Good morning các bác các anh chị, đây là Dharma Espresso cho ngày hôm nay.
Chúng ta đang học về Tay Cho Ra là cái tay lúc nào cũng nghĩ tới sự biết ơn của mình đối với người, và lúc nào cũng sẵn sàng cho ra, chẳng hạn như một lời nói, một nụ cười… mình đều tìm cách để cho ra. Mình phải nghĩ cuộc sống của mình là cuộc sống để hiến dâng, để cho ra. Thứ nhì là Tay Buông đi, với tay này thì mình cần phải thấy được những chuyện mình chấp, mình cột, mình cứng, mình nên buông ra. Vì nhiều khi tự mình, mình không biết buông đi chuyện của chính mình, mình chỉ nói chuyện thiên hạ. Cho nên nhiều khi phải biết buông những chuyện làm cho mình nặng nề đau khổ. Thứ ba là Tay Xoa Dịu. Không những mình xoa dịu chính mình mà còn xoa dịu cho người khác nữa. Những người xung quanh mình nhiều khi có nhiều sự đau khổ hơn mình tưởng, nhưng vì họ không nói ra, nên mình không biết. Khi các Bác đi sâu vào, Bác mới thấy số người cần sự xoa dịu của Bác nhiều vô số, vô biên. Người nào cũng có chuyện trong lòng cả, nhưng mình có đủ sự tín nhiệm của người ta để người ta mở tâm nói chuyện với mình hay không? Hay là mình lúc nào cũng đóng vai trò cảnh sát, đi rình bắt, đi giết những người phạm tội, phạm giới, phạm lỗi. Mình không chịu lắng nghe nỗi khổ của những người mà lúc nào cũng có nhiều sự ray rức trong lòng, không biết nói với ai. Cho nên mình đừng đóng vai trò cảnh sát, mà nên đóng vai trò Bồ tát, lúc nào cũng tìm cách xoa dịu. Với những người đau khổ, mình đừng nên lên thiên đàng, đừng nên lúc nào cũng đứng ở trên để phán đoán định luận và đây là sự bắt đầu của Tay Xoa Dịu đó các Bác.
Về Tay Gỡ Rối cũng hay lắm, gỡ rối là bắt đầu từ trong đầu, trong não của mình chứ không ở đâu khác. Muốn gỡ rối đầu não của mình, thì phải gỡ rối từ thân xác trước, tức là ngày nào mình cũng phải ăn uống đàng hoàng, nhẹ nhàng, đừng có ăn quá nặng nề. Sư phụ Thầy luôn luôn nói mình ăn 80% thôi, đừng có ăn quá nhiều. Và nên thể dục, thể thao hằng ngày thì rất tốt, nhất là tập Tai chi. Tai chi làm cho người mềm dẻo và lâu dài. Mình có thể tập từ nhỏ đến già, 80, 90 tuổi, vẫn tập được, vì đó là một phương thức làm cho năng lượng chạy khắp người, nhẹ nhàng vô cùng. Mình sẽ cảm thấy tay chân, tất cả mọi thứ rất là dẻo dai. Sự tập luyện thể dục làm cho bắp thịt cứng, tốt, và săn lại làm cho não của mình cũng tốt nữa. Não mình sinh ra rắc rối là bởi vì bình thường mình hay nghĩ chuyện tiêu cực. Mình có những chuyện cứ để trong đầu hoài, không thể nào buông được cả; những chuyện tiêu cực đó cứ tiếp tục, dồn dập; hết người này đến người khác, hết chuyện này đến chuyện khác, mình không buông được.
Cho nên muốn cho não tốt thì mình phải ngừng nói những chuyện tiêu cực, những chuyện mình biết rằng nó chỉ sách động người ta thêm tức, thêm giận, thêm buồn, thêm tủi, thêm hận, thêm thù mà không có gì hay cả. Thầy hay buồn cười là vì có người gửi email cho Thầy, lúc nào họ cũng đứng trong vai trò họ là đúng cả, nhưng họ không biết rằng họ cũng đau khổ vô cùng khi họ chỉ nói toàn chuyện tiêu cực. Vì đó giống như là mình đi giặt quần áo giùm người ta, chính mình là kẻ đau khổ chứ không phải ai đau khổ cả. Sư phụ Thầy thường hay nói, phải ngừng nói những chuyện tiêu cực, nhìn vào chính mình và lo giặt quần áo mình trước đã.
Cho nên sự gỡ rối bắt đầu từ sự tỉnh thức của chính mình, từ từ tìm cách để cho mình bớt tiêu cực, và càng ngày mình càng thêm tích cực và đó là phần rất quan trọng trong việc gỡ rối.
Có một Bác hỏi Thầy: “Thưa Thầy, hôm qua Thầy nói về cách làm sao để mình thấy mọi chuyện như là mây bay, đừng có khởi tâm lúc mình thiền xuất tục, con chưa hiểu”. Thầy tin là vì thầy nói tiếng Huế và nói nhanh quá, nhiều khi các Bác nghe không kịp. Để Thầy nói lại, xuất có nghĩa là đi ra khỏi, tục có nghĩa là những thứ trần tục, trần gian như tham, sân, si, mạn, nghi, tà, kiến, kiêu ngạo, giận lẫy, hờn, thù v.v… Thành ra xuất tục là ra khỏi những thứ làm cho mình ở trong bóng tối. Bóng tối là gì? Bóng tối tức là tham, sân, si, mạn, nghi, tà, kiến, những ghen tuông, giận lẫy, tủi thân v.v…
Muốn ra khỏi bóng tối, thì từ ngàn xưa đến nay, tổ sư đều dạy một điều rất quan trọng, là mình hãy lúc nào cũng giữ mình ở trong ánh sáng, bằng cách là chứng tri (witness). Khi họ ngồi thiền, họ nhắm mắt lại, họ để tư tưởng, tình cảm, tất cả những chuyện gì khởi lên trong lòng, họ cứ để yên, họ không động đậy, không nhìn tới, không interact gì cả. Thì tự nhiên những chuyện đó từ từ lắng xuống, và biến mất. Rất là giản dị, không có chuyện gì khác hơn cả. Khi nào họ lắng xuống thì lúc nào tâm họ cũng vẫn thanh tịnh và sáng suốt. Đây là đặc tính rất quan trọng của chuyện tu thiền. Lúc ngồi thiền thì mình sáng suốt vô cùng, chuyện đến rồi đi, mặc kệ; và nhiều khi Bác không phải chỉ thấy thôi, Bác còn nghe được chuyện này, chuyện kia, rất rõ ràng, lỗ tai mình giống như lỗ tai thần vậy đó. Nhưng Bác cũng phải buông đi, Bác cũng để tiếng nó tới, và tiếng nó biến mất đi, Bác không chạy theo tiếng đó mà suy luận. Không những mình thấy, mình nghe, mà có khi Bác còn ngửi nữa. Mũi ngửi mùi kinh khủng, có những mùi thơm, tinh vi vô cùng, mình cũng phải để nó xông lên rồi nó biến mất đi. Nhiều khi không phải chỉ 5, 10 phút rồi biến mất, mà nó nằm đó cả giờ đông hồ, mặc kệ, các Bác cứ ngồi tỉnh bơ, từ từ tất cả đều lắng, tại vì mây tới thì mây phải đi.
Năm tầng mây: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức Sắc – cảm xúc của thân xác, Thọ – cảm tình, vui, buồn, giận hờn này nọ Tưởng – tư tưởng, hình ảnh trong đầu Hành – những thói quen trồi lên thành những cảnh tự nhiên hiện ra rõ ràng trong đầu của mình; Hành là Formation, tức là tập khí, thói quen mình tạo ra. Khi Bác ngồi thiền, Bác hãy để cho tụi nó tới, tụi nó đi, Bác tỉnh bơ, đừng làm gì hết, đừng nói chuyện với nó, đừng lý luận với nó. Thường thường bệnh đầu tiên của người tu thiền là thấy cái đẹp, mình thích; thấy chuyện ma, chuyện quỷ, tức là những chuyện kỳ dị hơn bình thường, mình khoái chí, mình không thể nào nhịn được, mình chạy theo, mình phải làm gì đó mới được. Cho nên lúc thiền mình phải để cảnh giới đến, cảnh giới đi, đừng có động đậy gì cả. Đây chỉ là xuất tục thôi, chưa phải nhập thế.
Hôm nay Thầy nói sơ sơ để nhắc các Bác, mình nên để chuyện nó đến và đi lúc ngồi thiền, đừng có vướng bận vào đó. Ngày mai mình sẽ nói tiếp, con đường gỡ rối còn nhiều chuyện lắm để nói, xin các Bác bình tỉnh, vui vẻ và nhẫn nại với.
Cám ơn các Bác đã lắng nghe và chúc các Bác một ngày êm đẹp, và tỉnh.
Thầy Hằng Trường thuyết giảng
Nhóm Đánh Máy và Phiên Dịch Hội Từ Bi Phụng Sự thực hiện.