Hôm nay, thầy xin kể chuyện về đức vua A Dục cho các bác nghe nhe. A Dục Vương hay là vua A Dục (Emperor Asoka) là vị hoàng đế của triều Maurya. Trước khi ngài lên ngôi thì đất nước này rất nhỏ. Khi lên ngôi, ngài bành trướng đế quốc Maurya, chiếm gần như trọn hết nước Ấn Độ vậy. Ảnh hưởng của A Dục Vương rất lớn. Ảnh hưởng đó không phải là thần thoại về ngài, mà là ảnh hưởng văn hóa (culture) ngài đã đem truyền bá khắp mọi nơi một cách dễ dàng. Ngài thiết lập những trụ và viết lại những bài học trên những trụ đó. Những bài học đó không nhất thiết là những bài học về đạo Phật mà thôi, mà những bài có tính chất toàn diện (universal) về đạo làm người thí dụ như ngũ giới, thập thiện v.v… Vì thế nên ngài được kính trọng. Người ta coi ngài là người đã hoằng dương Phật pháp.
Cuộc đời của ngài có nhiều huyền thoại lắm. Huyền thoại nổi tiếng nhất nói ngài là một người ác vì thật sự mặt ngài xấu xí với tánh tình hung bạo, thường hay nổi giận, tức giận. Ngài là con thứ chứ không phải con trưởng. Khi vua cha là Bindusara tìm người kế ngôi, người anh là Susima đáng lẽ được lên ngôi. Nhưng có một chuyện xảy ra trong triều đình như thế nào đó mà Susima bị giết chết. Câu chuyện đó tới ngày hôm nay vẫn là một huyền thoại, không có bằng chứng chắc chắn sự thật đã xảy ra như thế nào. Sau đó, Asoka được đăng ngôi.
Vương triều này trở nên một vương triều của chiến tranh, lúc nào cũng muốn bành trướng, đi tìm đất mới để chinh phục. Đó là phản ảnh con người của đức Asoka thời đó, là con người rất hiếu chiến, rất nhiều tham vọng và quyền lực. Tham vọng quyền lực này phải là động cơ chính đưa tới chuyện sát hại gia đình mình, giết anh mình, giết những người nào không nghe lời, người nào chống lại con đường chinh phục của vương triều Maurya.
Nhưng có một chuyện rất ngạc nhiên xảy ra. Lịch sử ghi lại là trong trận chiến cuối cùng, có lẽ còn có nhiều trận chiến nữa nhưng đây là trận chiến đã làm cho đức Asoka phải ngừng lại. Đó là trận chiến ở Kalinga. Kalinga là một vùng đất tự trị rất mạnh, những người ở đó cũng là những người trí huệ, những người ở trong triều đại rất dân chủ. Theo tương truyền, khi Asoka đánh tới Kalinga, dân Kalinga nổi lên chống lại nhưng bị thua, cả trăm ngàn người chết, một trăm năm mươi ngàn người bị bắt làm nô lệ hay bị bỏ tù. Số người chết nhiều, rất lầm than. Hôm sau ngày chiến thắng, đức Asoka đi thanh tra mặt trận. Ngài đi bộ giữa rừng người chết chồng chất lên nhau. Trong đó, không những lính bên địch chết mà lính bên mình cũng chết. Ngài thấy những bà mẹ khóc tìm con, những người con khóc lóc tìm cha, những người vợ tìm chồng. Ngài thấy máu chảy, ngửi mùi tanh tưởi của máu, bất kỳ bước chân nào của ngài cũng đạp trên máu cả. Có những người hấp hối, còn nằm đó chưa chết, rên rỉ, làm cho ngài cảm thấy lương tâm có lẽ là bị đánh thức.
Sau đó, ngài bắt đầu thay đổi thái độ, cảm thông được nỗi đau khổ của một đám người quá lớn, cả trăm ngàn người như vậy. Có rất nhiều huyền thoại về chuyện này nhưng thầy sẽ không nói tới, mà chỉ nói rằng có một cái shock lớn khi ngài cảm thấu được nỗi đau khổ của người khác. Vì vậy cho nên ngài bắt đầu thay đổi thái độ và ngài nói rằng: ‘ Thay vì ta chinh phục đất đai thì bây giờ ta sẽ chinh phục con tim của người khác, thay vì đi truyền quyền lực thì mình hãy đi truyền niềm tin cho người khác’.
Từ đó bắt đầu một cuộc sống mới của vị hoàng đế. Người ảnh hưởng rất lớn để thay đổi cuộc đời của ngài không phải là cha hay mẹ ngài. Cha ngài, vua Bindusara, là người của đạo Jain, đạo của Ấn Độ. Vậy ai là người thay đổi ngài? Thì ra là vợ của ngài, một người Phật giáo, người đã đem tới nhiều triết lý, đạo lý, nhất là triết lý. Dù chỉ có giữ giới sát, đạo, dâm, vọng, tửu thôi là đã khác rồi. Hay triết lý bình đẳng giữa đàn bà và đàn ông thôi cũng là cả một sự tiến bộ vô cùng. Những tiến bộ về tư tưởng và văn hóa của nhà Phật đã có rải rác rất nhiều. Nhưng đức Phật sống vào thế kỷ thứ 4, thứ 5 trước Thiên Chúa, còn vua Asoka là vào thế kỷ thứ 1, thứ 2 trước TC. Ngài chết năm 232 trước công nguyên, do đó ảnh hưởng văn hóa nhà Phật không được truyền lan rộng rãi lắm.
Khi nói rằng hãy phát triển làm sao để có thể chinh phục con tim người ta thì triết lý cao nhất của thời đại lúc đó, hay là văn hóa tiến bộ nhất, cải thiện nhất của thời đại lúc đó của Ấn Độ, chính là triết lý và văn hóa nhà Phật, là văn hóa bình đẳng, văn hóa tình thương, khác với văn hóa phục tùng của đạo Bà La Môn đang được xử dụng trong chính quyền. Mặc dù đạo Bà La Môn có rất nhiều lòng từ bi và thương ái nhưng trong cách hành chính vẫn còn trong sự tuân chỉ, chưa tới mức độ như đức Asoka.
Đức Asoka xử dụng tư tưởng mới, cách hành chính, quản lý mới và dùng văn hóa tình thương mới, cho nên được rất nhiều người theo. Nhưng sự cải tiến lớn nhất của ngài là đem văn hóa đó, thế nào để tất cả mọi người đều nghe được, hiểu được, bằng cách khắc vào những cột trụ. Những cột trụ đó, gọi là những cột trụ Asoka, được để ở những nơi chính, ở trung tâm của những làng, thành phố để người ta có thể tới và người ta có thể đọc qua.
Đó là một cách truyền bá tư tưởng nhà Phật và nhất là cách hành chính, quản lý theo tính chất bình đẳng và nhân ái, khiến cho vương quốc Maurya được giữ khá chặt chẽ 50 năm sau khi ngài nằm xuống.
Thưa các bác, câu chuyện mình nói hôm nay là một sự chuyển biến từ một người ác. Mình biết rất nhiều truyền thuyết về người ác, những truyền thuyết giết gia đình của mình để đoạt ngôi. Truyền thuyết đó rất quan trọng. Nếu các bác nhìn lại lịch sử đất nước chúng ta, cũng có những vị vua giết nhau trong dòng họ của mình để đoạt ngôi, soán ngôi, đó là chuyện bình thường xảy ra trong thời đại xa xưa.
Thưa các bác, sự thay đổi từ một kẻ ác mà cảm thông được sự đau khổ của người khác và chuyển hóa, buông đao thì thành Phật, là chủ đề của câu chuyện này. Nó cho thấy rằng sự khó khăn của mình là phải tìm được cái gì khiến cho mình cảm động và thức tỉnh. Nhiều khi nhờ lắng nghe được nỗi khổ của người khác mà chúng ta thức tỉnh. Tuy nhiên, nhiều khi mình không thấy nỗi khổ của người khác, mình chỉ thấy điểm xấu của họ thôi. Mình thấy những chuyện người khác nói làm cho mình tức giận và mình quên rằng họ vẫn đau khổ. Các bác nên nhớ câu thần chú rất qua trọng rằng: ‘ Chỉ có người đau khổ thì mới làm cho người khác đau khổ. Chỉ có người phiền não mới làm cho kẻ khác sinh thêm phiền não. Người không đau khổ thì không làm cho ai đau khổ cả. Một người không có phiền não thì không bao giờ làm cho kẻ khác sinh phiền não’.
Cho nên, khi mình có nhiều phiền não quá thì thường thường mình làm người khác phiền não. Nếu mình có nhiều sự nghi ngờ quá thì mình sẽ làm cho kẻ khác nghi ngờ. Lời của Lão Tử nói như thế.
Bởi thế, trong lúc chúng ta sống, hãy để cho con tim của mình rung động với nỗi khổ của người khác, thay vì rung động bởi những chuyện xấu người ta làm. Hãy nhìn được cái khổ, hãy nghe được cái khổ, hãy cảm được nỗi khổ đau của người khác hơn là sống trong môi trường mà lúc nào mình cũng quá sẵn sàng phê bình, quá sẵn sàng chê bai, quá sẵn sàng kết án, luận tội.
Được như thế thì chúng ta mới đạt tới tâm thức gọi là tâm thức lúc nào cũng có khả năng chuyển đổi. Khả năng chuyển đổi đó gói trọn trong chủng tử DA, chủng tử của sự buông đi, của cái tay lúc nào cũng sẵn sàng buông bỏ cái xấu để mở ra được cái đẹp và cái mới.
Cám ơn các bác đã lắng nghe câu chuyện dài hôm nay.
Chúc các bác một ngày yên vui và tỉnh.
Thầy Hằng Trường thuyết giảng