Hôm nay Thầy sẽ đọc một đoạn văn ngắn, và xin đố các bác, các anh chị biết ai là tác giả của đoạn văn này. Có phải là Phật, Bồ tát, đức Chúa hay là những vị thánh nhân, thánh hiền?
Câu văn như sau: “I ask you one thing. Do not get tired of giving, but do not give your leftovers. Give until it hurts, until you feel the pain”.
Tạm dịch: “Tôi xin bạn một việc. Đừng nên mệt mỏi với việc bố thí, cho ra, nhưng đừng cho những thứ thừa thải. Hãy bố thí cho tới lúc nó làm bạn đau đớn, cho tới lúc bạn cảm thấy nỗi quặn đau”.
Các bác đã biết người này là ai chưa? Thưa các bác, người nói câu này là mẹ Teresa ở bên Kolkata, Ấn độ. Đây là một câu nói rất là thâm thúy và sâu sắc để cho những người nào tu tập bàn Tay Cho Ra của đức Quán Thế Âm Bồ tát suy nghĩ thâm sâu.
Các bác có biết không? Nhiều khi mình cho nhưng lúc nào cũng cho với một định lượng. Trong đầu mình lúc nào cũng có một điểm mù rất lớn, đó là khi mình cho ai thì lúc nào mình cũng cho theo con số trong đầu, chớ không cho theo nhu cầu của người đang cần. Thí dụ, bác thấy một người homeless, bác chỉ nghĩ tới cho những bạc cắc lẻ của bác thôi. Bác lên cúng dường cho chư tăng ni thì bác cũng bàn luận với người này người kia, cho Thầy này $50, cho Thầy kia $100, cho Thầy lớn $500, cho Thầy nhỏ, chú tiểu hai ba đồng. Tất cả đều có định lượng rất rõ ràng. Nhiều khi bác đã có định lượng, định số rồi, lúc nào cũng có con số trong đầu nhưng còn ngụy biện trong câu mà mọi người thường nói: “Của ít lòng nhiều”. Nhưng thật ra mình không biết rằng mình đã bị một con số lúc nào cũng ở trong đầu mình cả.
Có một người cho Thầy quà và nói, “Thưa Thầy, con đi du lịch chơi xa, xin tặng cho Thầy chút quà”. Thầy cũng rất là sung sướng, bởi vì người ta đi xa, người ta tặng mình quà. Nhưng người bên cạnh Thầy khi nhìn món quà thì ngạc nhiên vô cùng, “Thưa Thầy, Thầy có thấy món quà này không? Nó chỉ đáng giá có mấy đồng bạc thôi”. Thầy nói: “Chị đừng có nghĩ như vậy, tội nghiệp người ta, người ta đi xa, người ta nhớ tới Thầy, mua quà cho Thầy, vậy thì tốt lắm rồi”. Nhưng vị đó nói: “Của ít lòng nhiều kiểu đó, thật sự con mà đi chơi xa như vậy, con mua một vật gì cho xứng đáng cho Thầy, còn vật này thì chổ nào mua không được”. Thầy nghe trong lòng cũng xốn xang, bởi vì nhiều khi mình bị câu “Của ít lòng nhiều”, và nghĩ rằng mình cho với thái độ thành tâm, nó cũng tốt. Nhưng phía sau câu nói đó còn có chuyện khác nữa, vì mình bị định lượng bởi con số, mình đánh giá con người bằng những con số mà mình không biết. Thí dụ như các bác cúng dường một vị phương trượng, cúng dường một tiểu tăng, hai việc đó khác nhau, nhưng mình đều nói cùng một câu: “Của ít lòng nhiều” cả. Nhiều khi mình thấy nếu cho hơn nữa mình sẽ lỗ lã; hơn nữa, mình sẽ tới chỗ mình không còn tiền làm sao mình sinh tồn, thì ra có một nỗi sợ phía sau của sự cho, cho nên mình sẽ mệt mỏi và không muốn cho hơn nữa.
Mùa Giáng Sinh sắp tới này cũng vui lắm. Mình có mục cho quà gọi là exchange gift, tức là mình sẽ trao đổi món quà cho nhau và món quà sẽ không hơn $20. Nhưng nhiều khi mình suy nghĩ, mình đi ra mua món quà rẻ rẻ một chút, chớ không muốn mua quà đắt. Mình đâu có nghĩ tới sự sung sướng của người khi được món quà đắt tiền và quý giá. Mình chỉ muốn mua để cho có, cho vui thôi. Mình không biết rằng mình có một con số, có định lượng và nó hạn hẹp tâm của mình. Tu tâm rộng rãi thì lúc nào nó cũng khác cả.
“Của ít lòng nhiều” không phải lúc nào cũng make sence. Khi mình khó khăn, không có tiền bạc, khả năng gì cả, mình không có nhiều thì thật sự của ít mà lòng thì nhiều. Nhưng khi bác là người giàu có sung sướng, bác cho vật chất như những đồng bạc cắc lẻ của mình, hoặc những thứ mình có dư thừa rồi, mình mới cho người khác, chớ mình không cho những thứ mà mình thật sự cảm thấy đau xót, thì xin nhớ lời mẹ Teresa nói: “Hãy cho, mà đừng cho đồ thừa thải (leftovers)”,
Thầy nhớ tới câu chuyện của một phương trượng trụ trì, làm cho Thầy rất là kính phục. Ngài có một vị đệ tử trẻ, năm hai mươi mấy tuổi ra đời lập gia đình, nhưng cứ vài ba tháng, người đệ tử này trở về xin sư phụ của mình chút tiền, lúc đầu thì xin tiền để nuôi đứa con mới đẻ, sau xin tiền để mua sữa cho con, xin tiền để giúp cho vợ, xin tiền để sửa mái nhà dột… Lúc nào cũng có chuyện để xin tiền, nhưng vị trụ trì này lúc nào cũng cho cả, không bao giờ đặt câu hỏi: “Tại sao con xin nhiều vậy? Tại sao con xin hoài vậy?” Tình thương của vị sư phụ này thật là bao la, cứ tiếp tục cho. Cho đến ngày cuối cùng khi vị sư phụ này ra đi, theo như Thầy biết, Ngài để lại một số tiền gọi là hiện kim cho vị đệ tử này, còn tất cả những bảo pháp, phật pháp thì cho những vị đệ tử khác. Thầy ngồi suy nghĩ rất nhiều, tấm lòng cho đó không phải cho là vì thừa thải, mà là cho vì tình thương.
Câu “Give until it hurts”, có nghĩa rằng nhiều khi mình phải quằn quại đau đớn khi cho, bởi vì số tiền này mình cho rồi, thì ngày mai mình sẽ không còn tiền mình ăn; hoặc là mình cho món đồ này rồi thì ngày mai chưa chắc mình có món đồ đó để làm việc; nhiều khi sự cho đó cứ tiếp tục hoài, không thể ngừng được; và nhiều khi mình cho mà mình sẽ cảm thấy khó khăn vô cùng.
Bây giờ hết giờ rồi, ngày mai Thầy sẽ nói với các bác nỗi khó khăn mà tại sao mình gọi là đau đớn. Chúc bác một ngày vui vẻ và đẹp, nhưng xin bác hãy nhớ đoạn đầu của bài này, “Đừng nên mệt mỏi với việc bố thí, cho ra hoặc là cúng dường, và đừng bao giờ chỉ cho những thứ thừa thải mà thôi”, đó là lời của mẹ Teresa. Cám ơn các bác đã lắng nghe.