17. Pháp Xuất Tục Nhập Thế

Thưa các bác, các anh chị có người hỏi rằng:

‘Thầy Hằng Trường có phải là một chi nhánh của Pháp Luân Công hay không?’

Thì thầy xin trả lời rằng: ‘Không, có lẽ đây là một sự hiểu lầm rất lớn, có lẽ là bởi vì có người nghĩ rằng thầy Hằng Trường dạy một pháp môn tà đạo, thì thầy xin trả lời dứt khoát là không phải’.

Như vậy thì thầy Hằng Trường dạy pháp gì thưa các bác?

– Thầy là đệ tử của Hòa Thượng Tuyên Hóa. Ngài thuộc về dòng gọi là dòng Quy Ngưỡng. Dòng Quy Ngưỡng là dòng được truyền lại từ Ngài Huệ Năng, ngài Quy Sơn Linh Hựu và ngài Ngưỡng Sơn Huệ Tịch. Dòng Quy Ngưỡng này đúng ra được người ta gọi là dòng thiền nhưng thật sự Hòa Thượng Tuyên Hóa dạy cho thầy chủ yếu nhất là pháp tu Chú Đại Bi và pháp Tứ Thập Nhị Thủ Nhãn. Đó là pháp truyền thừa rất quan trọng của phật giáo, của Đại Thừa phật giáo, là phương pháp của đức Quán Thế Âm bồ tát.

Lúc thầy còn trẻ, thầy học thiền theo sự chỉ dẫn của HT Tuyên Hóa. Đến năm 1992, 93, 94, thầy có 3 năm nhập thất và thầy học thuộc lòng Kinh Hoa Nghiêm. Hồi đó, Hòa Thượng nói thầy tiếp tục học cho thuộc lòng và phát triển triết lý cũng như là giáo pháp của Kinh Hoa Nghiêm. Ngài nói thầy hãy dùng Kinh Hoa Nghiêm này như một môn triết học quan trọng nhất để đi dạy đạo.

Cho nên từ đó, thầy chuyên nghiên cứu, không những là giáo lý, mà còn thực hành, tu hành theo những lời chỉ dạy trong kinh Hoa Nghiêm. Năm 1999, 2000, 2001, thầy nhập thất lần thứ 2 và thầy nghiên cứu phần còn lại của kinh Hoa Nghiêm cũng như là áp dụng sự tu hành theo triết lý của kinh Hoa Nghiêm trong những năm đó.

Vì thế, cho nên, tuy nói là thầy thuộc về dòng thiền nhưng thầy còn nghiên cứu và phát triển giáo pháp của kinh Hoa Nghiêm. Từ năm 2000, thầy viết sách và chú giải. Cuốn quan trọng nhất là ‘Đại Cương kinh Hoa Nghiêm’ và rồi ‘Phẩm Tịnh Hạnh’ và ‘Phẩm Hiền Thủ’ là những phẩm đầu tiên mà thầy dịch ra, nghiên cứu và phát triển. Sau này thầy viết lại, dịch lại Phẩm Tịnh Hạnh, Phẩm Hiền Thủ và Ly Thế Gian Phẩm là những phẩm rất quan trọng trong sự tu hành của thầy.

Đó chứng minh rằng thầy không phải thuộc về chi nhánh Luân Công mà đúng ra, như thầy đã nói, là thầy xuất thân từ dòng thiền Quy Ngưỡng, nhưng tu hành theo sự hướng dẫn cũng như theo đúng lời của Kinh Hoa Nghiêm.

Không những vậy, thầy còn tu theo pháp Thiên Thủ Thiên Nhãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni. Đó là pháp môn chính của thầy tu. HT Tuyên Hóa có một pháp môn rất độc đáo là trong Chú Đại Bi, có pháp tu Tứ Thập Nhị Thủ Nhãn là cách làm sao để mà nhập thế, để mà phát triển 42 phương thức, phương tiện để cứu độ chúng sinh, là 42 cách nhìn, mà mình gọi là phương tiện nhìn xuyên suốt vũ trụ trần gian này. Cho nên mới gọi là Thủ Nhãn. Thủ là phương tiện, Nhãn là trí huệ. Thủ Nhãn: Trí huệ phương tiện.

Đó là sở trường cũng như là cái mà thầy đã bỏ ra rất là nhiều năm tháng để tu hành. Cho nên đó là hoàn toàn không dính tới pháp Luân Công.

Có người còn nghĩ là: như vậy có phải là thầy chuyên môn dạy mở luân xa hay không? thì thật là không.

Chuyện mở luân xa là chuyện người ta nói thầy, nhưng thật sự là một sự hiểu lầm rất lớn. Ngày xưa, khi mà thầy nghiên cứu kinh điển, thầy khám phá ra là chữ luân xa (chakra) là từ bên Ấn Độ, cho đến khi qua Trung Hoa, chữ đó không được thông dụng. Phương pháp tu hành bên Yoga, người ta tu để phát triển những trung tâm năng lượng, chuyển hóa những trung tâm năng lượng của dục vọng, trung tâm năng lượng tâm lý, trí thức, thành ra trung tâm năng lượng của tâm linh, thì gọi là chakras. Trong nhà Phật, người ta gọi đó là thiên diệp bảo liên, phát triển hoa sen ngàn cánh trên đỉnh đầu của mình.

Thầy dựa vào tinh thần đó để giải thích cho bà con nào mà hay đi mở luân xa thì đừng nên đi mở luân xa, coi chừng mà đi vào con đường tà đạo. Nhưng mà nhiều người vẫn nghĩ rằng thầy đi dạy mở luân xa. Không, thầy không dạy mở luân xa. Thầy nói cho rõ ràng về tính chất, đặc tính, ý nghĩa, cách tu tập của từng trung tâm năng lượng đó. Nhưng mà, rốt cuộc rồi thầy lại đưa vào phương thức làm sao mà mình phải có đạo đức, mình phải có trí huệ, mình phải có lòng từ bi để mà tu tập. Thầy không tin rằng có một người nào tới mở luân xa cho mình thì phương pháp đó là chính đạo. Không thể có. Đức Phật không ai mở luân xa cho ngài cả. Ngài chỉ tự mình tu tập. Cái đó thầy xin đính chính việc nhiều khi thiên hạ nói là thầy dạy mở luân xa. Không phải vậy.

Trong quá trình tu hành, triết lý về luân xa, khi qua tới bên Trung Hoa thì biến mất. Lý do là bởi vì bên tàu, họ đã có một truyền thống tu tập gọi là luyện tinh hóa khí, luyện khí hóa thần, luyện thần nhập hư rất là mạnh mẽ rồi, cho nên họ không muốn đem phương pháp của người Ấn Độ, của người Tây Vực đem qua để vào Trung Nguyên mà tu tập được.

Đó là hai truyền thống tu hành khác nhau. Vì vậy cho nên mình không thấy người Trung Hoa dùng phương pháp gọi là khai triển trung tâm năng lượng như là bên Ấn Độ. Ngược lại, người Trung Hoa dùng phương pháp tiểu châu thiên, đại châu thiên. Chính bản thân của thầy, tuy là người phật giáo nhưng mà thầy cũng biết phương pháp tiểu châu thiên vì chính HT Tuyên Hóa là người Trung Hoa, ngài rất rành phương pháp này và ngài chỉ cho thầy làm sao tu tập như là một phương pháp dưỡng sinh. Không bao giờ mà ngài nói đây là phương pháp để đạt tới sự giác ngộ cả. Không, Ngài nói đây là một phương pháp rất quan trọng cho người tu. Bởi vì người tu luyện một mình ở trên núi hay ở một chỗ nào đó thì làm sao mà dưỡng sinh? -thì luyện tập hít thở theo vòng tiểu châu thiên. Đó chỉ là một phương pháp để cho thân thể khỏe mà thôi.

Hiểu như vậy rồi, biết rằng thầy không đi dạy những phương pháp không thuộc về kinh điển của nhà Phật, thí dụ như pháp Luân Công, không thuộc về kinh điển của nhà Phật; thầy cũng không dạy phương pháp mở luân xa, đưa tới chuyện phải dựa vào một người nào đó để mà mở luân xa cho mình. Không có.

Thầy chỉ dựa vào kinh điển, dựa vào pháp cổ truyện từ ngàn năm nay, gọi là Chú Đại Bi. Như thế thì triết lý của thầy Hằng Trường tóm tắt như thế nào?

– Thưa các bác, tóm tắt bằng 4 chữ: Xuất Tục, Nhập Thế.

Xuất Tục là triết lý tuyệt vời của Kinh hoa Nghiêm, làm cho mình ra khỏi trần tục, ra khỏi bụi bặm của trần gian. Triết lý đó làm cho mình có thể thăng hóa lên, mở ra tâm vị tha, tâm vô ngã và tới được chân lý, cũng như là chân tâm bất nhị của mình. Con đường đó gọi là con đường xuất tục, ly thế gian.

Thế nào là con đường Nhập Thế? – Con đường Nhập Thế là con đường mà mình dùng lòng từ bi, dùng lòng tha thứ để đi vào trong đời, làm sao để chuyển hóa tất cả những người đang đau khổ.

Do đó, con đường tu của thầy thì thầy sử dụng Chú Đại Bi, 42 thủ nhãn để làm sao cho những người chung quanh mình cảm thấy lòng từ bi, cảm thầy rằng mình cũng sẽ không ngừng phải thay đổi, không ngừng phải cải thiện, không ngừng mở ra lòng từ bi bởi vì cuộc sống có quá nhiều đau khổ, không một người nào mà không làm lỗi cả. Bây giờ mình phải làm sao vượt ra khổ sự lầm lỗi, vượt ra ngoài sự đau khổ, vượt ra ngoài những cái làm cho mình bị kẹt. Thì con đường đó gọi là con đường Nhập Thế.

Bởi vậy cho nên pháp của thầy chỉ gồm có 4 chữ thôi, là Xuất Tục, Nhập Thế, và chắc chắn là không dính dáng gì đến pháp Luân Công, cũng không dính dáng gì tới sự mà mình gọi là mở luân xa hay là nhân điện gì cả. Xin các bác hiểu dùm. Cám ơn các bác đã lắng nghe bài Cà Phê Pháp hôm nay. Xin tất cả đều vui và đều tỉnh ngủ.

Thầy Hằng Trường thuyết giảng
Nhóm Đánh Máy và Phiên Dịch Hội Từ Bi Phụng Sự thực hiện.