103. Tay Xoa Dịu (4)

Good morning các bác, anh chị. Đây là Dharma Espresso cho ngày hôm nay.

Có người text Thầy hỏi rằng, “Thưa Thầy, Grief và Depression khác nhau như thế nào?”  Có lẽ các Bác coi media hay sách vở, các bác sẽ biết rõ ràng hơn. Ở đây, Thầy chỉ nói thí dụ vài ba chuyện giản tiện thôi.

Grief là sự buồn bã. Sự buồn bã tùy theo tình huống (situational), theo một chuyện gì đặc biệt xảy ra với mình. Thí dụ như mình mất một người nào đó, thì trong lòng mình sẽ có một nỗi buồn, một sự hụt hẫng, cảm giác thân thuộc bị mất đi, một thứ gì đó vuột khỏi tay mình, mất đi sự kiểm soát (control). Grief thường thường là physical stress related symtoms, tức là chuyện buồn đó đi với stress. Stress giống như làn sóng, đến rồi đi. Cho nên, sự buồn bã của grief theo thời gian rồi mình cũng trở lại bình thường. Đối với những người có grief, mình có thể nói chuyện và xoa dịu họ, mình chọc nhiều khi họ cũng vui vẻ, họ có thể thấy được tương lai, có thể thấy hy vọng hơn. Có những người còn có sự suy nghĩ muốn chết, muốn tự sát, nhưng sự suy nghĩ đó đến và đi, họ không bao giờ làm (act upon). Những người bị grief, nỗi buồn của họ không đến nỗi tê tái và không cần thuốc men. Họ chỉ cần những trị liệu (therapy) nhỏ, những hoạt động với người khác, hoặc tập luyện thể dục, thể thao, thì nhiều khi họ có thể trở lại bình thường rất mau.

Depression là trầm cảm, lúc nào mình cũng buồn cả, mình cảm thấy tê tái (numbness). Đối với tất cả những gì sung sướng (pleasure), vui vẻ, mình tê, mình không cảm thấy có hứng thú. Trầm cảm ăn sâu vào trong người mình; nó thay đổi tác dụng của thân xác, nhiều khi làm cho mình ăn uống không điều độ, ngủ không đúng giờ, bị giảm thiểu tất cả những hứng thú, mong muốn, trở thành một cơn bệnh sâu sắc, trường kỳ (chronic), dai dẳng hoài và rất dễ gây bệnh hoạn. Trầm cảm không tới như một làn sóng mà nó ở mãi như vậy. Người trầm cảm thường thường không thấy được tương lai, họ cảm thấy đen tối vô cùng, sự tuyệt vọng (hopelessness) lúc nào cũng ở trong lòng, và ý muốn tự sát lúc nào cũng có cả. Đối với người trầm cảm, ý tưởng tiêu cực đen tối (negative feelings) cứ ở đó mãi hoài, khó đẩy ra được, cần phải scan não và cần uống thuốc để từ từ ra khỏi cảm giác tuyệt vọng vì não đã bị ảnh hưởng rồi.

Thưa các bác, ông Jake Tyler, người Anh, vì buồn chuyện gia đình, bị trầm cảm từ lúc 15 tuổi, kéo dài mãi không thuốc nào trị được. Năm 31 tuổi, ông làm một chuyện đặc biệt vô cùng. Ông đi bộ 3.000 dặm khắp nước Anh tìm thú vui. Đi đến đâu thì xin ngủ nhờ đến đó, đi đến đâu thì kết bạn đến đó; những người bạn mới mà ông quen, đều lắng nghe ông chia sẻ chuyện của mình, và từ từ, ông hết bị trầm cảm. Đây là một trường hợp đặc biệt của ông Jake Tyler, vì ông đã tự giúp cho mình ra khỏi bệnh trầm cảm. Muốn ra khỏi bệnh trầm cảm, thường mình phải có một người mentor, kéo mình ra khỏi, còn không mình cứ bị kẹt trong trầm cảm hoài. Cho nên, nhiều khi cần phải có bác sĩ và những người bạn tốt kéo mình ra. Trong trường hợp của bà Belinda Low thì khác, bà là người Singapore, sau khi con bà rời nhà đi học xa, bà ở nhà một mình, cảm thấy buồn bã (grief). Không biết làm sao, bà mới đi học vẽ, bà vẽ đầy những bức tường trong nhà, đến không còn chỗ nào vẽ. Bà ra những chỗ công cộng, chỗ nào có tường bà xin vẽ, rồi bà tự mình sáng tác để nhìn lại chính mình và chia sẻ niềm vui sáng tác đó với những người khác. Và từ từ, bà không còn buồn bã nữa, việc vẽ và sáng tác trở thành một đam mê, một thú vui, một sở thích (hobby) của bà. Thành ra nhiều khi có những cách giúp cho mình ra khỏi những nỗi buồn và sự trầm cảm, chứ không phải lúc nào mình cũng bị kẹt trong đó cả.

Hằng ngày, mình tu quán tưởng chủng tử tự trên đỉnh đầu cũng rất quan trọng. Quán tưởng chủng tử tự như vậy thôi cũng giúp cho tâm mình ra khỏi tiêu cực. Từ đó, mình nghĩ tới ánh sáng của chủng tử tự trên đỉnh đầu lan tỏa xuống như nước mưa cam lồ đi từ đỉnh đầu vào trong từng tế bào. Nước cam lồ đi từ não xuống, qua khỏi mặt, ngoài da, trong thịt, xuống cổ, vai và đi vào trong người mình; xuống đến tim, phổi, cuống phổi, hoành cách mô, gan, ruột non, ruột già, bao tử, thận, đến bàng quang; xuống tới hai chân rồi ra ngoài giống như bao nhiêu nỗi buồn, bệnh hoạn trong người mình được nước cam lồ đẩy ra hết từ mười ngón chân. Từ trên vai nước cam lồ chảy xuống hai cánh tay và ra khỏi từ mười ngón tay. Khi quán tưởng như vậy, và nếu mình đọc thêm câu chú cam lồ “Su lu Su lu…”, thì cả tâm thức của mình thật sự bắt đầu thay đổi. Giống như mình đem những sự nặng nề, nặng trĩu trong lòng, những nỗi buồn, từ từ được rửa sạch, đẩy ra khỏi người mình. Bác chỉ cần quán tưởng như thế trong vài ba phút hoặc năm phút thôi, và làm nhiều lần trong một ngày, chứ không cần phải quán tưởng lâu dài đến một hay hai giờ. Nếu như các bác đang có những nỗi buồn (grief) ngay bây giờ, thì bác nên thực hành ngay. Nếu mình cứ ngồi đó và suy nghĩ hoài, thì nỗi buồn có thể biến thành sự trầm cảm. Sự suy nghĩ về một chuyện hoài còn gọi là looping, tư tưởng cứ chạy vòng tròn, chạy tới chạy lui, có một chuyện mà cứ nói đi, nói lại hoài. Xong rồi mình bắt đầu trách cứ (blame), “Tại người này, tại người kia, tại như vậy, cho nên như vậy, tại cái kia…”, và mình cứ ‘tại’ với ‘bị’ như vậy hoài, chạy vòng tròn, không ra khỏi được. Cho nên, mình hãy quán tưởng nước cam lồ tắm rửa cho mình từ bên trong da thịt, cơ phận, chảy theo thân xác, thải ra ngoài. Sau khi quán tưởng như vậy rồi, bác đi tắm thì hiệu quả còn nhiều hơn nữa. Đây là cách để mình tự lành trị. Những hoạt động đó không mất tiền mà cũng không cần mình phải làm gì sâu sắc hơn cả. Chỉ là một chuyện nhỏ mà mình có thể làm hằng ngày được. Bác nên tập hằng ngày đi, để đến lúc nào có chuyện buồn, mình áp dụng liền thì còn hiệu quả gấp trăm lần nữa. Câu chú của nước cam lồ như sau: “Su Lu Su Lu” (5x) “Om, Su Lu Su Lu, Bo La Su Lu, Bo La Su Lu, Su Lu Su Lu Ye, So Po He” (5x).

Đọc năm lần như vậy, các bác vừa đọc và quán (tức là tưởng tượng), thì các bác sẽ thấy hiệu quả gần như là ngay lập tức, và mình từ từ sẽ ra khỏi sự buồn bã và thấy đời mình khỏe hơn. Mỗi lần mình làm cũng giống như mình vừa tắm xong, sạch sẽ vô cùng. Mình vừa tắm trong tâm, vừa tắm thân thể, mình càng thấy rõ ràng giống như vận mạng mình được tái tạo lại mới. Lúc đó, mình cảm thấy rằng cuộc đời mình còn nhiều cái đẹp lắm, chứ không phải chỉ có những chuyện buồn thôi.

Cám ơn các bác đã lắng nghe.  Chúc các bác một ngày vui và tỉnh.

Thầy Hằng Trường thuyết giảng
 Nhóm Đánh Máy và Phiên Dịch Hội Từ Bi Phụng Sự thực hiện.