80. Đàn tràng Đại Bi Quán Âm qua lăng kính Bát Nhã Tâm Kinh

Thưa các Bác, anh chị. Trong khoảng hai tuần nay thì Thầy không làm café Pháp cho các
Bác uống; thay vào đó Thầy pha trà cho 236 vị xuất gia vị tha đoản kỳ để cho nhóm tăng thân
này có thể chuẩn bị cho Pháp hội Di Đà và Mạn Đà La Đại Bi Quán Âm. Chủ nhật vừa rồi,
chúng ta đã xong Mạn Đà La với gần hai ngàn người tham dự. Trong đó chúng ta thấy một
tinh thần rất cao của những người hộ pháp, những người thiện nguyện viên mà Thầy xin ca
ngợi và cám ơn. Có rất nhiều vị anh hùng không tên tuổi đã làm cho Pháp hội trở nên rất ấm
áp, và hy sinh rất nhiều trong ba ngày Pháp hội cuối cùng. Họ tới với một tấm lòng làm sao
có thể đem tới sự thành công cho Pháp hội, và đem tới niềm vui cho những người tham dự.
Cho nên đó là những tinh thần Thầy xin hết sức tán thán và rất là cám ơn. Có nhiều Bác đến
tham dự đã hỏi Thầy ngày nào là ngày Pháp hội cho sang năm để họ trở lại, bởi vì kỳ này họ
gặp những người rất dễ thương. Có nhiều Bác tham dự lần đầu tiên hoặc lần thứ nhì rất là
thích thú, và cũng bày tỏ tấm lòng rất chân thành.
Thưa các Bác, anh chị, những đàn tràng lúc trước có tên là Đàn tràng Di Đà, Đàn tràng Vô
Lượng Quang Minh hay Mạn Đà La Vô Lượng Quang Minh. Mạn Đà La kỳ này là lần đầu
tiên chúng ta lấy tên Đại Bi Quán Âm. Sở dĩ chúng ta chọn tên Đại Bi Quán Âm vì đức Quán
Thế Âm Bồ tát còn có một tên là Quán Tự Tại Bồ tát, Ngài ở giữa Mạn Đà La làm Pháp chủ
để chúng ta thấy rằng cái trung tâm quan trọng nhất trong người chúng ta là lòng Đại từ, Đại
bi. Kỳ này rất đặc biệt, vì khi chúng ta tắt đèn, tượng Đại từ, Đại bi Quán Thế Âm Bồ tát hay
Quán Tự Tại Bồ tát ở giữa phóng hào quang sáng rực ra. Hào quang từ trong tượng tỏa chiếu
ra làm cho mình cảm thấy rằng tuy mình ở trong bóng tối nhưng cái tâm Đại từ, Đại bi của
mình luôn luôn tỏa ra. Nhưng tâm Đại từ, Đại bi cũng là tâm Đại trí, Đại lực, cũng là tâm
thức giải thoát hoàn toàn, và cũng là trí huệ Bát Nhã chiếu soi, tất cả những đặc tính đó đều
nằm trong hình tượng Đại Bi Quán Âm Bồ tát hay Quán Tự Tại Bồ tát.
Đây là một dấu ấn đặc biệt cho kỳ này, vì nguồn triết lý để giải thích Mạn Đà La nằm ở trong
hai bộ kinh Bát Nhã và Hoa Nghiêm. Bộ kinh Bát Nhã gồm có 600 cuốn, được ngài Cưu Ma
La Thập (Kumārajīva), viết lại thành một bài văn rất ngắn chỉ có 260 chữ mà bây giờ mình
gọi là Bát Nhã Tâm Kinh. Bát Nhã Tâm Kinh được phổ biến nhờ ngài Huyền Trang thường
đọc, và Ngài là người làm cho tất cả chúng sanh thời Đường, nhất là các vị vua dùng bộ kinh
Bát Nhã Tâm Kinh hằng ngày và nhờ đó được phổ biến rộng rãi. Sáu trăm cuốn Bát Nhã trở
thành 260 chữ, đó là một sự biến hóa thu gọn cực kỳ độc đáo của chư Tổ hồi xưa.
Bây giờ trong thời đại mới, chúng ta có thể thu gọn 260 chữ đó vào trong một hình đồ gọi là
Đàn tràng Đại Bi Quán Âm. Đàn tràng này dựa hẳn vào tinh thần của câu “chiếu kiến ngũ
uẩn giai không” trong Bát Nhã Tâm Kinh, tức là nhìn xuyên qua năm ấm: Sắc, Thọ, Tưởng,
Hành, Thức để thấy được chân tâm của mình tức là chơn không. Nghĩa là cái bản tánh là
không, siêu việt trên tất cả, đúng và sai, tốt và xấu, đen và trắng, có và không. Đó là triết lý
mình gói ghém trong cái đồ hình bằng cách mình để đức Quán Âm Bồ tát ở giữa phóng hào
quang, xung quanh có năm cái hình vuông, lồng vào nhau tượng trưng cho Sắc, Thọ, Tưởng,
Hành Thức là năm tầng che mất ánh sáng.

Khi mình tắt đèn ở trong phòng Mạn Đà La, chỉ có tượng Quán Âm Bồ tát tỏa sáng ra, tượng trưng cho chơn  không lúc nào cũng tỏa sáng cả, và bóng tối tạo ra bằng ngũ ấm đen thui.

Nếu mình nhìn xuyên qua bóng tối, và thấy được tượng Quán Thế Âm Bồ tát, tức là mình nhìn xuyên qua ngũ ấm
và thấy được bản tánh chơn không, như thế thì chúng ta “chiếu kiến ngũ uẩn giai không”.

Đ ó là lý do tại sao Đàn tràng Đại Bi Quán Âm đem trí huệ của 6 cuốn Đại Bát Nhã hay là
260 chữ của Bát Nhã Tâm Kinh, tóm thu lại trong cái hình vẽ 3 chiều.

Đây là cách mà chúng ta biểu hiện lên đặc tính quan trọng của cuộc sống, nhiều khi trong sự
bận rộn, chúng ta bị mạng lưới của thân xác, cảm xúc của bệnh hoạn, của đau khổ thân xác;
bị mạng lưới tình cảm, những chuyện rối rắm từ ghen ghét, đố kỵ, vui buồn giống như một
màn nhện che mờ; cho đến mạng lưới tư tưởng, quan niệm này, quan niệm nọ, ý tưởng này, ý
thức kia bao trùm lại làm cho mình không biết con đường nào để đi siêu việt lên trên. Cho
đến cái mạng lưới của thói quen (hành ấm trong bối cảnh lớn thì gọi là văn hóa) tạo thành văn
hóa mà chúng ta đang sống, một mạng lưới rất là chằng chịt, nghĩa là chúng ta ở trong văn
hóa nào thì mình kẹt trong văn hoá đó, mình không thể nào vượt thoát khỏi văn hóa của chính
mình được; và cuối cùng là sự nhận tri, nhận biết, cái bản chất cấu trúc của thân thể, của sự
hiện hữu của mình, nó giam nhốt mình vào trong một mạng lưới vô hình. Nếu mình có thể
nhìn xuyên qua được tất cả để thấy được bản tánh bất nhị đó, thì đó chính là cái thông điệp
(message) của Đàn tràng Đại Bi Quán Âm, cái thông điệp gói ghém 260 chữ của Bát Nhã
Tâm Kinh, và phải cần có 600 cuốn Đại Bát Nhã mới giải thích được.
Hy vọng rằng là chúng ta sẽ tiếp tục thích thú (enjoy) hơn về sự tu tập của Mạn Đà La Đại Bi
Quán Âm này, nhất là hãy mở tâm ra và tập làm sao để mình nhìn xuyên qua mạng lưới lúc
nào cũng trùm phủ chính mình, và biết rằng chính sự giải thoát, nhận tri tất cả các mạng lưới
đó là trọng tâm, thông điệp quan trọng nhất của Bát Nhã – Nhìn xuyên vạn sự.
Cám ơn các Bác đã lắng nghe hôm nay, mong rằng các Bác sẽ bắt đầu mỗi sáng lại uống café
Pháp. Chúc các Bác một ngày vui và tỉnh.

Thầy Hằng Trường thuyết giảng
Nhóm Đánh Máy và Phiên Dịch Hội Từ Bi Phụng Sự thực hiện.