111. Tay gỡ rối (2)

Good morning các Bác, anh chị. Đây là Dharma Espresso cho ngày hôm nay.

Thưa các Bác, khi Đức Phật còn tại thế, Ngài có nói về Tứ Diệu Đế, bốn chân lý về khổ. Một trong bốn chân lý đó là Khổ đế. Khổ đế là hiện trạng đau khổ của trần gian. Hiện trạng đau khổ này thì vô số, vô biên và Đức Phật tóm lại thành tám loại khổ.

Cái khổ đầu tiên là Ái biệt ly khổ, tức là yêu mà phải chia tay, thương mà phải chia tay. Đức Phật đã có nói về điều này từ mấy ngàn năm trước, bây giờ người ta mới khám phá ra rằng bên trong não mình có một vùng có nhiều bộ phận thuộc về cảm xúc, cảm tình, gọi là limbic system. Hệ thống limbic nhỏ này nằm ở phía trong, gần giữa cái não. Một trong những chức năng của nó là kết nối (bonding). Nó không suy luận, chỉ kết nối mình với một chúng sinh khác, kết nối hình ảnh mình với một chúng sinh nào đó, như với một người khác, một con chó, hay một con mèo nào đó. Bộ phận này tiết ra một hóa chất trong não làm cho mình cảm thấy gắn bó với người đó, và tự nhiên mình phát sanh ra một cảm xúc, cảm tình với người đó.

Thí dụ như Bác có con, Bác thương con cái của mình, nhưng đối với một đứa con khác, dù mặt mày nó giống như vậy, nhưng Bác không thể thương được, vì Bác không có sự gắn bó.

Sự gắn bó đó gọi là bonding, và cái bonding đó là một phần rất quan trọng của limbic system. Như khi hai người vợ chồng thương nhau, họ có sự gắn bó (bonding), bởi vì hai bộ phận limbic trong não của họ, giống như mình hay nói là cùng tầng số, nhưng thật sự ra là những ánh mắt, nụ cười của họ, những chuyện họ chia sẻ với nhau, tạo nên một sự kết nối rất quan trọng trong não của họ.

Thí dụ Bác nuôi một con chó, thì cũng tương tợ như vậy. Mình tưởng là mình nuôi nó, chỉ cần cho nó ăn, cho nó uống, nhưng các Bác có biết là nhiều khi con chó đứng nhìn mình và học cách mình đối xử với nó. Hai bộ phận limbic trong não của mình và của nó từ từ làm nhịp cầu nối lại với nhau. Cảm xúc của mình đưa qua, cảm xúc nó đưa lại, mà trí óc và sự suy nghĩ của mình hoàn toàn không hề hay biết. Những người thân, cha mẹ, vợ chồng, hay
con cháu của mình đều có một nhịp cầu bonding rất lạ với mình, vùng limbic của mình và họ nối trực tiếp với nhau. Cho nên khi một người thân nào đó vắng mặt, không còn nữa, thì mình đau khổ vô cùng.

Có một câu chuyện người ta kể lại rằng, có một bà vợ nọ rất thương ông chồng, nhưng ông lúc nào cũng đánh đập, chửi mắng bà cả. Lúc đầu họ yêu nhau thì họ rất dễ thương với nhau, nhưng sau này, ông hay abuse bà, nhưng bà không bỏ ông được, thà là bà bị đánh đập, bị hành hạ, bị mắng chửi. Cái bonding đó đã bị cột trong đầu của hai người này rồi, bây giờ có muốn gỡ, gỡ cũng không ra. Theo như câu chuyện, lúc ông chồng chết thì những người khác đều hoan nghinh vỗ tay và nói với bà rằng: “Cám ơn Trời Phật, ông luôn hành hạ bà, bây giờ ông chết rồi, mừng cho bà”. Nhưng không ngờ bà lại khóc nhiều hơn nữa, bà lại thương tiếc ông nhiều hơn nữa. Bà nói: “Tội ông”.

Thì ra khi sự gắn bó (bonding) bị cắt đứt đi, vùng limbic tạo ra sự đau khổ vô cùng. Sự đau khổ đó không phải của sự suy nghĩ, phần não suy nghĩ không hiểu được, nhưng phần não của cảm xúc cảm nhận được sự đau khổ đó. Do đó khi Đức Phật nói về Ái biệt ly khổ là nói về phần não cảm nhận sự đau khổ đó, và mình không thể tránh được, vì hệ thống limbic lúc nào cũng ở trong não của mình.

Mình có thể làm làm những chuyện để giảm thiểu hay nhẹ bớt sự đau khổ đó. Nhưng Bác có thể nói: “Thưa Thầy, bây giờ con thiền định, con đạt đến chỗ không ái, con cắt luôn tình yêu, tình thương, con cắt hết tất cả”. Bác nghĩ là Bác cắt hết, giảm hết, nhưng Bác không thể cắt đi phần não đó trong đầu của mình. Bác có thể reconditioning nó, tạo ra điều kiện mới để cho cái não có sự phản ứng khác, mình sửa đổi, mình dạy cho cái não phản ứng không kịch liệt, không đau đớn quá, nhưng mình không thể vất đi phần não đó được. Phần não limbic có trước phần não của sự suy luận, nó được tạo ra ngay từ lúc nhỏ. Điều đó các Bác có thể thấy từ những đứa con nít nhỏ xíu mới vài tháng tuổi, nếu Bác lấy đồ chơi đang trong tay của nó ra, nó khóc và giành lại, nhưng mà không nói được. Phần não nói năng và suy nghĩ được gọi là neural cortex, sẽ từ từ phát triển theo năm tháng. Còn phần limbic gần như đã có sẵn trong não từ lúc mình được sanh ra, và nó trưởng thành mau và mạnh hơn. Do đó, nhiều khi mình không thể nào loại bỏ những cảm xúc gắn bó với một người khác. Mình chỉ retrain nó.

Hôm nay tạm thời mình ngừng nơi đây, và tóm tắt lại là Ái biệt ly khổ mà Đức Phật nhắc đến hồi xưa, là hiện tượng có thật và do phần não limbic, phần tạo sự nối kết với nhau, làm cho mình thấy sự đau khổ đó. Trước khi Thầy ngừng lại, việc đầu tiên là Thầy chỉ mong rằng sự nối kết của mình với một người nào đó, lúc nào mình cũng nên hài hòa, lắng nghe và đừng để những tư tưởng lúc nào làm cho mình tiêu cực cả. Ngày mai mình sẽ nói về những chuyện gì tiêu cực, và mình sẽ nói đến những thức ăn, thức uống gì để giúp cho phần não đó lành mạnh. Vì nhiều khi có những nỗi buồn, những sự đau đớn vô cùng là do hệ thống limbic có nhiều vấn đề, hoặc không được lành mạnh, và có thể chữa trị rất dễ dàng bằng thuốc men, ăn uống, hay thể dục, thể thao.

Nhưng việc quan trọng nhất là mình nên lúc nào cũng nói chuyện với những người lành mạnh, vui vẻ, đó là năng lượng giúp cho mình ra khỏi cái kẹt của đau khổ rất mau.

Ngày mai mình sẽ nói rõ thêm hơn về cách làm sao cho phần limbic của mình được lành mạnh để mình đối diện với chuyện Ái biệt ly này, và giúp cho mình có thể vượt qua được một cách dễ dàng hơn.

Cám ơn các Bác đã lắng nghe, và chúc các Bác một ngày yên đẹp, vui và tỉnh.

Thầy Hằng Trường thuyết giảng
Nhóm Đánh Máy và Phiên Dịch Hội Từ Bi Phụng Sự thực hiện