0

Thế nào là hồi hướng?

Cốt tủy của hạnh hồi hướng là mở rộng tâm lượng tới chỗ vô lượng vô biên.
Thập Hồi Hướng trong Kinh Hoa Nghiêm dạy rằng: tâm bồ tát là tâm đại bi (lòng thương không chiếm hữu) không có ngằn mé, biên tế. Tu hạnh hồi hướng là tu hạnh phát triển tình thương tới chỗ vô biên vô tận.
Do đó khi ta chắp tay hồi hướng ‘công đức’ mình tới kẻ khác, là lúc ta gởi gắm tình thương, lòng quan hoài tới những người mà ta hướng sự chú ý tới.
Chính tình thương này tạo ra một từ trường tốt lành mà ta gọi là ‘công đức’.
Do đó khi nói “hồi hướng công đức” là lúc ta khởi động và lan tỏa một từ trường tình thương tới người ta hồi hướng. Chính nhờ từ trường này mà người nhận sẽ có những thay đổi cụ thể.
Do đó hồi hướng là cách ta khởi động sức mạnh của tình thương.
Sự hiểu lầm về hồi hướng là sự suy nghĩ cho rằng ta cứ làm tốt rồi gởi cho người nào đó công đức, mà ta không hề chú ý tới động cơ hồi hướng là sự chia xẻ và lan tỏa sức mạnh tình thương.
Do đó, một khi sức mạnh tình thương được trỗi dậy và lan tỏa thì nó sẽ vô hạn, vô biên. Vì sao nó trở nên vô biên? Vì tình thương này không bị cột trói trong đặc tính chiếm hữu của bản ngã, không bị hạn cuộc trong phạm trù của bản ngã, không bị giới hạn bởi lòng vị kỷ, ích kỷ.
Hồi hướng là sự biểu hiện cụ thể nhất của tình thương không chiếm hữu, của lòng bác ái, của tâm đại bi.
Do đó khi một hành động tốt được làm ra mà thiếu vắng tình thương thì từ trường của nó không sao vô biên được. Thí dụ như mình quét nhà mỗi sáng cho cha mẹ mình. Hành động ấy là hành động tốt nhưng nó được làm trong tâm thức ‘làm đúng bổn phận’, không phải làm vì thương cha mẹ. Đem hành động tốt này đi hồi hướng thì cũng được, nhưng sức mạnh không bao nhiêu. Bằng chứng; không ai bị ta cảm động cả.
Một sự hiểu lầm khác về hồi hướng là cho rằng công đức có thể định lượng. Làm sao ta có thể cân, đo sức nặng và sức mạnh của tình thương được? Quan niệm về định lượng tình thương chẳng qua là một phương tiện giải thích cho người thời xưa (thời phong kiến) để họ bớt lòng ích kỷ, biết quan hoài và chia sẻ những thứ mình ‘có’ với tha nhân. Trong con đường tâm linh, chúng ta không thể suy nghĩ theo kiểu buôn bán, lời lỗ, nhiều ít, hơn thua được. Như thể thì quan điểm định lượng chẳng qua là một sản phẩm của thời đại phong kiến vậy. Chúng ta vẫn có thể tôn trọng quan điểm định lượng ấy vì nó có giá trị lịch sử thời đó, nhưng không có nghĩa là nó có ý nghĩa tuyệt đối đúng với mọi tâm thức, với mọi thời đại. Trong thời đại của chúng ta hiện nay, quan niệm định lượng ấy cần upgraded, chứ không cần bác bỏ hoặc cho là sai lầm. Với những ai còn có ký ức và truyền thống của văn hóa phong kiến, thì quan niệm định lượng vẫn còn hoàn toàn đúng với họ. (Và hệ quả tai hại là vói tâm thức định lượng ấy, công đức thật sự có nhiều ít, có thêm bớt). Với những ai đã mở tâm và có tình thương, thì hồi hướng là một hành động quá đẹp để ta lan tỏa tình thương tới mọi người có duyên với ta. Một khi lan tỏa thì ‘công đức’ (từ trường do tình thương tạo ra) sẽ vô biên.
Do vậy:
Một nụ cười đầy lòng quan hoài. Một lời lành đầy ấm áp. Một nghĩa cử săn sóc người ốm đau. Một cái nhìn thông cảm nỗi khổ đau của bạn mình. Tất cả đều là sự lan tỏa bất khả tư nghì, không thể đo lường sức mạnh của lòng thương vô biên trong những hành động, dù nhỏ, ấy được. Cả vũ trụ được gói trọn trong một tâm niệm: tình thương.
Khi hồi hướng ta chỉ cần hướng tâm tới những người mà ta có quan hệ là đủ. Không nhất thiết phải đọc bài kệ, hay nói lên lời hồi hướng gì cả.
Trong im lặng, hãy cảm nhận sự lan tỏa. Hãy cảm nhận tiếng lòng. Hãy lắng nghe nỗi niềm của những cánh cửa tâm hồn đang thổn thức chờ đợi tình thương của ta.
Trong im lặng, hãy gởi sức sống này tới họ.
Đó là hồi hướng.

Leave a Reply