2. Tinh thần làm thiện nguyện

Dharma expresso 8/23/2017

 Good morning các bác. Bây giờ là 5 phút dharma expresso.

Thưa các bác hôm nay là ngày mình gọi là ngày vui, ngày thứ Tư.  Ngày giữa tuần là ngày vui đó các bác.  Hôm nay cũng là ngày vui bởi vì Thầy sẽ gặp ông Imam ở bên Hồi Giáo, phái Ahmaddhiya.  Imam là một người giống như là một vị thầy ở bên Phật Giáo, hay một mục sư ở trong Tin Lành vậy.  Họ cũng có vợ, có con.  Nhưng họ sống hoàn toàn hiến dâng đời mình cho đạo của họ.

Thưa bác quan niệm cho ra, quan niệm bố thí của mình là một quan niệm rất hay trong Phật giáo bởi vì quan niệm đó nói rằng khi mình cho thì mình làm sao đưa người nhận tới bờ bên kia.  Ăn thua là mình định nghĩa người nhận là người như thế nào, và thái độ làm sao được gọi là thái độ đến được bờ bên kia.  Ví dụ như mình làm sao làm cho họ hết khổ.  Cho để người khác hết khổ.  Cho để làm sao người ta có thể giác ngộ.  Cho làm sao để cho người khác họ vui mừng và họ thay đổi cái nhìn.  Cho nên quan niệm bố thí ba la mật, chữ “ba la mật” có nghĩa là “tới bờ bên kia,” chữ đó rất là hay và rất là đặc biệt.  Nhiều khi mình cho là bởi vì mình cầu phước.  Mình cho vì mình muốn có được thêm những chuyện lành, chuyện tốt sau này cho mình.  Nhiều khi mình cho với hy vọng người ta sẽ cho lại.  Mình cho để mong cầu quả báo.  Mình cho để mong cầu được cái tốt cái đẹp.  Thường thường sự mong cầu đó làm cho cái cho của mình không thể nào hết lòng hết tâm được.

Thiện nguyện cũng là một hành động cho ra.  Vừa rồi Thầy qua Đài Loan, thì có  một sự thay đổi là những người ở trong ban chấp hành thì tháng 12 này họ sẽ thay đổi.  Họ đưa Thầy một danh sách những người sẽ thay đổi.  Sau khi Thầy đọc xong rồi, thì một người nói với Thầy: “như vậy năm nay con giải nhiệm thì con sung sướng quá, khỏi bị stress”.  Thầy mỉm cười, Thầy nói, “bác ơi bác nghĩ như vậy là sai rồi đó. Không phải là có tên thì mình mới làm việc hăng say, còn không có tên thì mình không làm việc.  Không phải là mình được giao nhiệm vụ thì mình mới làm,  mà mình không có nhiệm vụ hay chức vụ thì mình không làm, không phải vậy các bác ơi.  Mình phải nghĩ như thế này, không có nhiệm vụ mình vẫn còn làm mà mình làm còn hăng say hơn.  Không có chức vụ gì đưa cho mình thì mình còn làm hăng say gấp 10 lần người ta nữa. Bởi vì việc thiện nguyện là hành động của bố thí ba la mật.  Mình cho một vật thì dễ lắm bởi vì thấy đó, nhưng mình hy sinh một đời của mình thì nó mới là hành động gọi là bố thí ba la mật, vì mình cho cái bản ngã của mình.  Mình cho cái ngã của mình đi.  Mình cho năng lượng sức sống của mình đi.   Mình cho như thế nào để mình đạt tới bờ bên kia là sự vô ngã.  Thì cái đó là một hành động bố thí ba la mật, mình gọi là hay và cao thượng vô cùng.

Bây giờ mình hướng vào chuyện đó, hướng vào đời đó.  Không phải là mình cho mà mình cần quả báo.  Người ta phải có chức vụ cho mình thì mình mới làm.  Cũng không có nghĩa là mình không có chức vụ gì cả thì mình không có làm, hay mình làm tàng tàng.  Chờ người ta kêu thì mình mới làm.  Không phải đâu.  Thiện nguyện là một hành động mà mình gọi là bố thí ba la mật và rất là cao.

Khi Thầy gặp mấy người Hồi giáo ở bên London thì các bác biết mấy chục ngàn người đó, họ hy sinh thân mạng của họ.  Họ hiến dâng đời họ cho chuyện hoằng dương đạo của họ, và phục vụ đạo của họ.  Và mình thấy những người đi phục vụ thì họ hoàn toàn không muốn có một reward nào cả.  Hay cái sự mình gọi là trả ơn lại hay cho lại, trả lại gì cả.  Họ hoàn toàn bố thí ra.  Cho nên muốn làm sao chúng ta có thể sống với tâm thiện nguyện cho ra, mà mình không trở nên hễ mà khi mình làm thiện nguyện thì mình cứ than vãn chuyện này chuyện kia. Hoặc khi làm thiện nguyện mình trở nên hách dịch, hay là bossy, lên mặt, mình mắng người này, mắng người kia, chỉ tay năm ngón bên này, chỉ tay năm ngón bên kia, mà làm thiện nguyện là việc gì mình cũng sẵn sàng làm.  Khi người ta cần mình, việc gì mình cũng làm cả.  Muốn đạt tới tinh thần như vậy thì mình phải nghĩ như thế này các bác nè.  Cái mẹo, cũng như là triết lý tối cao là giống nhau ở chỗ này. Nếu mình nghĩ rằng là mình tu để trở thành hóa thân của đức Quán Âm Bồ Tát thì tự nhiên các bác thấy mọi chuyện mình làm ra rất dễ dàng và ai cần mình thì mình xung phong liền. Mình không có thối lui, mình không có ngồi mình nghĩ không biết cái lợi của mình như thế nào, được cái lợi gì.  Mình sẽ được cái gì, khó khăn thế nào, ai nói chuyện gì. Không phải.  Mà khi mình đối diện với những khó khăn của người này, người kia.  Người này phê bình, người kia phê bình chuyện này khó khăn thì mình vẫn mỉm cười vì mình biết rằng đây là chuyện của phàm phu mà.  Phàm phu thì họ có quyền phê bình.  Phàm phu thì họ có quyền nói mình xấu, có quyền nói mình tốt.  Họ có quyền chê mình, bắt mình làm cái này, bắt mình làm cái kia.  Nhưng nếu mình là Quán Âm Bồ Tát, hoá thân của Ngài thì mình thấy mọi chuyện đó quá sức bình thường, phàm tục thôi.  Mình hãy làm để mà mình cho làm sao mà cái thân của mình và cái tâm của mình bây giờ là cái mà mình hiến dâng.  Cho nên hạnh hiến thân – sau khi cái hạnh hiện thân thì hạnh hiến thân là quan trọng trong đạo Bồ Tát.  Các bác biết nếu mình lúc nào mình cũng nghĩ tới là mình sẽ được cái gì và mình lúc nào cũng muốn được yên ổn hiền lành cả thì mình không thể nào hiến thân được cả.  Mình vào hội hay là tổ chức nào và mình cứ nhìn người này người kia, mình nghĩ rằng: ủa sao người này thế này, sao người kia thế kia, thì mình chỉ là phàm phu thôi.  Và đạo phàm phu đó nó ngăn trở sự cho ra của mình.  Cho nên cái khó khăn của mình là mình phải nghĩ rằng mình trở thành hóa thân của Bồ Tát.  Và mình nghĩ rằng những người phê bình, những chuyện xấu xa xung quanh, những người không tốt chỉ là những chuyện phàm phu tục tử thôi.  Những chuyện đó mình không cần phải bị ảnh hưởng tới bởi vì mình là hóa thân mà.  Mình phải nghĩ như vậy và mình tiếp tục hiến thân, và mình mỉm cười với những chuyện phê bình, mỉm cười với tất cả mọi sự mới được, chứ còn không thì mình cứ kẹt hoài.  Mình không phải là mình đi bố thí ba la mật, đi thiện nguyện mà mình đi tìm cái chỗ mà không ai phê bình cái bản ngã xấu xa của mình.  Mình cứ nghĩ là mình – cái bản ngã – tốt quá mà.  Thành ra mình hãy nghĩ khác.  Và sự thay đổi cái nghĩ của mình về chính mình, về sự cống hiến của mình đó sẽ làm cho cái ngày của mình vui đẹp.

Thôi, chúc các bác một ngày vui đẹp.