8. Ánh sáng chiếu bụi trần

Hôm kia, anh Bành nói với Thầy là cơn bão đã ra khỏi Houston, và bây giờ thì mưa đã bớt rồi, mặt trời ra lại rồi. Tuy nhiên, cơn bão di chuyển lên Lousiana, và mình vẫn còn bi ̣ ngập lụt, nhiều người vẫn còn ở trong cảnh màn trời chiếu đất. Do đó, chúng ta hãy cùng nhau lúc nào cũng hồi hướng, cũng nghĩ tới những người gặp khó khăn. Nếu mình góp được phần tâm linh thì lúc nào mình cũng nên chấp tay cầu nguyện chư Phật, chư Bồ Tát gia hộ. Nếu mình có khả năng tài chánh thì lúc nào mình cũng tìm cách cho để giúp những người trong cảnh màn trời chiếu đất hiện nay. Bởi vì, một miếng khi đói bằng một gói khi no. Mình làm được cái gì thì mình cũng nên làm. Chắc chắn chúng ta sẽ cùng nhau sát cánh giúp cho những người anh em trong hội, hoặc là những người có quen biết mà đang gặp khó khăn.

Bây giờ, trở lại câu chuyện mà hôm qua Thầy nói về khách trần phiền não, bụi trần, bụi bặm đó. Nếu mình biết bụi bặm là mặc cảm, bụi bặm là sự sợ hãi, bụi bặm là đặc tính mà mình gọi là điểm mù, cái mà mình không thấy được nhưng lúc nào cũng nằm trước mặt mình cả, thì mình thấy rằng nếu mình đóng cửa phòng lại, không cho ánh sáng vào, thì bụi bặm đó lúc nào nó cũng có mà mình không hề hay biết. Nhưng nếu mình mở cửa ra cho ánh sáng tràn vào, mình thấy bụi bặm rất rõ. Như thế, câu hỏi đặt ra là bây giờ làm sao mà mình mở cửa ra, cửa đó là cửa nào và ánh sáng đó là ánh sáng gì, thưa Bác?

Ánh sáng đó là ánh sáng của Chân Tâm, nhưng nói ánh sáng của Chân Tâm thì mình làm sao có thể sử dụng ánh sáng này được? Nó ở đâu ra? Thưa các Bác, Chân Tâm đó lúc nào cũng vô hình vô tướng, bất sinh bất diệt. Nó bất nhị; nó không ở trong cái phạm trù lý luận của óc não, lúc nào cũng có với không. Chân Tâm là cảnh giới tuyệt đối mà, làm sao mình có thể rờ mó nó được? Nhưng biểu hiện của Chân Tâm, gọi là tướng trạng của Chân Tâm, là quang minh, là ánh sáng. Ánh sáng chiếu vào trong vũ trụ tương đối được. À, đó là cái hay. Thường thường người ta gọi là trí huệ quang, để nói rằng nó là quang minh, là ánh sáng của tự tâm, sáng suốt vô cùng. Nhưng sự chiếu soi của ánh sáng này, của Chân Tâm này, khi đi vào trong vũ trụ nhị nguyên thì nó không nhị nguyên. Nó thấy hết vạn sự, mà nó không nhị nguyên. Ánh sáng này đi vào trong vũ trụ và có ba đối tượng mà nó sẽ đi tới.

Đối tượng thứ nhất là tất cả chúng sinh, tất cả mọi người, tất cả con vật, tất cả những gì động đậy, cây cỏ, gọi là những gì hữu tình. Đó là phần đầu tỉên.

Phần thứ nhì là nó chiếu hết tất cả các phần vô tình, tức là đá, mây, gió, environment, cảnh bên ngoài. Nhưng mà nó cũng chiếu tới những quá trình làm việc của mình, quá trình sống của mình, tức là cái gì không thuộc về chúng sinh hay phi chúng sinh. Tất cả đều ở trong phạm trù thứ nhì, bao trùm tất cả cái gì trong vũ trụ, cho nên chữ ‘inanimated’, tức là những vật vô tri, cho tới cái quá trình, những chuyện mà mình gọi là có thời gian tánh, là có thời gian trong đó, chúng thuộc loại thứ nhì.

Thứ ba nó chiếu tới chủ thể hay bản ngã, chiếu tới cái “tôi” của mình, và đồng thời chiếu tới cái “tôi” của tất cả mọi người.

Ánh sáng chiếu tới có cái tên rất là hay. Khi nó chiếu tới tất cả chúng sinh, người, thú vật, động vật, thì ánh sáng có tên là Đại Bi, Tâm Đại Bi hay là tâm thức Đại Bi.

Khi ánh sáng chiếu tới những quá trình, những sự việc, cho tới những vật, cảnh giới, những hoàn cảnh sống, tất cả cái gì, và chiếu luôn cả tới chúng sinh nữa, thì ánh sáng đó có cái tên rất là hay, gọi là ánh sáng Tri Ân, biết ơn, tri ơn.

Khi ánh sáng chiếu về bản ngã của mình, hay là cái “tôi” của mình, thì nó có một cái tên rất hay gọi là ánh sáng Vô Úy. Cái ánh sáng chiếu vào trong bản ngã, tâm thức, tình cảm của bất kỳ một chúng sinh nào, thì nó cũng có tên là Vô Úy.

Ánh sáng này có ba tên, tùy theo đối tượng. Đó là Đại Bi, Vô Úy, và Tri Ân. Ba loại ánh sáng này làm cho mình thấy được tất cả điểm mù, tất cả mặc cảm, tất cả cái gì xảy ra trong người mình, xảy ra ở khắp mọi nơi trong vũ trụ. Mình chỉ nói là cái điểm mù của mình thôi, nhưng mà không ngờ ánh sáng chiếu tới khắp mọi nơi, mọi tầng lớp, mọi chỗ, mọi chốn; và nó có cái tên quá hay: Tri Ân, Vô Úy và Đại Bi.

Làm sao mình có thể phát khởi lên ba loại ánh sáng đó đưọc các Bác? Quá dễ. Chúng ta hãy cùng nhau tu ba cái thủ nhãn. Thủ nhãn Thí Cam Lồ làm cho ánh sáng Đại Bi của mình lan tỏa. Thủ nhãn Thí Vô Úy sẽ làm cho ánh sáng Vô Úy lan tỏa. Thủ nhãn Hợp Chưởng sẽ làm cho tâm thức Tri Ân của mình, là ánh sáng Tri Ân của mình khơi mào ra.

Các bác thấy dễ không? Khi mình tu ba cái này, thì từ từ mình càng lúc càng thấy điểm mù của mình càng nhiều, càng lúc mình càng thấy và tin tưởng rằng mình biết được mặc cảm của mình sâu sắc hơn. Nhiều người có mặc cảm lúc nào cũng lẫy, lúc nào cũng tự ti, lúc nào cũng tủi thân, lúc nào cũng khó chịu, lúc nào cũng phải loay hoay đi tìm lỗi người khác, lúc nào cũng sống trong sự khó chịu hay mặc cảm của chính mình. Không sao, mình tu thủ nhãn đi. Sức mạnh của ánh sáng nội tâm, sức mạnh của ánh sáng Chân Tâm này sẽ phá tung và làm cho mình ngộ ra. Mà đó chính là niềm hy vọng của chuyện tu hành: sự chuyển hóa của tâm thức. Chúng ta hãy dùng ánh sáng của tự tâm, chứ đừng dùng trí thông minh. Hãy dùng ánh sáng của tự tâm để chuyển hóa nghiệp của mình nghe các Bác và để thấy được những bụi trần của mình.
Cám ơn các Bác đã lắng nghe.

(Trích ra từ bài giảng Dharma Espresso ngày 31 tháng 8 năm 2017)
Nhóm Đánh Máy và Phiên Dịch Hội Từ Bi Phụng Sự thực hiện.