Thưa các bác, các anh chị, bây giờ đang mùa Giáng Sinh. Thầy xin kể một câu chuyện ngắn vài ba phút cho các bác nghe. Ông David Fein và vợ là bà Michelle, năm 2010, dư một cây Noel nhỏ nên bỏ một quảng cáo trong Craig’s list để ai muốn thì xin tới lấy (nhiều khi mình dư đồ không xài thì mình cho, mình bán v.v…). Các bác có biết không là chỉ trong vòng một vài giờ thôi mà có tới hai mươi mấy người tới xin cây Noel đó.
Câu chuyện này rất hay, đặc biệt vô cùng. Khi họ thấy như vậy rồi, họ mới nghĩ rằng có những người khác cần hơn nữa. Trong một thời gian rất ngắn, họ thấy là không biết bao nhiêu người cần nữa. Năm 2010, bà vợ rất dễ thương, bà nói rằng thôi thì mình mua cây đi rồi mình cho người ta. Rồi từ từ, bên Colorado Springs (chỗ ở của họ), họ mua, họ cho thêm nữa, cho thêm nữa, và từ từ trở thành một tổ chức từ thiện, chỉ cho cây thông (cây sapin). Các bác đâu có thể ngờ được là từ cho một cây mà bây giờ trở thành một tổ chức cho không biết bao nhiêu là cây nữa. Năm nay, có 2,500 người cần cây và họ đã cho chừng đó cây rồi. Cứ mỗi năm, tới mùa này là họ cho không biết bao nhiêu cây nữa. Cả năm, họ dồn tiền mua cây. Thầy đọc trên website thấy có người tận bên Karachi, Pakistan cũng xin cây nữa. Tinh thần không thể tưởng tượng được, đây là tinh thần của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Mình gọi là bàn tay cho ra, tay hợp chưởng.
Các bác tu hợp chưởng nhưng các bác thấy trong vũ trụ nhập thế, có những người đâu có tu tay cho ra nhưng tinh thần cho ra của họ là tinh thần của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, làm sao để làm cho người khác vui. Từ một ý niệm nhỏ, thấy được là mình mới bỏ tên trong đó mà đã có 20 người xin rồi, tức là họ nghĩ tới sự cần thiết, tới nhu cầu của kẻ khác. Các bác nghĩ coi, có những người rất cần nhưng mình không cho. Trong nhà, giản dị là có người chỉ cần mình khen một chữ thôi, nhiều khi chỉ cần mình nói một câu đẹp thôi nhưng mình lại không cho. Nhiều khi mình chỉ cần làm một hành động nho nhỏ để cho người ta cảm thấy nhẹ nhàng thôi nhưng mình lại không làm.
Cách của hai ông bà này cho mình một bài học rất hay. Sự cho ra đó có thể ở bất kỳ dạng nào, cho nên mình đừng nghĩ là bây giờ mình phải tìm một cây sapin, cây thông để cho, đừng nghĩ là mình phải ở trong một trạng thái nào đó mình mới cho, có nhiều mình mới cho. Trong cuộc sống bây giờ, mình có thể tìm bất kỳ một cơ hội nào, ăn thua ở cái tâm của mình. Ý niệm đầu tiên của 2 ông bà này, nhất là bà Michelle là bà nhìn được nhu cầu của người ta. Cũng vậy, nếu trong cuộc sống, mình nhìn được nhu cầu của những người xung quanh, nhiều khi chỉ cần một hành động nhỏ thôi mà làm cho người ta cảm nhận được sự cho ra của mình.
Thưa các bác, đó là cách nhập thế của cách tu tay cho ra và mắt tri ân. Nhiều khi cho ra nhưng mình không muốn người ta biết ơn mình. Trái lại, mình cảm ơn người đó đã tạo cơ hội để mình có thể cho ra. Cho nên, khi người ta cần, mình phải nghĩ rằng: ‘Hay quá, họ cho mình cơ hội để mình có thể cho ra đây’, chứ không phải là chỉ khi nhận mình mới cảm ơn. Khi người ta ló ra cơ hội để mình cho là mình cảm ơn và mình thấy tất cả chuyện xảy ra xung quanh mình đều là những cơ hội để mình cho cả.
Thầy tin rằng, trong mùa Giáng Sinh này, là người Phật tử, mình không nên nghĩ rằng đây là mùa Giáng Sinh mà mình phải nghĩ như những người trong tôn giáo đó, đây là mùa cho ra, là mùa làm sao giúp đỡ những người thiếu thốn. Nhiều khi trong một năm, họ chỉ chờ ngày này để họ được cho. Con nít chỉ mong là được ông Santa Claus, ông già Noel, cho quà. Trong tâm thức của chúng ta, người nào cũng muốn được tặng cả. Bây giờ, mình hãy cám ơn là có những người đã cho mình cơ hội để mình tặng.
Mong rằng hôm nay là một ngày vui, đẹp cho các bác. Ta hãy cùng nhau tìm cách nhìn những nhu cầu của người xung quanh mình để cho.
Cám ơn các bác đã lắng nghe.
Thầy Hằng Trường thuyết giảng