0

Triết Lý Xuất Tục Nhập Thế

Tu hành có nhiều cách, nhiều pháp môn, nhiều loại, nhiều văn hóa, nhiều phạm trù. Tuy nhiên nếu phân tách mối quan hệ giữa con đường mình tu với thế gian, thì thông thường có hai khuynh hướng chính:
1. Con đường xuất thế: tức là người tu hoàn toàn ‘cắt ái từ thân’, cắt đứt mối tình với người thân thuộc, mối ràng buộc với gia đình với thế nhân để thoát vòng tục lụy, ra ngoài trần gian, an nhiên tự tại. Thông thường người tu trở thành bậc xuất gia, tỳ kheo, tỳ kheo ni, hiện hẳn hình tướng thoát tục. Con đường này thường là con đường phát triển sự thanh tịnh và trí huệ siêu việt.
2. Con đường nhập thế: tức là khi người tu chọn con đường phục vụ nhân quần để phát triển tình thương, lòng bao dung, lòng vị tha. Với con đường này, người tu có thể là xuất gia hoặc là tại gia. Trong tiêu để này ta cần phân biệt 2 hiện tượng như sau:
a. Đọa thế: tức là người tu chưa có đủ sự thanh tịnh hay sự am hiểu về đời sống phàm tục, nên khi nhập thế thì trở thành đọa thế, từ từ mất hẳn chí hướng tu hành, chỉ muốn thêm giàu, thêm quyền, thêm thế, bị lôi cuốn vào đủ chuyện ‘bên lề’, đủ chuyện từ phân tranh tới chính trị, từ tình duyên tới quyền vị. Vì bị kẹt trong tài, sắc, danh, thực, thùy nên gọi là đọa. Người đọa thế thì thích tự hào việc thiện nguyện nhập thế, tự bào chữa cho việc mình bị cuốn hút vào danh lợi.
b. Trục thế: có nghĩa là người tu không có ý hướng gì nhập thế cứu đời cũng chẳng có ý xuất thế giải thoát. Ý niệm rất mơ hồ về đường tu, chẳng nỗ lực gì mấy, chẳng tích cực làm việc thiện nguyện, cũng chẳng chủ động thay đổi đời mình, chẳng biết mình có làm chủ được lúc chết hay không và cũng chẳng lo sợ gì chuyện sinh tử. Tuy nhiên vẫn đi chùa, vẫn làm công quả lai rai, vẫn có lòng tin, vẫn ‘tu tâm thôi’. Tình trạng này giống như con thuyển trôi bềng bồng trên biển, tùy sóng được đẩy nên gọi là trục (theo đuổi). Người trục thế thì thường chê bai kẻ xuất thế, nhưng lại không có công phu nhập thế.
3. Xuất tục nhập thế: tức là con đường dung hợp cả xuất thế và nhập thế.
a. Xuất tục có nghĩa là tu luyện cho thân xác sung túc nội lực để hóa chuyển tham, sân tích tụ trong thân xác. Năng lượng trong người thường hướng thượng, phải dương hóa, nên tâm tình khoát đạt, đầy lòng bao dung, tha thứ, lạc quan, cởi mở. Do năng lượng dương hóa nên cái nhìn cũng từ từ mở rộng, vũ trụ quan cũng do đó mở rộng, không còn thấy ham muốn những thứ trần tục và ô nhiễm, không còn chạy theo danh lợi hay những đấu tranh nhân ngã thị phi nữa. Muốn xuất tục thì ắt phải tu luyện và phải thay đổi vũ trụ quan nội tại. Muốn tu luyện thì phải có pháp môn thích hợp với từng giai đoạn của cuộc sống. Muốn biết pháp môn thích hợp thì phải chân thành tìm thầy cầu đạo.
b. Nhập thế: Tức là ám chỉ thực hành những công việc thực tiễn giúp đời giúp người, như làm thiện nguyện, đem đến sức khoẻ, niềm tin, hy vọng, cho mọi người. Công việc nhập thế này đòi hỏi mình phải có nội lực vì mức độ cống hiến của ta cần nhiều tâm lực, tinh lực, thể lực lắm lắm. Với mỗi tầng năng lượng trong người vừa được dương hóa, với mỗi một vũ trụ quan trong tâm vừa được khai mở, ta phải lập tức xử dụng nó để đem lợi lạc ngay cho những người xung quanh.
• Bốn chữ ‘xuất tục nhập thế’ này là một cụm chữ không thể tách rời, để nói rằng sự cải thiện của bản thân chính là động lực cải thiện ngoại giới, rằng thân tâm là một, mình người là một, rằng bi trí là một, một con đường phát triển chiều dọc và một con đường phát triển chiều ngang thì song hành.
Như vậy quan niệm xuất tục, nhập thế này có khác gì với quan niệm ‘cư trần, lạc đạo’ của thời vua nhà Trần xưa kia chăng? Điểm khác là quan niệm ‘xuất tục’ nhấn mạnh vào sự rèn luyện của thân xác, chuyển hóa năng lượng trong thân, từ đó chuyển hóa phiền não và tâm tình. Quan niệm ‘nhập thế’ nhấn mạnh vào sự hy sinh, vị tha, làm việc thiện nguyện, đem an lạc tới cho đời, đem nụ cười tới tha nhân; chớ không tìm an vui trong sự thanh tịnh của việc tu hành.

Leave a Reply