Thưa các bác, có người hỏi thầy một câu như thế này: ‘Khi mình trì chú Đại Bi, trì như thế nào thì linh nghiệm nhất? tức là trì chú Đại Bi bằng tiếng Ấn Độ (tiếng sanskrit), hay là trì bằng tiếng Hoa hay là trì bằng tiếng Việt?’
Bằng tiếng Ấn Độ đọc là: Nammo Ratna Trayaya Nếu mà đọc bằng tiếng Hoa, phiên âm ra là: Na Mo He La Da No Do La Ye Ye Đọc tiếng Việt dịch ra thì đọc là: Nam Mô Hắc Ra Đát Na Đá Ra Dạ Da
Thưa các bác, đối với thầy thì có lẽ cái nào đọc cũng linh nghiệm cả. Nhưng mà nếu như nhìn vào phía sau, thì có lẽ câu chuyện không phải là dễ hiểu như là mình thấy. Vì nhiều khi như là mình là người Việt thì mình muốn nhất định là người Việt. Thì ra là phía sau tất cả quyết định là mình muốn đọc cái nào, đều nằm trong phần gọi là bộ phận tâm thức, trong cái meme code. Meme code có nghĩa là đơn vị văn hoá nằm trong người của mình. Những đơn vị văn hoá đó có thể tạo ra những sự xung đột, bởi vì có rất nhiều đơn vị văn hóa khác nhau ở trong vũ trụ của chúng ta.
Thí dụ như có một cụm đơn vị văn hóa trong người của mình là tribal centrism, hay gọi là bộ lạc chủ nghĩa, thì mình sẽ đọc bất kỳ chú nào, cái gì mà làm cho bộ lạc của mình, của nhóm mình, của chùa mình, của nhà thờ của mình, của tổ chức của mình được tiếng, được tiếng vang, được người ta biết tới. Cho nên đọc kiểu gì cũng được cả, đọc cái gì miễn sao cho bộ lạc của mình thích mà thôi.
Nhưng mà nếu như mà mình là egocentrism, bản ngã chủ nghĩa, tức là cụm đơn vị văn hóa của mình là bản ngã, thì mình làm cái gì cho bản ngã của mình nổi lên, thì mình đọc bất kỳ cái gì mà người ta khen mình. Nếu mình là ethnocentrism, chủng tộc chủ nghĩa, thì mình sẽ đọc cái gì mà làm cho chủng tộc của mình được vinh danh, vinh hạnh. Cho nên người VN mình chỉ muốn đọc tiếng VN thôi, người Tàu muốn đọc tiếng Tàu thôi, người Ai Cập muốn đọc tiếng Ai Cập thôi và người Mỹ họ muốn đọc tiếng Mỹ mà thôi. Và cái đó là cái đẹp của từng chủng tộc một nhưng đồng thời điều đó khiến cho những người đó khi họ ngồi lại với nhau thì mình sẽ thấy khó khăn.
Cho tới ngày hôm nay, người ta vẫn đọc kinh Coran, theo tiếng Ả Rập, tất cả mọi nước, Ấn Độ, hay là Pakistan, Mã Lai Á hay bất kỳ, họ vẫn đọc tiếng Ả Rập cả.
Người Phật Giáo nguyên thủy, cho đến ngày hôm nay, họ vẫn đọc một ngôn ngữ là Pa Li. Và sự hài hòa là mọi người cùng đọc như nhau cả. Họ không nghĩ là họ cần một chủng tộc, họ nghĩ là đó là ngôn ngữ của linh thiêng.
Đó là Phật Giáo nguyên thuỷ. Còn đối với Phật Giáo Đại Thừa thì mỗi chủng tộc, nước nào đọc theo nước đó, ngôn ngữ của nước đó, không cần phải đọc theo ngôn ngữ Pa li.
Chuyện phức tạp là như vầy: khi các bác ngồi chung với nhau, các bác chỉ muốn đọc tiếng Việt thôi, nhưng còn người bên cạnh là người Tây thì sao, là người Đức thì sao, là người Hungary thì sao, là người Mỹ thì sao? là người Lào thì sao, người Trung Hoa thì sao?…
Cho nên, đó là một sự xung đột rất lớn, là bởi vì nếu mình cố chấp thì không thể nào mà mình thành được. Cho nên, United Nations, tức là Liên Hiệp Quốc, lấy một ngôn ngữ chính là Anh, một ngôn ngữ phụ là Tây, và đều được phiên dịch ra ngôn ngữ của từng nước một cả, nhưng mà mình nên lấy một ngôn ngữ chính để khỏi xung đột.
Khi mà mình đọc chú Đại Bi, mình nên dùng ngôn ngữ nào mà mình có thể viết ra được, dịch ra được và ai cũng đọc được cả. Nhiều khi tiếng Việt viết ra, không ai đọc được cả các bác ơi. Tiếng Việt mình chỉ cho người Việt thôi. Cái đó đưa tới sự suy nghĩ rằng, nếu mình là người Việt thì mình cũng nên chấp nhận một cách phiên âm nào mà nhiều người cùng có thể đọc được.
Chú Đại Bi bằng chữ sanskrit rất là khó đọc. Người VN mình nhiều khi cầm lên đọc không được vì chữ đó rất khó. Nhưng mà nếu chữ bằng từng syllable, từng chữ từng chữ một như là Na Mo He La Da No Do La Ye Ye, thì có lẽ là chúng ta đọc dễ dàng hơn, mọi người đều có thể cầm tờ giấy đọc. Ngôn ngữ đó phiên âm dễ dàng hơn.
Cho nên, thầy chọn đọc chú Đại Bi bằng cách đọc Na Mo He La Da No Do La Ye Ye, hay là chú Hulu Hulu Syi li syi li, hay là Sulu sulu, Om sulu v.v…Là vì sao vậy? – Là vì cái đó phiên âm ra và tất cả mọi người, tất cả mọi chủng tộc có thể cầm tờ giấy lên và đọc theo dễ dàng được. Do đó, là mình dễ dàng hài hòa hơn.
Thưa các bác, đó không phải cho người Tàu, bởi vì người Tàu mà đọc thì họ cũng phải cầm tờ giấy viết chữ Hán. Còn đây là cách phiên âm, làm cho tất cả mọi người cùng đọc được. Do đó, không phải là tiếng Tàu, là vì cách của mình đọc ra, người Tàu họ cũng không phát âm như vậy.
Như các bác thấy, mình nên biết rằng người VN mình mà đọc một bản phiên dịch bằng ngôn ngữ tiếng Việt, mà đọc bằng tiếng phiên âm, thì mình trở thành global centric, tức là đại đồng chủ nghĩa thì mình lớn hơn chứ không nhỏ hơn. Cho nên nếu mình đọc thêm được một ngôn ngữ nữa thì mình sẽ giỏi hơn chứ không phải là mình mất đi chủng tộc gì hết. Mình vẫn là người Việt, nhưng là người Việt cộng thêm khả năng đọc được tiếng quốc tế. Cho nên mình thêm sự phong phú chứ không phải là giảm bớt đi đặc tánh người Việt.
Để kết thúc buổi nói chuyện hôm nay, Thầy kể một câu chuyện như thế này.
Năm thầy 23 tuổi, mẹ thầy bị bịnh ung thư. Thầy đi thăm bà, và trong những ngày cuối cùng, thầy ở với bà khoảng hơn một tuần. Trong lúc thầy ở với bà, ngày nào thầy cũng đi nhiễu phật, thầy dẫn bà đi và thầy niệm Na Mo A Mi To Fo là tiếng Hoa. Lúc đó bà nói là bà không hiểu, nhưng sau đó bà nói cái này cũng hay và bà lập lại. Khi lập lại thì bà nói Nam Mô A Di Đà Phật và thầy thì Na Mo A Mi To Fo.
Đêm hôm đó, bà còn rất tỉnh táo. Bà bị ung thư ruột già nhưng bà rất tỉnh táo, không bị mê man. Thầy dắt bà đi nhà vệ sinh rồi thầy dắt bà vào lại trong giường. Bà nằm xuống, mỉm cười và nói chuyện với thầy vài ba câu. Thầy ngồi ở đầu giường, đột nhiên, một linh tánh rất lạ nổi lên trong đầu của thầy. Thầy nói rằng: ‘Mạ ơi, Đức Quan Thế Âm Bồ Tát, Đức Di Lặc Bồ Tát, Đức Địa Tạng Bồ Tát, Đức Văn Thù, Đức Phổ Hiền, các ngài rất thanh tịnh. Mà cõi Cực Lạc cũng rất hạnh phúc. Ở đây khổ quá mạ, thôi, mạ theo các vị đó đi’. Khi mẹ thầy nghe thầy nói như vậy thì bà rất ngạc nhiên, mà thầy cũng ngạc nhiên, không hiểu tại sao thầy nói câu đó. Bà còn đang khỏe, không hề có trạng thái mê man gì hết. Bà ngoái đầu lại nhìn thầy. Bà không hiểu tại sao thầy nói, mà thầy cũng không hiểu tại sao mình nói. Rất lạ, linh tánh và linh cảm làm cho thầy nói câu mà thầy không hề chuẩn bị. Sau khi nói như vậy rồi, thầy cầm xâu chuỗi lên và thầy đọc Chú Vãng Sinh bằng tiếng Hoa: ‘ Na Mo E Mi Do Pe Ye…’ mà bà thì từ nhỏ tới lớn chỉ đọc chú Vãng Sinh bằng tiếng Việt: ‘Nam Mô A Di Đa Bà Dạ…’. Nhưng khi đó thầy đọc tiếng phiên âm và thầy đọc chưa tới 2 biến thì bà thở ọt ra một tiếng, rồi bà ra đi nhẹ nhàng vô cùng, không hề mê man, không hề đau khổ. Và bà rất là sạch sẽ vì bà vừa mới đi vệ sinh xong.
Điều đó làm cho thầy thức tỉnh là ‘trời ơi, té ra là mình quá chấp trước vào đơn vị văn hóa mà mình quá quen thuộc’, thí dụ như mình chấp vào văn hóa của bộ lạc chủ nghĩa, chủng tộc chủ nghĩa. Mình quên rằng phật pháp là đại đồng chủ nghĩa (global centric) hoặc là vũ trụ chủ nghĩa, tức là cosmos centric. Phật pháp không phải nhỏ bé mà chính mình tự hạn hẹp mình vào trong sự nhỏ bé của chủng tộc, của tiếng nói, của ngôn ngữ của chính mình. Và sự ra đi của mẹ thầy minh chứng rằng câu chú đọc tiếng nào cũng linh cả, minh chứng rằng cuộc sống của mình không phải quá nhỏ hẹp đâu. Cuộc sống của mình mở ra tới global centric, tức là đại đồng chủ nghĩa thì mình sẽ thấy rằng nó đẹp vô cùng và mình sẽ không còn sự tranh chấp mâu thuẫn bên trong nữa. Nếu không, bất kỳ các bác ở đâu mà cứ bắt buộc rằng mình nói tiếng Việt, đọc tiếng Việt, thì sẽ làm cho những người ngoại quốc họ không thể cùng tu với mình được. Rất là khó. Mình nên mở ra, mình nên đọc một thứ tiếng gì mà mình có thể viết được trên giấy và mọi người cùng đọc theo được. Đó là con đường mà thầy theo. Không phải là thầy theo tiếng của người Hoa, hay tiếng của người Mỹ, hay tiếng của người Lào, hay người Hung. Không, mình muốn bao dung, và mình muốn làm sao, khi mà mình biên xuống câu chú thì người nước nào cũng đọc được cả.
Cám ơn các bác đã lắng nghe quan điểm của thầy về cách đọc chú ngày hôm nay. Hy vọng rằng cà phê pháp ngày hôm nay làm cho bác vui vẻ, sung sướng và tỉnh táo.
Thầy Hằng Trường thuyết giảng
Nhóm Đánh Máy và Phiên Dịch Hội Từ Bi Phụng Sự thực hiện.