Hôm qua mình nói tới Namo Ariya, ngày hôm nay mình nói tới ‘Bà lô kiết đế, Thước bát ra da’ tức là Avalokiteshvaraya.
‘Bà lô kiết đế’ là Avalokite, có nghĩa là quán và ‘Thước bát ra da’ có nghĩa là shvaraya, tự tại. Câu này có nghĩa là quán tự tại, tức là Quy mạng (trở thành) thánh Quán Tự Tại Bồ Tát: trở thành đức thánh Quán Tự Tại. Đó là nguyên câu số 2 và số 3.
Chữ Quán này rất là hay. Thường thường mình chỉ nghĩ rằng ‘Quán’ là mình nhìn ra ngoài, chứ thật sự ‘Quán’ là nhìn bên trong. Chữ Quán này là nhìn như thế nào? – Nhìn nhưng không định luận (không make judgement). Không có định luận có nghĩa là không theo tư tưởng đã
sẵn có rồi, thành kiến sẵn có rồi (cái này đúng, cái này sai) mà nhìn, để thấy rằng, tầng tâm thức của chúng ta, mỗi người đều có khác nhau cả. Nếu mình nhìn bên ngoài, nhìn một chuyện gì đó thì mình chứng tri chuyện đó, tức là mình biết: ‘Ô, tầng tâm thức của bác này như vậy cho nên bác nói câu đó, tầng tâm thức của bác kia nói như thế kia cho nên có câu đó’…Mỗi người một câu, tâm thức khác nhau.
Cho nên, quán là nhận tri sự khác biệt của từng tầng tâm thức và mình không bị kẹt trong tầng nào cả vì mình biết là vì sao. Cái lắng nghe đó, nếu là nhìn về chính mình là để lắng nghe tự tâm của mình, còn nhìn về bên ngoài là chứng tri cho tầng tâm thức của mỗi chúng sinh.
Lắng nghe tự tánh là lắng nghe được tiếng lòng của mình, lắng nghe lương tri của mình, lắng nghe tánh thiện sẵn có của mình và nhiều khi, phải lắng nghe cái đau khổ của chính mình nữa các bác, tại vì mình lắng nghe được cái động cơ và cuối cùng là cái mặc cảm (schema) của mình sẵn có nữa. Cho nên, lắng nghe là cách hay nhất để mình hóa giải mọi thứ phi lý trí (irrationality). Tiếng phi lý trí đó là những tiếng gào thét, là bởi vì không ai nghe nó cả các bác, ở trong lòng của mình. Có những mặc cảm mà mình không nghe, cho nên những sự gào thét của mặc cảm đó nó biến thành những hành động phi lý trí, những sự giận dữ, những ý muốn muốn hả giận, những ý muốn muốn trả đũa, trả thù. Những sự dữ dằn đó tạo thành cái thói mà mình gọi là violence, mà mình gọi là khó chịu, nhất định là phải bạo động mới được.
Nhưng mà như các bác thấy, nếu mình có thể lắng nghe thôi, mình tập cái chữ lắng nghe thôi thì mình thấy từ từ, từ từ mình không có những thói phi lý trí đó. Những thói phi lý trí đó từ từ được mình nhận tri, nhận biết. Mình biết được rằng đó là cái mặc cảm thì tự nhiên, mình không nổi điên khi mình nghĩ những chuyện mình làm là chạm vào cái mặc cảm đó. Do đó,
chữ lắng nghe này hay lắm. Chữ lắng nghe là chữ Quán đó, là chữ chứng tri, chứng nhận lại bản tánh, bản chất của mình và nhìn ra được bóng tối của mình. Mà những bóng tối đó thường không là gì khác hơn là những mặc cảm của mình thôi, không có gì nhiều cả.
Có một bác nọ, kể một câu chuyện như sau: Hồi nhỏ, khi bác ở VN, bác rất khổ. Hàng ngày, bác phải đi mua thức ăn sáng cho ba, cho mẹ, cho mấy đứa em của bác. Bác kể lại mấy chục năm trước, phải ra đi mua xôi, mua này mua nọ…Sáng nào cũng bị kêu dậy đi mua cả. Thành ra, không bao giờ bác ngủ đủ, trong lúc đómấy đứa khác được ngủ đủ. Nhiều khi mua về còn bị mắng, bị chửi lên, chửi xuống nữa. Cho nên bác có mặc cảm bị ruồng rẫy đó các bác.
Bác nói rằng: Khi lớn lên, qua Mỹ rồi, tự nhiên có một thời gian bác cảm thấy rất là xấu hổ là bởi vì, nhìn lại quá khứ lúc sống khổ, lúc hai mươi, ba mươi, rồi bây giờ khi bác có con, bác cũng đì con mình, bắt con mình phải thức dậy thật sớm. Mặc dù không làm gì cả, cứ bắt dậy sớm. Bác không hiểu vì sao. Té ra đó là một sự trả thù, trả đũa.
Bác nói là khi bác qua Mỹ rồi, đi học rồi, bác mới giật mình và cảm thấy hổ thẹn, tại sao lại bắt con mình nó làm như vậy? Thì ra đó chẳng qua là bởi vì mình có mặc cảm bị ruồng rẫy, bây giờ trở thành thói quen và thói quen này làm cho mình làm mà không suy nghĩ. Cho nên,
khi mà bác lắng lòng lại và nhìn được mặc cảm đó, bác hổ thẹn. Rồi thì bác có làm lại bao giờ nữa không? – Không bao giờ nữa, thưa các bác.
Cho nên, đặc tính bạo động, la mắng biến mất đi, và đặc tánh mình ruồng rẫy người khác, cũng biến đi. Khi đó là bác này đang trở thành Đức Quán Âm đây, tức là lắng nghe. Quán, quán là nhận tri, nhận biết bản tánh, những động cơ mà mình gọi là những mặc cảm của mình và thấy được tánh thiện sẵn có rồi. Là sao? là mình vui vẻ.
Sau này bác kể lại là từ đó bác dạy cháu nội, cháu ngoại của bác. Bác thương và lo lắng cho nó cách khác.
Cho nên, sự hóa giải những sự phi lý trí rất là hay (những mặc cảm là phi lý trí, những động cơ, như làbị ruồng rẫy gọi là phi lý trí). Sự hóa giải chấm dứt tinh thần bạo động sẵn có trong người của mình mà nhiều khi mình không biết, vì những mặc cảm, những bóng tối đó nó nặng nề quá. Thưa các bác, chữ Quán là như vậy đó.
Tự Tại là khi mà mình ra khỏi những bóng tối trong tâm thức thì mình sẽ thấy mình tự tại vô cùng. Quán Tự Tại không phải là quán sự tự tại của người khác. Nhờ cách quán này mà mình được sự tự tại. Sự tự tại đó do đâu mà ra? – Do mình lắng nghe tiếng lòng của mình và lắng nghe tiếng lòng của kẻ khác.
Bài pháp sáng của chúng ta ngày hôm nay là chúng ta hãy nên để thời gian lắng nghe tiếng lòng của mình, nhiều khi mình tìm ra được những mặc cảm của mình và mình hãy giải thoát những mặc cảm đó. Có nhiều khi mình hãy lắng nghe tiếng lòng của kẻ khác, bởi vì có thể là, nhờ nghe tiếng lòng của kẻ khác mà mình có thể giải được những mối rối rắm trong lòng của mình, để giúp người khác cũng cởi mở.
Hy vọng ngày hôm nay là một ngày đẹp. Chúc các bác thưởng thức bài pháp cà phê sáng này của chúng ta, vui vẻ và tỉnh thức.
Nhóm Đánh Máy và Phiên Dịch Hội Từ Bi Phụng Sự thực hiện.