0

Chuyện Toàn Chân Thất Tử (6)

(please click to download this text)
 

Lời dạy của Lã Tổ

Người thời xưa, lòng chất phác, phong tục thuần hậu, do đó khi dạy đạo thì Thầy truyền trò pháp thuật để hộ thân, sau đó mới truyền huyền công để thành Chân (đạo). Đời nay, phong khí xã hội bạc bẽo, lòng người không như xưa, nên nếu trước dạy pháp thuật, thì chỉ hại thân mà thôi. Do đó bây giờ ta trước tiên dạy huyền công, không dựa vào pháp thuật mà thân tự an, không cần dùng thần thông biến hóa mà Đạo tự thành. Khi thành Đạo thì thông đạt vạn sự; không cầu pháp thuật mà đắc pháp thuật. Đây chính là yếu chỉ của giáo nghĩa Toàn Chân.

Toàn Chân nghĩa là gì? Nghĩa là thuần chân.

Người người ai chẳng có Chân Tâm (Phật tánh)? Nhưng khi tâm động thì sai (với Chân Tâm) liền. Người người ai chẳng có Chân Ý (đại trí)? Nhưng khi tâm tạp nhạp thì mất (Chân Ý) liền. Người người ai chẳng có Chân Tình (đại bi)? Nhưng khi tâm lệch lạc thì trật (với Chân Tình) liền.

Tâm thuở ban đầu thì gọi là Chân Tâm: Nhưng khi tâm biến huyễn, nghĩ ngợi lung tung, thì tức là giả tâm. Ý ban đầu thì gọi là Chân Ý: Nhưng khi có tính toán so sánh thì gọi là giả ý. Chí tình thì gọi là Chân Tình: Nhưng khi lộn lạo, bạo ác, thì gọi là giả tình.

Tâm thuở ban đầu tức là tâm bản hữu (Phật tánh). Ý ban đầu lúc là tâm chưa có máy động nào trỗi lên (đại trí). Chí tình tức cảm nhận của bản tánh (đại bi).

Trong tâm có Chân Ý, Chân Tình. Nhưng ở trong tình cảm mới thấy được Chân Tâm và Chân Ý. Do ngộ Chân Tâm, nên mới biết Chân Ý. Do biết Chân Ý, nên mới có Chân Tình.

Tình cảm là hiện tượng tự nhiên, nhưng nó cũng chính là chỗ để trình hiện ra thiên cơ, do đó làm sao mà ta không thể chân thật với lòng được chớ! Nếu không có Chân Tâm thì sẽ không có Chân Ý, không có Chân Ý thì sẽ không có Chân Tình.

Tôi từng thấy những bậc tu đạo, khi động thì ý nghĩ ích kỷ dấy loạn cả lên; suy nghĩ ích kỷ thì tâm không ở chỗ chân thật. Khi yên tĩnh thì họ lại cùng dục vọng cặp kè; khi tâm niệm còn trong dục vọng thì tâm không ở chỗ chân thật.

Khi lòng tư dục, tức là lòng ích kỷ, chưa trừ tuyệt; hoặc tâm ta hoàn toàn không có chân ý, hoặc tâm ta nửa thật nửa giả, thì nên biết chỗ này chính là chỗ mà trời và người khác nhau. Đây là ý nghĩa (trời không tư dục, người có tư dục), mà cảm xúc không sao che dấu (lòng tư dục) được.

Muốn cảm nghiệm Chân Đạo thì trước hết phải cảm nghiệm Chân Tình. Khi cảm nghiệm dược Chân Tình thì sẽ biết tâm có thật hay không thật, biết động cơ có thật hay không thật. Do đó tu đạo Chân thật thì chắc chắn phải bắt đầu từ động cơ. Động cơ thành khẩn thì tâm mới thành khẩn, rồi khiến tình cảm lúc phát tâm cũng trở nên chân thành.

Nếu lòng thành này không thật, ta có thể thấy ngay trong lời nói: rằng lời không xuất phát từ nội tâm, không phải lời chân thật. Ta cũng có thể thấy ngay trong hành động: rằng làm mà không theo bản tánh tốt, không phải là hạnh chân thật.

Như vậy tu nghĩa là: trừ bỏ đi cái tâm (vọng niệm lăng xăng) bên ngoài Chân Tâm, bỏ đi cái ý (động cơ ích kỷ) bên ngoài Chân Ý, bỏ đi cái tình (tình cảm yêu ghét) bên ngoài Chân Tình. Khi suy nghĩ, nói năng thì phải mở ra Thiên Lương (lương tâm của trời), buông bỏ Nhân Tâm (cõi lòng phức tạp của phàm phu), không nên nghi ngờ, tâm sinh đối đãi, không nên khiến động cơ hỗn loạn tạp nhạp, thì mới đúng là Chân Tâm, Chân Ý, Chân Tình.

Tu như thế thì gọi là Chân Đạo. Khi Chân Đạo tới khắp nơi thì gọi là Toàn Chân.

Leave a Reply