Good morning các bác, các anh chị, đây là Dharma Expresso cho ngày hôm nay.
Đáng lẽ là mình phải qua phần quán tưởng để nhập thế như thế nào, nhưng mà, ngay lúc này thì có một câu hỏi đặt cho thầy, thì thầy xin trả lời cho bác cũng như là những người nào có câu hỏi tương tự. Đó là sự gỡ rối lúc lâm chung. Tại sao có những người lúc lâm chung cứ nằm hoài chưa chịu đi? Câu trả lời rất huyền bí bởi vì thưa các bác, không có một câu đáp án nhất định.
Bây giờ, trước hết là mình phải hiểu, coi thử một người nằm xuống, dấu hiệu thông thường của người đó như thế nào để biết là người đó họ có nhu cầu gì? Thường một người vừa nằm xuống ra đi, có 3 dấu hiệu như sau:
1/ Cặp mắt, khi mà họ nhắm lại một cách nhẹ nhàng vô cùng thì tức là:
Các bác cũng biết là cặp mắt liên quan tới cái gan, là phần hồn (soul), phần tâm linh của mình. Nên khi mắt nhắm lại là phần tâm linh của mình đã xong rồi, là mình đã có niềm tin về tâm linh, cuộc đời của mình đầy đủ tất cả những gì mà mình gọi là những giá trị tâm linh. Mình làm được rồi, xong rồi và bây giờ mình yên ổn. Cho nên cái gan nó nhẹ nhàng vô cùng và con mắt mình nhắm lại. Mình yên ổn cuộc sống tâm linh, cuộc đời của mình thì mình thấy ok.
2/ Miệng:
Miệng dính với Thổ, Thổ tức là thận, tỳ và ý chí (intention).
Miệng thuộc Thổ mà mắt thuộc về Mộc. Miệng để nói chuyện và chứa đựng. Phần tỳ là phần chất chứa những tư tưởng, những cái mà mình muốn làm vô cùng. Ý chí, là hướng đi của mình. Nhiều khi mình muốn làm vô cùng mà làm không được, muốn nói mà nói chưa xong. Thường thường nó dính liền với cái miệng vì miệng biểu hiện cho tư tưởng của mình. Tư tưởng không nói ra thì không tính được, khi tư tưởng nói ra thì mới tính. Tư tưởng nói ra đó thì gọi là bằng lời. Thường hễ mà lời lành cần nói mình đã nói đủ, lời hứa đã làm, lời tha thứ cần nói thì đã nói xong, lời thương yêu nói xong rồi thì thường thường miệng mình đóng lại, không mở. Một khi mình mở miệng, không thể đóng lại là bởi vì còn nhiều chuyện, nhiều lời mà mình chưa nói xong. Ý hướng làm tốt của mình nhiều khi chưa thực hiện xong. Lời lành chưa đủ và sự tha thứ trong lời nói của mình chưa diễn đạt đủ, thành ra khi chết là miệng của mình không đóng lại.
3/ Hiện tượng ở tay.
Nhiều khi tay nắm lại, co quắp. Nếu tay mở ra, hạ xuống thì thường là một điều rất tốt là vì tay thuộc về thủy (chứ không phải thuộc về kim). Gân mạch trong tay thì thuộc về kim, nhưng trạng của tay buông ra thì thuộc về thủy, như nước, lúc nào cũng chảy xuôi chứ không đọng lại, ngừng lại. Cho nên thủy thì đi với tinh, và gân cốt (kim) thì đi với khí của mình. Tinh với khí (vitality và energy) của mình tức là năng lượng sống của mình bây giờ giống như mình đã làm xong rồi, tức là cái emptiness goodness của mình không còn cái nào cả, mình làm xong tất cả mọi chuyện rồi. Những việc cần làm mình làm xong rồi, những việc tốt mình đã làm xong rồi. Có những người, việc tốt thì họ mới làm, chứ không phải là emptiness goodness. Có người nói tôi có tài sản rất lớn thì tôi mới làm, không phải. Việc tốt của mình,
mình đã làm chưa? Tại vì thân xác này của mình sống là để làm tốt, nói những lời tốt, suy nghĩ chuyện tốt và để mình làm những hành động tốt.
Khi hành động tốt làm đủ rồi thì mình sẽ đi một cách rất dễ dàng. Cho nên khi mà năng lượng sống của mình không làm chuyện tốt cho đủ thì thường tay của mình trong trạng thái mở, nó cứng và nhiều khi các bác thấy là nó không xuôi, nhiều khi bị co quắp lại v.v…
Đó là những cái mà mình không thể nào chối cãi được trong hiện trạng của tướng trạng sau khi qua đời.
Từ cái đó mà suy ngược lại thì mình thấy, nếu mà mình sống phút lâm chung của mình mà tâm linh của mình rất nhẹ nhàng bởi vì mình có đủ 3 chuyện:
1/ Lòng tin và động cơ.
2/ Mình có đủ sự tha thứ cho tất cả những người xung quanh, tất cả những chuyện.
3/ Buông bỏ: Trong tâm mình, mình coi sự ra đi như một con đường mới, một cuộc du hành mới.
Khi tâm linh mình nghĩ như vậy thì con mắt của mình sẽ nhắm một cách yên lặng.
Muốn như vậy, phải có 3 chuyện, thứ nhất niềm tin phải có, thứ nhì là tha thứ và thứ ba là mình phải có sự buông xả.
Vấn đề là nhiều khi các bác nói tôi không tin, cứ nghĩ lung tung, tin cái gì không biết. Các bác phải nên tin một cái gì đó. Niềm tin đó là đấng trên.
Các bác tin tiền tin bạc là tin lúc còn sống, đến lúc chết các bác đem theo không được, cho nên các bác phải nghĩ là mình tin một đấng trên đi, đức Phật, đức Chúa, đức Mẹ, đức Allah, gì cũng được nhưng phải có niềm tin, chứ không thì rất nguy hiểm. Nhất là các bác đã qua tuổi sáu mươi, bảy mươi mà niềm tin không có trong cuộc sống, mà chỉ tin tưởng vào sức mạnh của bắp thịt, của bàn tay, trí não, sự khôn khéo của mình trong xã hội thì mình sẽ rất đau khổ khi giây phút cuối cùng tới, bởi vì niềm tin của mình không có thì mình không biết sẽ đi về với ai, đi về đâu.
Cái miệng tức là lời lành của mình phải nói, cũng vậy. Nó đòi hỏi mình phải nói những lời như là phải xin lỗi, phải cảm kích hay nhiều khi là phải nói những lời tha thứ, chứ không phải là lời thương yêu. Lời tha thứ quan trọng vô cùng.
Cả mắt, miệng, tay đều phải hiển hiện ra sự tha thứ và buông đi, buông bỏ. Lời lành của cái miệng rất là quan trọng. Những lời tha thứ rất quan trọng. Những lời thích bắt lỗi, thích đi xoi mói, tìm chuyện thị phi để nói thì nó uổng đi. Mình nên làm sao để đến lúc mình chết, cái miệng mình nó đóng lại. Cho nên lúc đi, lời gì nói được thì mình nên nói cho trót đi.
Có một người mà thầy biết, vào thời thập niên năm 90, ông nói với thầy như thế này. Năm nay con 80t, tóc con bạc phơ, râu cũng bạc, nhưng mà gần như mỗi ngày con đều cảm kích con cháu và nhiều khi con nhớ tới người này người kia và con điện thoại xin lỗi vì tôi nói như thế này, thế kia. Người ta nói tôi đâu có nhớ bác đã nói với tôi như vậy đâu? Tôi nói ‘không nhiều khi bác không nhớ nhưng tôi nhớ cho nên tôi điện thoại tôi xin lỗi’. Thầy rất ngạc nhiên về chuyện bác làm. Đến lúc bác này ra đi, thầy không biết nhưng cháu ngoại của bác nói cho thầy biết. Đến lúc thầy lên Seattle, thầy nói chuyện với cô cháu ngoại và thầy khám phá ra rằng ông ra đi trong giấc ngủ rất nhẹ nhàng, không hề có một sự đau khổ, một tướng trạng gì bệnh hoạn cả. Trước đó một đêm, ông vui cười nói với mọi người ‘Bây giờ chưa tới Tết nhưng mình chúc ly rượu mừng với tất cả bà con’. Rất là đặc biệt. Lời lành bác đã nói đủ rồi, những chuyện gì cần nói đã nói xong rồi, nhất là những lời tha thứ.
Bây giờ có những cái làm cho mình kẹt như là lời hứa. Mình hứa gì mà chưa làm được. Thành ra nếu hứa mà chưa làm được, chỉ có một cách duy nhất thôi là bác nói không can gì, để kiếp sau tôi làm cho, chứ bây giờ bác đã hứa rồi thì làm sao mà nuốt lời được các bác. Cho nên lời hứa là một phiền hà. Bác muốn làm mà giây phút lâm chung sắp tới rồi thì làm sao bác làm? Thì thôi để kiếp sau làm cũng được, không sao. Chỉ có cách là như vậy thôi, mình đã nói rồi thì phải nhớ làm, mình nên nói lần khác để cho dễ dàng, chiếc tàu đã tới rồi thì mình cứ lên tàu mà đi.
Cuối cùng là bàn tay, là sự tha thứ. Việc cần làm tốt thì mình phải làm vì nhiều khi có những chuyện tốt mà mình chưa làm được thì trong lòng cảm thấy áy náy vô cùng, cho nên mình phải làm. Như thầy nói, nhiều khi bác hứa rồi mà không làm thì làm sao bây giờ, cho nên thôi phải chờ chuyến tàu kế tiếp đi, nhưng mình phải có khả năng buông chuyến tàu bên này, buông bờ bên này và mình leo lên tàu qua bờ bên kia.
Đó là nói về triết lý nhưng bây giờ nếu bác có một người thân đang lâm chung thì bác nên hỏi cái gì, nên nói cái gì để cho người đó họ khởi lòng tha thứ, đó là quan trọng nhất. Nhiều khi bác tới bác xin lỗi, bác nói ‘ Má ơi, ngày xưa con có làm chuyện gì, xin má tha thứ cho con ‘. Chuyện đó có thể nhỏ với mình nhưng bà nghe và bà nói ‘ Ô, ta tha thứ cho con ‘. Bà khởi lòng tha thứ rồi thì tâm của bà mở ra, bà rất dễ đi. Mình chỉ làm sao mở được lòng tha thứ cho người lâm chung thôi.
Nhưng mà nhiều khi bà hay ông ở trong coma thì làm sao? Không sao, bác cứ nói đi, tâm thức của người ta vẫn nhận được. Bác xin ‘tha thứ cho con đi, tha thứ cho cháu. Tôi mắc nợ bác bao nhiêu tiền thì xin bác tha cho tôi cái nợ đi’. Bác xin cái nợ đi rồi cái nợ sẽ tha. Nhiều khi bác không thể ngờ được những chuyện đó là những chuyện làm cho người đang bị coma, người đang giây phút lâm chung, họ mở tâm. Nói cách khác, nhiệm vụ của người sống đối với người đang lâm chung là làm sao mở tâm cho người đó để cho họ buông đi, họ có thể tha thứ được, họ có thể cảm nhận được đây là một chuyến đi mở cửa ra chứ họ không quay lại chần chờ nhìn bờ nữa, mà họ nhìn ra chiếc tàu.
Cho nên mình xin người ta, mình xin những người đang lâm chung tha thứ cho mình là chuyện dễ nhất, mau nhất. Chứ nhiều khi mình nói bây giờ anh có chuyện gì chưa finish thì anh nói đi, tôi làm dùm cho, nhiều khi họ không thể nào nghĩ ra được chuyện đó. Thà là mình cứ nói ‘Thôi bây giờ, em xin lỗi anh. Được, những chuyện đó em sẽ làm dùm cho nhưng em xin anh hãy tự tại, anh đừng lo nghĩ nữa, hãy giao chuyện đó cho em đi’. Câu này thường thường là bác nghe nói rất nhiều. Mình lấy trọng trách đó (take on cái burden) tức là mình làm cho người ta buông đi thì thường thường là người ta sẽ buông đi nhưng mình phải chịu là mình nhận gánh nặng đó. Nếu nói buông đi, người ta không buông được đâu, nhưng nếu bác phải dám nhận cái gánh nặng đó thì tức là người ta sẽ ok, tôi buông. Đó là câu chuyện xảy ra, rất thực tế cho nhiều người lắm. Nhiều người không đi được vì họ có những cái rối ren gì đó.
Bây giờ đã hơn 10 phút rồi, thầy kết thúc câu chuyện này bằng một câu chuyện thật mà thầy biết được. Có một bác, bác này không bao giờ gặp người con trai của bác. Không gặp được vì người này, khi lấy vợ, không lấy người bác muốn nên hai bên cắt đứt liên lạc với nhau. Rất nhiều năm không hề gặp lại con trai. Bác rất buồn lòng, nói cách gì thì người con trai cũng không về lại. Dùng tiền, dùng bạc, dùng người thứ ba cũng không được. Lúc lâm chung, bác không đi được, bác chỉ nhớ đứa con trai này thôi. Không đi được vì trong tâm linh của bác, không phải là muốn tha thứ mà muốn xin được tha thứ, xin được chấp nhận, xin được bằng lòng. Người con này nhất định không bằng lòng, nhất định không tha thứ, nhất định không tới. Rốt cuộc rồi người em điện thoại nói ‘Anh không tha thứ cho ba mà bây giờ ba phải ra đi, nước mắt ba không những là chảy ra thôi mà còn chảy ra máu nữa, anh không nên để cho người chết đau khổ, anh chỉ cần nghĩ tới một ý niệm nhỏ thôi là let you do, để cho ba đi, I accept you, con chấp nhận ba. Chỉ xin anh làm một chuyện nhỏ này để cho ba đi thôi. Ông anh này sở dĩ không muốn về là vì người vợ không được chấp nhận. Té ra người vợ khóc, bà cảm thấy là mình đã trả thù như vậy là quá nhiều rồi, bà nói chồng cầm điện thoại nói cho ông đi đi. Ông này mới cầm điện thoại lên, trong lòng cũng không biết là thương hay ghét, nhưng ông cầm lên. Áp điện thoại vô trong tai của người cha, ông nói ‘Dad, I let you do, I let you go, I accept you’, chỉ chừng đó thôi, ông bố tắt thở tức khắc. Khi ông chết rồi, chuyện mầu nhiệm này xảy ra, giống như sợi giây được mở ra, người con bên này khóc oà, vợ ôm chồng nói, thật sự ra, chúng ta nên làm chuyện này từ 5, 7 năm về trước chứ không phải bây giờ. Rất khó mà tha thứ cho nhau khi đã có một sự đau khổ. Khi mà đã có một vết hận rồi thì khó mà tha thứ cho nhau lắm. Người cha cần được sự tha thứ đó nhưng nếu sự tha thứ không có thì cần được sự chấp nhận thôi. Chỉ như vậy thôi. Thì ra chỉ một câu chuyển ngữ, một câu nói nhỏ thôi mà thay đổi cả một cuộc đời, thay đổi cả một hướng đi cho người cha. Các bác có thể tưởng tượng được rằng người cha đã chảy nưóc mắt đỏ là nước mắt máu ra rồi, mà đi được.
Thầy có hai chuyện cũng tương tự như vậy nhưng chuyện này thầy chỉ mới nghe sau này thôi, do một người bạn kể lại cho thầy. Thầy sửng sốt vì thầy thấy té ra trường hợp cha với con không hợp nhau bởi vì con dâu hay bởi vì cái gì đó, té ra những chuyện này xảy ra rất nhiều ở nhiều nơi, không phải là một chuyện gì đặc biệt trong giang hồ.
Bây giờ bài học của chúng ta là những người nằm xuống cần một chuyển ngữ. Chúng ta nên chấp nhận và chúng ta nên bày tỏ tình thương. Đối với các bác trong ban quan hoài là nhiều khi mình quá xa lạ. Nếu mà mình có thể gần gũi với những người lâm chung hơn nữa, khi mình biết người ta có bịnh, biết con đường người ta sẽ tới là con đường chấm dứt cuộc sống để mở một cuộc sống mới, biết họ sẽ ra đi thì mình nên bỏ nhiều thời gian hơn nữa đối với những người đó để giúp cho họ có một chuyển ngữ khi họ ra đi, mình là người giúp cho họ có được sự tha thứ, có được sự buông bỏ, có được sự chấp nhận.
Cuộc sống của mình thành công hay không thành công không phải vì mình giàu sang phú quý mà lúc mình tới trần gian này sung sướng và lúc ra đi mình cũng sung sướng.
Hy vọng rằng bài này sẽ trả lời cho các bác đã hỏi thầy.
Cám ơn các bác đã lắng nghe, chúc các bác một ngày vui vẻ.
Nếu các bác trong vùng OC, thầy mong là các bác có thời giờ đi bồ tát đạo hôm nay và ngày mai là khóa rất hay và đặc biệt để review 2 thủ nhãn rất quan trọng và quan niệm về thủ nhãn là tay cho ra (hợp chưởng) và tay buông đi, là hai tay đầu tiên của chương trình này.
Mong là các bác sẽ ủng hộ và các bác nào có câu hỏi cũng như có chuyện gì muốn nói thì xin các bác không ngần ngại mà viber hay email cho thầy.
Thầy Hằng Trường thuyết giảng
Nhóm Đánh Máy và Phiên Dịch Hội Từ Bi Phụng Sự thực hiện.