Thưa các Bác, lâu rồi Thầy có nói về ông Lawrence Kohlberg, ông này là một người nói về sự phát triển của luân lý, cái quan niệm của luân lý theo từng tầng, từng tầng một.
Từ lúc mình đẻ ra tới lúc mình lớn lên, quan niệm luân lý của mình thay đổi, chứ không giống nhau. Và ông chia ra làm sáu tầng, mà có thể gom lại thành mỗi cụm hai tầng. Mình gọi là PreConventional stage, Conventional stage và Post-Conventional stage của moral development, của sự phát triển luân lý. Về cái tác phẩm và những cái bài này Thầy nói lâu rồi, Thầy chắc có lẽ không muốn nhắc lại, nhưng mà Thầy muốm sử dụng một cách để cho người Phật giáo của mình dễ hiểu hơn và có thể ứng dụng được. Thầy xin nói tới những cái danh từ mà Thầy đặt ra để cho các Bác có thể hiểu được trong cuộc sống tu hành của mình hằng ngày. Nói chung con người của mình nó trải qua bốn tầng văn hóa. Bốn tầng văn hóa này rất ăn khớp với sáu cái quan điểm phát triển luân lý của ông Lawrence Kohlberg.
Văn hóa đầu tiên mình gọi là văn hóa Phục tùng. Văn hóa Phục tùng là văn hóa mà nhiều khi các Bác sống ở Việt Nam và lớn lên, các Bác thấy rõ ràng mình phải nghe lời cha mẹ của mình, mình phải nghe lời trong khuôn khổ rõ ràng, mình không thể nào chống lại. Do đó, khi mình học Phật, những chuyện gì trong kinh điển thì mình cứ nghe và tin một cách tuyệt đối thôi, mình không thể nào thay đổi. Có những bộ kinh nói ra, mình nghe mình sợ luôn, kể lại chuyện địa ngục có con chó sắt phun lửa đỏ, vâng vâng. Mình nghe nhưng mà mình phải phục tùng, chấp nhận thôi; mình không thể nào đi ngược lại. Nhiều khi có những người lạm dụng cái đó để tạo ra những niềm tin gọi là mê tín. Văn hóa Phục tùng nó rất là mạnh, bởi vì mình phải tin tưởng và không thể chống lại, mà những người nói ra những điều đó nhiều khi là những người có uy quyền, có thẩm quyền; và mình không có cơ hội, mình không có cái khả năng để chống lại. Nếu mình chống lại thì bị coi là phản giáo, phản đạo, tà đạo, bất hiếu, hoặc là người lạc quẻ, vâng vâng. Các Bác ở Việt Nam qua bên Mỹ, thì các Bác thấy văn hóa nước Mỹ rất đặc biệt, bởi vì nó cho phép mình đặt câu hỏi, học phải vấn, thì đó là tinh thần rất là cao. Và các Bác thấy nhiều khi một lớp các Bác đi học đó, người mà đặt câu hỏi càng nhiều, càng sâu sắc thì mình biết cái lớp đó trình độ của họ rất là khai mở.
Cho nên văn hóa thứ nhì gọi là văn hóa Khai mở, không phải là mình mê tín, nói gì nghe đó, mà mình phải đặt câu hỏi lại, mình có thể clarify, mình có thể tìm cho ra lý do, chuyện này như thế này, tại sao lại như thế kia. Tại sao có cái địa ngục, địa ngục nằm ở đâu, tại sao có con chó lửa, chó sắt đó; vì sao nó có, ai là con người làm ra con chó sắt đó. Bây giờ mình gọi là AI đó, Artificial Intteligence, con chó đó có phải được sáng chế bởi Steve Jobs hay là Bill Gates, những người mà làm computer hay không? Mình phải đặt những câu hỏi đó. Những câu hỏi đó đặt ra, phải cần câu trả lời. Cái sự vấn đáp của hai bên, đó gọi là văn hóa Khai mở. Người hỏi có quyền hỏi, và người trả lời phải tìm câu trả lời và khi trả lời được thì hai bên đều rất là thoải mái. Thưa các Bác, mình đi từ cái văn hóa Phục tùng, nghe và tin, chứ không được hỏi, tới cái văn hóa Khai mở là cái văn hóa có thể hỏi, có được câu trả lời, nhưng mà kẹt có một cái là nhiều khi mình có câu trả lời và mình tin vào câu trả lời của người đó, và vì vậy cho nên cái óc của mình là cái óc rất lý trí.
Mình không có mê tín nửa, và mình có thể chống lại bất kỳ một cái gì mà không phải lý trí. Từ cái văn hóa Khai mở này, mình thấy là khoa học, triết lý, lý luận, và tâm lý tất cả đều trổi dậy. Nhưng mà các Bác thấy cái đó rất là quan trọng, rất là hay. Con cái của mình bây giờ ở trong cái dạng của văn hóa Khai mở, và nhiều khi các Bác nói nó không nghe. Thí dụ, các Bác bắt nó: “Bây giờ con ra quét nhà đi, nhà dơ con ra quét”, mà nó không chịu quét bởi vì nó không phục tùng mình. Mà tại sao không phục tùng mình, tại vì mình nói nó lúc mà không hợp lý, không hợp tình. Lúc mà nó đang ngồi học bài, mà mình bắt nó đi quét nhà thì đương nhiên là nó sẽ chống lại; và mình gọi nó bất hiếu, vâng vâng. Thật sự ra là nó cần câu trả lời câu hỏi là “Why?”, “Tại sao bắt con đi quét nhà trong lúc mà con đang học bài?” thí dụ như vậy đó các Bác. Cho nên trong cuộc sống của mình, các Bác mà có con cháu 6, 7 tuổi, mười mấy tuổi thì mình cũng nên cẩn thận, bởi vì những câu nói của mình, mình lúc nào cũng phải có câu trả lời là “Why?”, “Tại sao mình nói đó, mình làm đó?”. Nhưng mà cái văn hóa Khai mở đó cũng có một chuyện thiếu sót, bởi vì nó đi vào cái lý trí nhiều quá, nó quên cái tình thương, con tim bị quên lãng đi, cho nên mình cần cái văn hóa thứ ba đó gọi là văn hóa Tình thương.
Văn hóa Tình thương này là văn hóa của con tim, là văn hóa cho biết rằng, ngoài cái sự suy luận lý trí, mình phải nhớ là con tim mình lúc nào nó cũng nói lên một cái điều rất là quan trọng: Cái tình người và mối quan hệ của mình với người khác. Con tim này nó đưa tới những chuyện, mình làm không phải thuộc về lý trí; mà nó vô cùng cao thượng, nó là cái tình thương, nó là cái sự tha thứ, nó là cái niềm tin. Văn hóa Tình thương là văn hóa cũng tạo ra cái niềm tin rất là sâu sắc, cái niềm tin đó không phải là mê tín. Cái tình thương đó không phải là một cái sự ủy mị, không phải là một sự chiếm hữu mà tình thương đó là một sự khai mở của nội tâm, để cho mình lan tỏa một sự ấm áp, một cái quan hoài tới người khác. Thì cái tình thương nó khác hẳn với phục tùng. Trong cái văn hóa Phục tùng, nhiều khi mình rất muốn chiếm hữu người khác; mình dùng cái lòng yêu thương đó để mình chiếm hữu, mình bắt buộc người ta làm cái này cái kia. Cái đó là cả một vấn đề từ từ mình sẽ nghiên cứu nhiều hơn nửa, nhưng mà bây giờ mình biết là có cái văn hóa Phục tùng, văn hóa Khai mở, văn hóa Tình thương. Văn hóa Tình thương này cũng tràn ngập khắp mọi nơi đó các Bác. Trong ngày của mình, thường thường mình biểu hiện những cái văn hóa này rất là rõ ràng, những cái văn hóa này nó overlap với nhau, overlap nghĩa là chồng lên nhau; không phải là cái trước, cái sau, cái cao, cái thấp. Văn hóa Tình thương này cho mình biết là lúc nào mình nghĩ, mình làm cái chuyện gì đó thì tình thương cũng đứng đầu cả, nó là cái động cơ để mình làm; chứ không phải là lý trí mà thôi. Nhiều khi lý trí mình biết chuyện đó là đúng, nhưng mà nhiều khi tình thương nó thôi thúc, nó đẩy mình phải làm cái chuyện đó. Tình thương nó không có cái bóng dáng của dục vọng, nó không phải là sự chiếm hữu mà nó lúc nào cũng là sự chia sẽ, sự cho ra. Các Bác biết là cái tình thương nó sẽ làm cho mình healing, tức là nó lành trị những cái độc ác, những cái ghen tuông, những cái dữ dằn, những cái cố chấp của cái văn hóa Phục tùng và cả văn hóa Khai mở. Cái văn hóa đầy lý trí đó, mình phải cẩn thận.
Cuối cùng cả, đó là văn hóa Giác ngộ. Thế nào là văn hóa Giác ngộ? Văn hóa Giác ngộ là văn hóa có thể biết sử dụng Tình thương và Khai mở, cũng như Phục tùng đúng lúc đúng thời. Tại vì văn hóa Giác ngộ để cho mình không ngừng tiến lên, cái tâm của mình không ngừng mở ra cái Chân, Thiện, Mỹ. Lúc nào mình cũng có được cái lòng từ bi, lúc nào mình phải sử dụng cái lòng từ bi đó ở lúc nào, chỗ nào. Và cuối cùng, văn hóa Giác ngộ đem lại cái sự lành trị cho cái môi trường sống bên ngoài, không phải là đi phá hoại cái môi trường sống. Văn hóa Giác ngộ nó lành trị cái quan hệ của mình và những người xung quanh, nó không phá hoại. Cái văn hóa Giác ngộ nó rất là hay, bởi vì nó biết sử dụng tình thương, sử dụng cái lý trí, sự khai mở, biết mở người khác, và biết lúc nào nên phục tùng, chớ còn không thì cái bản ngã của mình đó, nó mạnh lắm. Cho nên văn hóa Giác ngộ thường thường đưa tới cái cảnh giới cuối cùng cả, là cái sự vô ngã. Bốn cái văn hóa mà Thầy nói đến đó, chỉ là một cách khác để Thầy tổng hợp lại và cũng như là trình bày cái quan điểm mà sáu cái tầng tâm thức luân lý của ông Lawrence Kohlberg. Mà mình làm sao cho người Phật giáo của mình dễ hiểu, dể thấy được; và mình biết rằng là mình không ngừng thay đổi, và không ngừng an trụ trong văn hóa tình thương và văn hóa Giác ngộ; và nhiều khi văn hóa Khai mở là mình dựa vào nó, nhưng không thể quên rằng nếu mà mình khai mở mà không có tình thương không được, mà nếu mà có tình thương mà mình thiếu khai mở thì cũng không xong. Cho nên chỉ có cái văn hóa Giác ngộ là văn hóa mình sử dụng hết tất cả: Phục tùng, Khai mở và Tình thương. Cám ơn các Bác đã lắng nghe cái bài Cà phê Pháp sáng nay. Chúc các Bác vui và tỉnh.
Thầy Hằng Trường thuyết giảng
Nhóm Đánh Máy và Phiên Dịch Hội Từ Bi Phụng Sự thực hiện.