Đây là Dharma Expresso của ngày thứ Hai này. Tuần vừa rồi, mình có một khóa tu bồ tát đạo và mình đang nói tới phần rất là khó khăn, đó là phần thực tập. Cho nên, tuần rồi, trong khóa bồ tát đạo là khóa nói về 6 tay của đức Quán Thế Âm bồ tát. Nói về phần thực hành thôi, chứ không nói về phần lý thuyết nhiều. Và 160 người, chỉ ở trong phòng thôi, không đi đâu cả và tu rất là tinh tấn.
Thưa các bác, chủ đề tu là làm sao chuyển hóa mình, là người phàm phu thành ra hóa thân của đức Quán Thế Âm bồ tát. Chủ đề đó, tuy là nói như vậy như không phải dễ, một ngày một đêm là làm được liền.
Có người hỏi thầy: ‘Dạ thưa thầy, thầy thấy là con tu bao nhiêu ngày, bao nhiêu tháng, bao nhiêu năm thì thầy thấy là con có thể chuyển hóa thành một vị hóa thân của đức Quán Thế Âm bồ tát?’ Bác này vừa hỏi vừa cười, lẽ đương nhiên là bác hỏi chơi như vậy thôi chứ đâu phải là thiệt đâu. Nhưng thầy cũng trả lời thiệt. Thầy nói ‘Thưa bác, cái khó nhất là làm sao mà mình thay đổi được tập quán, thói quen sống hằng ngày của mình, và rồi thay đổi thành kiến, tức là cách nhìn của mình. Bởi vì tu là thay đổi cái nhìn và thay đổi lối sống. Mà muốn thay đổi lối sống mà không thay đổi cái nhìn là không được. Cho nên, khi bác đi học Lục Tý, hay là ngày hôm nay, khi mà mình bắt đầu chương trình tu ở Santa Barbara, là mình phải thay đổi về cái nhìn trước, rồi tới thay đổi những tập quán và thói quen của mình.
Thầy có một câu, mời các bác nghe và xin các bác nhớ dùm: ‘Thành kiến thì sống dai hơn chánh kiến’. Thành kiến là những ý niệm, những quan điểm, những suy nghĩ bất chợt trong đầu của mình, trong não của mình, rất khó để cho mình đập phá nó được. Bởi vì nếu mà bác nhìn ra, thành kiến đúng là con mắt, mà mình theo đó mình nhìn ra, cho nên mình sẽ không bao giờ thấy được cái thành kiến. Cái gì mình cũng nhìn theo thành kiến, cũng dựa theo thành kiến. Giống như là một chiếc xe chạy tới, trên con đường của chiếc xe đi, con đường đó là thành kiến của mình. Cho nên mình nhìn vào con đường nhưng mà mình vẫn tiếp tục đi, mình không thể nào phá con đường đó được. Thành kiến là fondation, tức là chỗ để cho mình dựa theo đó mà mình nhìn ra. Cho nên mình thường hay nói câu ‘mình có điểm mù’ là vậy đó. Thành kiến là điểm mù lớn của mình.
Chánh kiến là gì? – Chánh kiến là cái nhìn mới, nhìn theo cách của Phật nhìn, nhìn theo cái nhìn của người đã giác ngộ rồi. Chánh kiến là cái nhìn của Phật pháp, là cái nhìn rất là quan trọng trong cuộc sống, là sửa đổi làm sao để cái nhìn của mình càng ngày càng đẹp hơn. Cho nên, trong bát chánh đạo thì chánh kiến đứng đầu, đứng đầu trong tám điều là chánh kiến, chánh tư duy v.v…Chánh kiến quan trọng lắm nhưng nó không dễ dàng gì để cho mình được nhìn thấy. Nhiều khi mình nhìn thấy nhưng mà nó chết rất là mau bởi vì thành kiến nó sống dai lắm.
Nhiều thành kiến rất lâu. Thí dụ như mình ghét một người nào rồi thì đố mà mình có thể mau chóng thay đổi quan niệm về người đó nếu mà mình không tiếp xúc và thấy cuộc sống của người đó. Hồi xưa, thầy rất ghét con chó Bulldog bởi vì con chó đó nó cắn một con gà trong vườn Hoa Nghiêm, chỗ thầy nhập thất, và mình coi sách từ nhỏ thấy ôi trời ơi, khuôn mặt gì mà xấu xa vậy? Nhưng cách đây vài năm, con chó Bulldog, khi nó bị thương, thì trời ơi nước mắt nó chảy ra, trào ra tội nghiệp vô cùng, làm cho thầy cảm thấy té ra chó cũng như người vậy, chẳng khác nhau. Không phải con chó nào cũng giống nhau, không thể vơ đũa cả nắm được. Nhiều khi mình phải thấy để mà thay đổi quan niệm. Có nhiều người sợ chó lắm, hễ nghe chó sủa là đã sợ rồi, không hề dám đụng nó. Thầy hồi xưa cũng vậy, không hề dám lấy tay vuốt đầu nó. Nhưng từ từ mới thấy thì ra chỉ là thành kiến. Vuốt đầu chó mới thấy nó liếm tay mình, thấy nó gần gũi với mình thì tự nhiên mình mất đi thành kiến về nó. Cũng vậy, với con người, thành kiến của mình với một người khác nhiều khi mạnh lắm, nhiều khi mình chẳng thể nào thay đổi thành kiến cho đến khi mình tiếp xúc với người đó. Nhiều khi người đó lại là người sau này sẽ cứu mình nữa thì mình nghĩ sao?
Thưa các bác, bồ tát là làm cho người ta thực tỉnh, nhiều khi chúng ta gặp những người mình ghét nhất lại là những người có thể là hóa thân của đức Quán Thế Âm bồ tát thì sao? Nói như thế có nghĩa rằng, những người mình ghét nhất có lẽ là chính mình và mình phải chấp nhận mình, làm sao để cho mình thay đổi, trở thành một người dễ thương giống như đức Quán Thế Âm bồ tát.
Trong chuyện chuyển hóa mình thành đức Quán Thế Âm bồ tát là làm sao chuyển hóa cái tánh dễ ghét của mình từ từ biến mất, thành tánh dễ thương hơn, cái tánh khó chịu của mình càng ngày càng bớt đi để mình dễ chịu hơn, cái tánh lúc nào cũng làm cho người ta khó thở, nghẹt thở, từ từ lúc nào mình cũng làm cho người ta thấy dễ thở hơn, cái tánh tình lúc nào cũng khó dạy, mất dạy, nói những lời xấc xược, đau đớn thì từ từ mình càng lúc càng dễ dạy hơn, để càng lúc càng làm cho người ta cảm thấy là nói với mình thì người ta cảm thấy là mình dễ dạy, nói được, chấp nhận được lời người ta hơn.
Chuyện thay đổi đó rất là quan trọng. Có nhiều người rất dễ đóng, nói một câu là lẫy, nói một câu là giận, bỏ ra không chịu chơi nữa, nhưng mà rồi từ từ làm sao để mà mình rất là dễ mở, dễ cởi mở. Chỉ cần người ta nói một câu xin lỗi là mình mở. Nhiều khi cũng không cần người ta xin lỗi nữa, mình ngủ một giấc là ngày hôm sau là mình thay đổi cái nhìn liền, mình dễ mở lắm. Hoặc là nhiều khi mình trở nên là lúc nào mình cũng khiêm nhường cả. Đừng quá kiêu ngạo, lúc nào cũng nghĩ mình là ngon lành, mình làm chức vụ này, chức vụ kia.
Thành ra là mình phải thay đổi, thay đổi cái chi? – Thay đổi sự nhận định về chính mình. Sự nhận định về chính mình gọi là thành kiến. Thành kiến lúc nào mình cũng tốt hơn người khác, lúc nào mình cũng…oh là la! Đó là công tác không phải của một người mà nhiều khi cả tập thể của mình cũng nên thay đổi. Lúc nào mình cũng không ngừng có cái nhìn mới và lúc nào mình cũng nên khiêm nhường, cả tập thể luôn chứ không phải là một người. Đó là chính cái điều hay nhất của trong cuộc sống, là sự không ngừng biết được điểm mù và biết được thành kiến. Chúng ta thay đổi như vậy gọi là mình tu tập theo chính kiến.
Cám ơn các bác đã lắng nghe Dharma Expresso ngày hôm nay và chúc các bác một ngày êm đẹp vô cùng.
(Trích ra từ bài giảng Dharma Espresso ngày 4 tháng 9 năm 2017)
Nhóm Đánh Máy và Phiên Dịch Hội Từ Bi Phụng Sự thực hiện.