Thưa các Bác, anh chị, đề tài mình sẽ nói hôm nay là điểm mù. Điểm mù là cái mà mình không thấy được, nó nằm hiển nhiên ở đó nhưng mình không thấy. Thí dụ, khi Bác lái xe, các Bác biết là có một chổ sau lưng bên tay trái, tay phải, nếu mình không quay đầu lại nhìn kỹ, nhiều khi có xe nằm đó, mình cũng không thấy, cho dù mình nhìn kính chiếu hậu cũng không thấy được. Cho nên gọi là điểm mù, là chổ mà mình không thấy được. Trong tròng con mắt của mình, ngay ở giữa điểm cái chùm dây thần kinh mọc ra, chổ đó cũng là điểm mùmình không thể nhận được ánh sáng từ đâu tới cả.
Trong cuộc sống, mình có rất nhiều điểm mù. Có một điểm mù gọi là expectation, là sự mong đợi, một ước mong hay mong cầu. Thí dụ, khi người ta thấy có nhiều người xếp hàng 3, 4 giờ sáng để mua iPhone 7, thì người ta rất là ngạc nhiên. Có một nhà tâm lý học hỏi: “Sao anh phải xếp hàng sớm để mua vậy?” Anh này nói: “Ồ, cái này hay lắm, tui phải mua mới được, vì nếu tui không mua, mấy người bạn bên Tàu sẽ cười tôi và nói là tôi không hiểu về thời trang gì hết, thành thử tôi phải mua một cái, tại vì tuần sau tôi phải đi China rồi, tôi cần mua để người bạn tôi cũng biết là tôi cũng hiểu chuyện lắm”. Ông psychologist đi hỏi một người khác: “Tại sao cô mua làm chi vậy?” Cô trả lời: “Tôi rất thích iPhone, tôi đã có rồi, nhưng tôi vẫn để dành tiền để mua iPhone mới mỗi năm khi nó ra cái mới ra, không ai bắt buộc cả, bởi vì tôi thích function của nó, tôi mong trên tay tôi cầm có được một iPhone đẹp, không bao giờ hư cả, tại vì tôi dùng mấy phone khác thì nó hư”. Ông psychologist lại đi hỏi một người khác: “Tại sao anh mua làm chi, tại sao xếp hàng sớm quá?” Anh trả lời: “Tại vì mẹ tôi muốn mua một cái, họ bắt tôi phải đi xếp hàng dùm để mua cho họ. Tôi thương mẹ, tôi xếp hàng dùm, không phải mua cho tôi”.
Các Bác thấy không? Rất là hay, mỗi người một lý do khác nhau. Người đầu tiên, trong đầu mình có một sự mong cầu là làm sao khi mình qua bên Tàu, thì những người bạn bên kia kính trọng, tôn trọng mình. Rất là rõ ràng vô cùng, mình thấy những người bên Tàu là những cái áp lực bên ngoài. Mình muốn mua là không phải mình thích, là bởi vì mình sợ mất mặt, cái mong đợi đó từ áp lực bên ngoài.
Trường hợp thứ nhì, thì là áp lực bên trong, một sức đẩy bên trong. Sức đẩy đó là làm sao mình có thể làm được những gì mình mong ước. Đó là mình có cái phone chạy rất tốt.
Trường hợp thứ ba, thì đó là áp lực bên ngoài, cha mẹ nói một câu thì mình đi mua, nhưng mà người con tại sao không chống lại? Người con có cái áp lực bên trong là phải có hiếu. Nhưng mà những điểm mù đó không ai thấy. Tại mình muốn tôn trọng cha mẹ già, mình thương, nên có cái áp lực bên trong.
Các Bác thấy ba cái trường hợp này là ba cái điểm mù. Người đầu tiên không biết rằng sở dĩ mình làm như vậy là vì sự mong đợi của người bên kia, là vì mình sợ mất mặt. Người thứ nhì không biết là áp lực từ bên trong đẩy ra làm cho mình mua. Còn người thứ ba không biết rằng vì trong lòng mình cũng có cái áp lực là phải làm con có hiếu, bên ngoài thì mình có cái áp lực cha mẹ gọi mình mua, nên mình phải mua. Như thế, ba cái khuynh hướng đó là khuynh hướng gần như mọi người mình sẽ rơi vào. Nhưng mà còn khuynh hướng thứ tư, thí dụ nếu có một người đi ngang đó, thấy đại hạ giá, thích, và mua. Không cần xếp hàng, hay mong cầu gì hết. Người dạng thứ tư này là không có áp lực bên ngoài, cũng không có áp lực bên trong. Mình thích, mình tùy tâm sở dục, muốn gì làm đó, mình thấy giá rẽ, có túi tiền sẵn đó, mua luôn, mình không cần biết budget.