vui cả. Cho nên khi buôn bán mà Bác có niềm vui thì đúng là Bác đi tới chổ tốt lắm rồi. Mình vui vì bán đắt quá, vì lừa được người mua thì đó không phải là niềm vui thiền định. Niềm vui thiền định là người mua cũng vui, người bán cũng vui, chổ mình buôn bán lúc nào cũng vui nhộn và tạo niềm vui. Cho nên nhiều khi giá cả phải chăng, không kẹt vào lòng tham; thái độ của mình với người mua làm sao cho người ta tín nhiệm, người ta cảm thấy mình không phải là một người bán, mà có thể là một người bạn, có thể là một người họ tin cậy được nhiều năm, để có chuyện gì trong tương lai họ muốn nói gì mình thì họ có thể nói được, thì đó gọi là Định. Nếu mà mình kẹt với lòng tham, muốn thêm hoài, thì không phải là Định. Cho nên khi mình lan toả lòng tín nhiệm và niềm vui ngay tới người mua, tức là mình đang tu cái Định ở trong ngành buôn bán của mình. Đây chỉ là nói tới bán cửa hàng. Các Bác thấy hay không? Mình buôn bán không phải để mình làm giàu, mà buôn bán để cho mình mỗi giây mỗi phút, mỗi lúc mình gặp người mua hoặc người đồng sự với mình, lúc nào cũng vui cả, lúc nào cũng tự tại, nhẹ nhàng cả. Đó là Định đó các Bác, Định không phải ngồi im một chổ. Như vậy thì mình sẽ không thất thoát, không phiền não.
Cái thứ ba là Huệ, thế nào là Huệ? Huệ là sự toả sáng của niềm vui, của ánh sáng trong lòng mình. Tức là bây giờ mình tạo ra một cái văn hoá, lúc nào cũng tạo ra tín nhiệm, và niềm vui cho người mua cả; và tạo ra predictability, sự dễ hiểu, định đặt cho những người làm việc với mình, ai cũng hiểu là mình predictable, ai cũng hiểu mình là người họ tin cậy được. Mình không phải là người ngày hôm nay nói cái này, ngày mai nói cái kia. Khi mình có một cái hệ thống, một triết lý sống rõ ràng như vậy thì tự nhiên mình tạo ra một cái văn hoá. Tiệm mình như vậy thì tự nhiên tiệm bên cạnh nó cũng bắt chước theo, họ thấy sao mà đông người tới
như vậy, rồi tiệm kế bên… từ từ cả cái chợ, bắt đầu cũng có một cái văn hoá là con người vui vẻ hơn, dễ dàng hơn, đầy tín nhiệm và chân thật hơn.
Mình buôn bán không phải là mình bán cái món đó, mà thật sự ra là mình chia sẻ niềm vui với những người tới. Bây giờ các Bác hãy coi tất cả mọi chuyện như là một cuốn phim, khi mình tắt lời nói, sự giao tiếp của mình với người khác thật là buồn cười và mình thấy rõ ràng cuộc sống của mình dù Bác là người mua hay người bán, đều là cuộc sống mà mình chia sẻ niềm vui và sự chân thành với nhau, do đó mình phải tu Giới-Định-Huệ ngay trong lúc buôn bán. Huệ là tạo thành một cái văn hoá của sự tín nhiệm, của niềm vui, của sự chân thành. Các Bác đừng có nghĩ rằng mình phải nói láo mới được, không cần nói láo.
Mình có thể tu Giới-Định-Huệ ngay trong lúc buôn bán từ cách mình định đặt (setup) hệ thống buôn bán; cho tới cách mình giao tiếp với người làm việc với mình và người mua; cho tới cách mình tạo ra một cái văn hoá, tạo ra một cái chợ. Những người sống chung họ sẽ thấy cái giá trị của sự lan tỏa tín nhiệm, niềm vui và chân thành. Các Bác biết không? Cái đó đúng là mình đang hoằng dương Phật pháp ngay trong cuộc sống của mình.
Ngày hôm nay, Thầy tạm thời nói về làm sao tu Giới-Định-Huệ ngay trong lúc buôn bán. Lần khác Thầy sẽ nói về ngành nghề khác.
Cám ơn các Bác đã lắng nghe. Chúc các Bác một ngày vui, và tỉnh.
Thầy Hằng Trường thuyết giảng
Nhóm Đánh Máy và Phiên Dịch Hội Từ Bi Phụng Sự thực hiện.