96. Tay Buông Đi 6

Nếu mình lái xe đi một vòng ra khỏi nhà rồi về thì mình đâu có đem đồ gì nhiều.  Nếu đi xa hơn chút xíu thì các bác đem theo nước uống.  Nếu các bác đi 2, 3 ngày thì có thể đem một va li nhỏ, và đi một cuộc lữ hành 5, 10 ngày thì chắc là phải đem đủ đồ để sử dụng trong 5, 10 ngày đó. Nếu các bác đi cruise thì chắc chắn phải đem va li, áo quần cho đủ ấm, và nếu các bác leo núi thì nhớ đem cái ba lô nhẹ thôi, nặng quá thì sẽ chịu không nổi.

Cho nên, làm một cuộc lữ hành, đem theo đồ là chuyện tất yếu.  Nhưng trong cuộc lữ hành tâm linh của mình, mình có nghĩ tới là mình phải đem theo món gì không các bác?  Tại vì càng đi, càng nặng, và nếu đem nhiều quá thì mình sẽ cảm thấy rất mệt mỏi.  Trong một cuộc lữ hành, thân xác sẽ mệt mỏi và nếu là cuộc lữ hành tâm linh thì đương nhiên là đem theo nhiều thứ phiền não thì càng nặng nề, càng làm cho mình khó đi hơn đó các bác.  Bởi thế cho nên mình phải nghĩ tới những thứ gì cần thiết để đem thôi.  Đừng đem theo mình những thứ quá nặng, quá mệt luôn.

Có một vị thiền sư nọ kể lại câu chuyện như thế này. Ngày nào ông cũng đi vào trong làng để xin đồ ăn, vì đó là một cái hạnh của ông.  Ông xin đồ ăn vì ông không muốn nấu và ông không muốn chỉ ngồi trên núi thôi.  Lúc nào, ông cũng xin được đồ ăn cả.

Có một bữa, ông tới một làng nọ xin được đồ ăn rồi, ông tìm chỗ để ngồi.  Ông ngồi dưới một gốc cây, ông ăn rồi ngủ quên.  Khi ông ngủ, đột nhiên ông thấy có một hồn ma trong cây hiện lên hỏi ông: ‘Ngài làm gì mà sao ngài có hào quang sáng như vậy?’ – ‘Ô, vì ta đang ngồi thiền đó. Con là ai?’  Con ma mới nói:  ‘Tôi ở đây và tôi không biết tại sao tôi không đi đâu được hết’.  Vị thiền sư mới nhìn vào quá khứ của con quỷ và thấy, thì ra, kiếp trước, đó là một cô gái, vì thất tình nên treo cổ ở ngay cây này. Cô ta chết và bám hồn mình vào trong cây, không đi đâu hết.  Cô không biết mình sẽ đi về đâu, trong lòng chỉ có một mối hận thù duy nhất thôi, là phải trả thù.  Muốn trả thù người tình bội bạc nhưng cô ta không biết làm sao trả thù vì năm tháng đã trôi qua.  Cô ở trong cây đó, không biết đi đâu và cô không thấy gì khác hơn là lòng hận thù.  Vì mang lòng hận thù đó nên cô sống mãi trong bóng tối; bóng tối đó mình gọi là quỷ.

Vị thiền sư soi được căn nguyên đó rồi, mới nói với con quỷ như thế này: ‘Ô, ta đã biết rồi.  Ngươi có đau buồn gì lắm không?’  -‘ Tôi lúc nào cũng quằn quại, không biết làm sao. Chỉ muốn làm sao đập người này, đập người kia.  Bất kỳ ai tới đây, tôi cũng muốn làm cho họ đau khổ, phải đâm một chiêu mới được.  Tôi không biết rõ chuyện gì nhưng tôi biết chắc là có người nào đó đã hại tôi, nhưng tôi không biết làm sao đi tìm người đó.  Tôi bị cột ở đây, trong cái cây này’.  Ông thiền sư mới hỏi: ‘Vậy thì con có muốn giải thoát hay không?’ Con quỷ hỏi: ‘Giải thoát là cái gì?’  – ‘Giải thoát tức là ra khỏi chỗ này, ra khỏi cái cây này, trở thành ánh sáng cũng giống như ta đang ở trong hào quang này’.  Con quỷ mừng quá, nói: ‘Dạ được, xin thiền sư chỉ cho con làm sao ra khỏi chốn đen này’.  Vị thiền sư mới hỏi :’Ai là người cột con ở đây?’  Con quỷ ngẩn ngơ hỏi: ‘Ủa? Cột à? Con có biết đâu?’  Đột nhiên, con quỷ nhớ lại hình ảnh tự mình lấy sợi giây, làm cái vòng, rồi tự mình bỏ cổ vào: ‘A, là chính con!’.  Vị sư phụ nói: ‘Như vậy thì con hãy gỡ đi’.  Đột nhiên, ngay lúc đó, con quỷ thấy mình đang từ từ vừa cột cái nút, vừa mở cái nút ra.  Vừa cột, vừa mở.   Vừa thấy như vậy, lập tức nó thăng lên, trở thành một luồn ánh sáng và bay đi.

Đương nhiên là thầy thêm thắt vài ba lời cho câu chuyện này thêm mùi vị nhưng đây là một câu chuyện của một vị thiền sư kể lại làm sao ngài độ một con quỷ.  Đa số các con quỷ đều ở trong bóng tối của hận thù.  Hận đến nổi tự mình tự sát, tự mình cột cổ của mình.  Người tình bội bạc chỉ là một cái cớ mà thôi, nhưng mình xử lý bằng cách là mình tự cột gút. Cái gút đó chính là cái tự mình làm thòng lọng khiến mình chết chứ không ai chết cả.

Thưa các bác, mối hận thù chính là cái ba lô mà con quỷ đem đi. Hận thù là bóng tối mà con quỷ đã sống ở trong.  Hận thù cũng chính là sợi giây thòng lọng, tự nó trói nó. Hành động tự mình gỡ gút thắt, trong tâm con quỷ cũng chính là tự mình tha thứ cho mình. Tại vì nhiều khi mình nói chuyện tha thứ với con quỷ, nó không thể tha thứ được.  Nhưng để cho nó làm hành động gỡ gút, gỡ giây thòng lọng, chính hành động (lý tức là sự, sự cũng tức là lý), tự mình gỡ giây đó ra cũng chính là hành động ra khỏi bóng tối, ra khỏi hận thù.

Đó là câu chuyện nhờ vào sức mạnh của vị thiền sư mới được như vậy.  Trong đời chúng ta, trong cuộc lữ hành tâm linh, mình có thể có nhiều bóng tối nặng nề lắm, nhiều cái mình không buông đi, nhiều cái mình cứ mang nặng trong lòng hoài.  Nhiều khi mình thấy gặp người này là mình khó chịu rồi.  Sự khó chịu đó chính là cái bóng tối đem thòng lọng tới thắt mình đó các bác.  Nhiều khi mình nói tôi tốt lắm, nhưng người kia họ ghét tôi, tôi gặp mặt họ là họ trốn, họ tránh đi.  Mình nghĩ như vậy nhưng thật sự là ánh mắt của mình xua đuổi người đó đi, ngôn ngữ thân thể của mình xua đuổi người đó đi.  Chuyện đó trở thành điểm mù, không biết là chính mình cột gút với người ta chứ không phải người ta cột gút với mình.  Vì vậy cho nên, hễ mình tự cột thì mình nên tự mở.  Khi mình cột gút, thì cũng giống như con quỷ nó nói, nó nằm ở cái cây này, nó chỉ muốn hại người, và ai mà tới thì nó chỉ muốn làm cho họ đau khổ thôi.  Cho nên, người đau khổ thì lúc nào cũng muốn kẻ khác đau khổ cả, chỉ có người lúc nào lòng vui vẻ thì mới làm cho kẻ khác vui được.  Không thể nào một người buồn mà làm cho người ta vui được.  Không thể nào mình ở trong phiền não mà làm cho người ta hết phiền não được.  Bởi vậy, chúng ta hãy ra khỏi phiền não bằng cách tự mình gỡ gút.  Nhưng mình đừng nghĩ rằng khi nào mình thành Phật, La Hán, Bồ Tát rồi mình mới đi độ người khác.  Mình hết một đau khổ thì lập tức mình nên làm cho người khác hết một đau khổ đi.  Như thế thì chúng ta mới mau làm đạo bồ tát được, vừa tự độ và độ tha.  Hai cái đó đi đôi với nhau.  Tự mình, mình gỡ giây thòng lọng ra, do gỡ giây thòng lọng ra mà mình lập tức làm cho người khác bớt đau khổ.

Hy vọng là Dharma Espresso của ngày hôm nay sẽ làm cho các bác vui, tỉnh để con đường tu hành, gọi là con đường lữ hành tâm linh của mình, nó rộng rãi hơn một chút.

Cám ơn các bác đã lắng nghe.

Thầy Hằng Trường thuyết giảng