Thưa các bác, hôm nay là ngày đặc biệt, mình gọi là ngày lập đông, tức là ngày ngắn nhất và đêm dài nhất trong năm. Thưa các bác, các anh chị, chúng ta hãy trở lại với đề tài ‘tay cho ra, mắt tri ân’.
Hồi ở Việt Nam, khoảng 17, 18 tuổi đi chùa Thường Tịnh, thầy có biết một câu chuyện như sau (do một chị trong chùa kể lại). Chị nói rằng:
Có một cô, cô này có 3, 4 đứa con (thầy không nhớ rõ bao nhiêu), rất nghèo. Cô ở dưới quê, phải làm việc thêm để nuôi mấy cháu. Sau khi đất nước có nhiều sự biến đổi, công việc làm còn nhiều sự khó khăn. Chồng bỏ nên tự cô phải nuôi mấy cháu. Thường cô đem hàng về làm, theo như thầy nhớ, may thêm đồ buổi tối, tới 1, 2 giờ sáng. Buổi sáng phải thức giậy 6, 7 giờ để đưa con đi học, đi làm việc v.v… Chuyện đó cũng không mấy gì đặc thù lắm, nhưng cô này lo cho con đến độ bị bịnh lao phổi. Đó là chuyện làm cho thầy phải nhớ hoài. Sau khi bị bịnh, cô khạc ra máu và qua đời, để lại cho các người con một sự mất mát và đau thương vô cùng, vì không ngờ các em bị mồ côi quá sớm.
Câu chuyện đó xảy ra làm xúc động thầy dù thầy gặp cô chỉ một lần khi cô đến chùa. Sau khi cô mất, trong chùa ngồi bàn tán chuyện đó với nhau, mình mới khám phá ra một điều rất thâm sâu. Đó là bởi vì cô quá thương con, ở một mình nuôi 3, 4 đứa con rất nhỏ, nuôi đến độ bị kiệt sức. Cô tiếp tục cho ra, cho ra sức khỏe của cô, cho ra tình thương của cô, cố gắng nuôi nấng đến độ kiệt sức, không chống cự được. Có lẽ còn nhiều gánh nặng về tinh thần, về tình cảm trong người cô lúc đó nữa. Gánh nặng vì không ai tiếp tay với cô, thấy được nỗi khổ của cô. Cũng có thể là gánh nặng bởi vì các con cô còn quá nhỏ, cô không thể nào dạy dỗ cho đầy đủ được. Cũng có thể là gánh nặng bởi vì chuyện ăn uống, nhà cửa không tốt đẹp. Còn nhiều gánh nặng lắm, nhưng điều quan trọng nhất là cô cho, cho tới lúc mà mình gọi là ‘give until it hurts’, cho tới lúc khả năng của mình không còn nữa mà mình vẫn tiếp tục cho. Cô làm việc thâu đêm suốt sáng để may, mặc dù bịnh mà vẫn còn làm, đến lúc cô ngã quỵ luôn.
Khi nghe câu chuyện, trong lòng thầy cảm thấy rất xốn xang, nghĩ tới các bà mẹ thương con, cho và hy sinh tới cỡ như vậy, chỉ nghĩ tới người con của mình mà thôi.
Đúng như lời của mẹ Teresa nói: ‘Give until it hurts’, cho ra cho đến lúc nào làm cho mình đau và quằn quại với nỗi đau đó. Nhưng có lẽ câu chuyện này là chuyện đặc biệt của người Việt Nam mình, làm cho mình thấy tình mẹ quá sức lớn, mẹ là người lúc nào vị trí cũng cao cả. Vì đọc tới lời của đức Mẹ Teresa khi thầy ngồi đây mà thầy đột nhiên nhớ tới câu chuyện này.
Con người mình lúc nào cũng thương con, và có thương mình mới cho chứ không phải mình cho là vì mình có nhiều quá, dư, thừa thải quá. Không, thương mình mới cho, và vì thương như vậy cho nên mình mới hy sinh thân mình. Cuối cùng, cho là cho mình đi, cho cái bản ngã đi, chứ không phải cho là vì mình muốn được lợi cái gì. Đó dường như là văn hóa của Phật giáo, nhưng bây giờ nhiều khi mình đi ngược lại chuyện cho với tình thương. Mình cũng nói: ‘bà con ơi, cho đi, mình sẽ biên vinh danh lên, mình sẽ làm bia, mình sẽ làm miếng plaque, có công đức…’. Là người Phật tử, mình phải phát triển chiều hướng ngược lại, mình phải luôn nghĩ tới bản chất của tình thương và bản chất của sự cho ra chỉ là một mà thôi. Mình phát triển tình thương bằng sự cho ra, chứ không phải là vì mình muốn có nhiều công đức mà mình đi cho, vì muốn được người ta biết tới tên mình mà mình cho, hay cho để được người ta cho lại.
Bây giờ, nhiều khi mình cho vì một lý tưởng chính trị, mình cho vì một lợi lộc nằm ở phía sau. Trong khi người tu hành cho là hoàn toàn vì thôi thúc bởi tình thương và cho tới mức tối cao nhất, cho chính mình, cho bản ngã, hy sinh chính mình.
Qua câu chuyện của người mẹ đó (từ nãy giờ thầy ngồi tìm tên bà mà chưa nghĩ ra được), thầy cảm thấy rất xúc động vì trong thời đại đầy sự nhiễu nhương, đau khổ như vậy, mình cần tập sự cho ra, cho tới lúc mình đạt tới chỗ là mình quên cái bản ngã, cho mình đi, hy sinh cho người khác.
Cám ơn các bác đã lắng nghe. Chúc các bác một ngày vui đẹp.
Thầy Hằng Trường thuyết giảng
Nhóm Đánh Máy và Phiên Dịch Hội Từ Bi Phụng Sự thực hiện.