Good morning các bác, các anh chị. Đây là Dharma Expresso cho sáng nay. Ngày hôm qua mình đã nói: ‘Thành kiến sống dai hơn chánh kiến’. Nói ngược lại, chánh kiến chết mau hơn thành kiến.
Thành kiến là một kiến giải, một cái nhìn. Lúc mới bắt đầu thì mình dùng rất nhiều năng lượng để tạo ra nó. Nhưng sau khi đã có rồi, mình lập đi lập lại suy tư đó, lập đi lập lại cái nhìn và quan điểm đó rồi thì tự nhiên không cần nhiều năng lượng nữa. Thành ra mình làm ra những thành kiến của mình là vì mình xử dụng rất ít năng lượng suy tư.
Cho nên, chánh kiến lúc đầu cũng khó để xây dựng được. Bởi vì nếu muốn ý niệm của chánh kiến khởi lên, phải cần rất nhiều năng lượng. Năng lượng của chánh kiến phải overcome, phải vượt ra ngoài sức mạnh của thành kiến là một, hai là khi đã vượt ra ngoài rồi, tự nó phải đứng vững nữa. Thành ra nhiều khi chánh kiến cần nhiều năng lượng hơn thành kiến kinh khủng.
Thầy cho các bác một thí dụ. Có một người làm mình mất mặt, làm cho mình tức giận. Người đó đã làm mình đau nhói một lần rồi thì mình nhìn người đó như là một kẻ thù hoặc là mình nhìn người đó như là một người mà mình phải đánh lại, người đó không tốt với mình. Mình bắt đầu có những định luận khác, người đó không tốt, người đó chơi mình, người đó muốn phá mình v.v…Những suy nghĩ đó gọi là thành kiến, nó từ từ được xây dựng. Những thành kiến đó được xây dựng trên cảm xúc là mình bị đau nhói, mình tức, mình bực. Cho nên những thành kiến cho là người này là xấu là ác được xây dựng trên những cái đau nhói đó.
Lúc đầu mình không để ý, nó cứ vào trong đó, nằm trong đó. Lần sau mình gặp lại người đó, mình dễ dàng thấy người đó là kẻ ác, kẻ xấu. Về sau, vài ba lần đụng độ, cứ mỗi lần đụng độ thì cái nhìn của mình về người đó càng ngày càng rõ ràng hơn, thật sự là họ xấu, họ đúng như là người không thay đổi gì cả. Người đó đúng, quả thật là một kẻ ác, xấu. Và mình bắt đầu thấy họ có những thói quen của họ là xấu, thấy những chuyện mà họ làm quả là họ không thay đổi gì cả, mình bắt đầu thấy họ quả là kẻ xấu, kẻ ác. Một người có định luận đó, cảm nhận và ý tưởng đó phát ra, được xây dựng lên từ chỗ mà mình bị đau nhói, bị người ta phê bình, bi người ta chửi mắng một lần.
Nhưng mà định luận đó từ từ thành cái thành kiến. Người đó đi với người nào, nói với ai, mình bắt đầu bung ra hết, nói cho mình hả giận. Nói như vậy để cho mình càng cảm thấy là mình đúng hơn. Đó là mình bị kẹt trong thành kiến. Cho dù là người đó có sửa đổi gì đi nữa, tới xin lỗi mình cũng khó mà xây dựng lại một cái nhìn mới về người đó. Phải trong nhiều năm nhiều tháng, nếu người đó mà không xin lỗi, người đó phải có một hành động gì khác, hoặc là họ đã sửa lại rồi, hoặc là họ đã có tới xin lỗi mình rồi, hoặc là họ có làm chuyện gì tốt trong xã hội, làm cái chi đi nữa thì mình cũng khó mà thay đổi cái nhìn, khó mà xây dựng chính kiến. Có người nào nói tốt cho họ thì mình cũng ừ, ừ, mình ok, nhưng mà trong lòng mình cảm thấy xốn xốn làm sao, mình không thể nào mà mình có thể không nghĩ là họ xấu. Rồi mình ngồi đó tìm cách để mà mình nói những chuyện đi ngược lại với câu chuyện mà người kia khen kẻ thù của mình. Do đó, năng lượng tạo ra chính kiến rất khó xây dựng. Năng lượng của thành kiến đã có sẵn rồi, đã ăn sâu, đã dính ở đó rồi. Mình đập nó cũng không bể, nó cứ từ từ dính vô, ăn sâu vô trong người. Và từ từ con người mình trở thành con người đầy thành kiến mà mình không biết.
Khi Đức Phật nói giải thoát, thì mình đừng nghĩ gì xa xôi như là lên Cực Lạc hay là lên cái chỗ mà mình gọi là đầy quang minh sáng suốt, không phải đâu, mà mình phải phá thành kiến, thành đồ mà mình xây ra.
Cái nhà của mình lúc nào cũng trống trải, rộng rãi vô cùng. Bây giờ mình đem một đống đồ để ở đó rồi là nó ở đó hoài, không đi đâu cả. Một người mà mình mời vô trong nhà mình rồi, cho họ phòng để ngủ, cho họ ăn uống rồi là nhiều khi họ không muốn đi đâu cả. Đồ đạc gì mình mua vào, mình phải biết là đồ đó mình dùng tạm thôi không? – Không, mình mua vào và nghĩ là của mình và mình giữ nó vĩnh viễn thôi. Và đó là những cái, không những chỉ là thành kiến, mà là những cái làm cho cuộc sống của mình càng nặng nề, không thể tự do được. Nhà của mình, phòng của mình, đáng lẽ là trống trải, bây giờ lại đầy rác cả. Một hồi rồi, quá quen thuộc, mình không nghĩ là mình phải vứt, phải đá nó ra, vất nó đi, không, mình quen giữ nó rồi. Nhiều cái thành kiến mình thấy nó nằm chình ình trước mặt mình, người ta thấy rõ ràng là mình có thái độ không tốt với người kia nhưng mà họ nói mà mình vẫn không nghe được, mình cứ giữ thành kiến đó hoài từ năm này qua năm khác, đến lúc mình lớn, tuổi đã già rồi, thì những thành kiến nặng quá, trở thành những nếp nhăn trên mình mà mình cũng không làm sao trừ được. Thành ra, từ từ cuộc sống của mình nặng nề lắm các bác. Thành kiến làm mình nặng nề lắm.
Cho nên là mình phải làm sao từ từ nhận ra những thành kiến của mình, nhận ra những quan điểm sai lầm của mình và mình buông từ từ thôi, chứ không cách gì một ngày mà buông hết được cả. Hành động buông từ từ đó là một hành động rất là vĩ đại, đó là hành động của sự giải thoát. Buông là giải thoát.
Tạo ra chính kiến cũng mất nhiều năng lượng, từ từ rồi mình làm cái đó nhưng mà mình nên bằt đầu từ một chỗ nào đó đi. Cho nên có lẽ mình nên bắt đầu bằng cái tâm của mình nhói lên khi mình nói về một người nào đó. Mình khó chịu, mình nhói lên. Điểm nhói đó là điểm mà mình nên bắt đầu, mình biết là mình nên làm sao thay đổi quan niệm của mình về người đó. Bởi vì tất cả chúng sinh, ai cũng có thể thay đổi cả. Nếu họ không thay đổi thì mình cũng nên chấp nhận, sự chấp nhận đó đưa tới là mình chấp nhận là mình cũng sai lầm đi chứ không phải lúc nào mình cũng nghĩ là mình đúng cả.
Cám ơn các bác đã lắng nghe Dharma Expresso của ngày hôm nay, thầy chúc các bác một ngày vui vẻ.
(Trích ra từ bài giảng Dharma Espresso ngày 5 tháng 9 năm 2017)
Nhóm Đánh Máy và Phiên Dịch Hội Từ Bi Phụng Sự thực hiện.