Good morning, các bác, anh chị. Đây là Dharma espresso cho ngày hôm nay.
Vài tuần trước thầy đi Dallas. Khi vào trong phi trường và đang đi tới cái gate thì trước mặt thầy, chắc cũng khoảng 10 bước, là một bà mẹ với 3 đứa con, một đứa thì còn nằm trong nôi, một đứa bà bồng, còn một đứa khác thì chắc khoảng 3, 4 tuổi đi theo cầm búp bê chạy loăng xoăng. Thầy ở cách sau bà khoảng 10 bước thì thầy nhìn hai đứa nhỏ và tụi nó cũng thấy thầy. Bà đang đẩy đứa thứ ba nằm trong nôi. Đột nhiên đứa 3, 4 tuổi đang đi thì té xuống, búp bê hay có lẽ là con thú gì đó, văng ra ngoài. Bà mẹ ngừng nhưng không quay lại. Bà nói: “Come on. Get up, John. Get up, John.” Thầy đi khoảng 7, 8 bước thì tới. Thầy nhìn con búp bê và định lượm búp bê lên cho nó. Đột nhiên ngay hàng ghế ngồi bên cạnh đường đi có một em bé gái cũng khoảng 3, 4 tuổi chạy ra. Nó không rờ con búp bê mà ngồi xổm xuống. Mặt nó nhìn vào John. John cũng nhìn lại và bớt khóc một chút. Thầy bước gần hơn nên thấy rõ mặt con bé nhưng vẫn chưa thấy rõ mặt thằng John vì thầy đang bước xéo để tính lượm con búp bê. Thầy ngừng lại, nhìn con bé thì thấy nó thò hai tay ra để thằng John nắm vịn vào mà đứng lên. Thằng John lồm cồm đứng dậy và ngừng khóc. Cô bé cũng đứng dậy. Hai đứa cùng cười. Thầy sắp sửa lấy con búp bê thì cô bé cũng chạy qua lấy. Cha mẹ con nhỏ đó cũng ngồi trên hàng ghế bên cạnh đường, hơi xa một chút. Họ chỉ nhìn nhưng không nói gì hay phản ứng gì hết vì chuyện xảy ra quá lẹ. Cái đẹp vô cùng là con bé cầm tay thằng John xong rồi thì nó buông ra, đi lấy búp bê đưa cho John. Bà mẹ thằng nhỏ đứng nhìn; bà mẹ con nhỏ cũng đứng nhìn. Thầy cũng đứng nhìn nhưng trong lòng cảm thấy một bài học rất lớn về tình người và khả năng xoa dịu rất tự nhiên của con người chúng ta. Khi mình thấy ai đau khổ, ai bị nguy hiểm, khó khăn thì mình tới giúp một cách rất là tự nhiên, không cần ai phải dạy cả. Giống như đức Phật thường nói lòng lân mẫn, lòng thương có sẵn trong người rồi chỉ chờ cơ hội để phát triển và giáo dục tốt là giáo dục dạy cho chúng ta làm sao bày tỏ lòng thương đó đúng lúc, đúng thời dễ dàng hơn. Nhưng mà không có nghĩa là mình không có lòng thương; lúc nào mình cũng có lòng thương, cũng có sự lân mẫn cho nên đức Phật trong kinh Hoa Nghiêm cũng như nhiều kinh khác thường nói chữ đại bi tâm còn gọi là lân mẫn tâm. Tâm lân mẫn này mình dịch là empathy, là lòng cảm thông được nỗi đau khổ của người ta. Tại vì cảm được cho nên thấy người ta khổ mình cũng khổ và mình muốn xoa dịu nỗi khổ đó. Và đó là một đặc tính hay vô cùng, các bác biết không.
Các bác thấy những lễ nghi của chúng ta thường là mình cũng vì muốn phát triển lòng lân mẫn, thí dụ như khi có người qua đời thì nhóm viber mình gởi lời chia buồn, gởi lời cầu nguyện và mình cùng niệm chú để mà hồi hướng. Khi chúng ta đi thăm những gia đình có người nào vừa mới qua đời, mình gọi là đi dự tang lễ, nhưng mà thật sự mình đi dự để xoa dịu nỗi buồn, đi support những người có thân nhân đã nằm xuống.
Các bác thấy chuyện đó rất là tự nhiên. Người có bịnh thì mình tới thăm, gọi là đi thăm viếng, ủy lạo, đi tiếp sức, đi làm cho xoa dịu. Đức Phật nói rằng hạnh đi thăm viếng người bịnh là phước điền cao nhất trong các phước điền. Bởi thế, chuyện mà ta làm có thể rất nhẹ nhàng bình thường như đi thăm người già, người bịnh, thăm những người đang đau khổ rất là cần thiết. Chỉ có một điều là muốn đi thăm những người này cho dễ dàng thì mình cần có tâm đồng cảm. Nhiều khi thấy ai té thì mình cười trước cái đã, rồi mới hỏi có sao không. Ít khi nào người ta té một cái là mình chạy tới liền để coi họ có đau không. Mình cười cái đã, giống như mình release cái stress trong người đó các bác. Thái độ khi mình thấy người có sự đau khổ hay khó khăn, thay vì mình cười, mình chế nhạo, thì mình tới để cho lời an ủi, có lẽ hợp với đạo lý hơn. Đó cũng là một cách để mình phát triển lòng lân mẫn. Hạnh đó là hạnh xoa dịu, cái tay xoa dịu đó bác. Không có gì khó khăn cả. Các bác hãy ngồi nghĩ một phút tới những người xung quanh mình. Bác nghĩ tới cha, tới mẹ, tới những người khác, mình nên xoa dịu bằng những lời nhẹ nhàng hơn là những lời dữ dằn vì người nào cũng đau khổ cả bác ơi. Không có ai mà không đau khổ cả. Chỉ có chuyện là mình muốn đồng cảm hay không, mình có lòng để khởi lên sự lân mẫn hay không. Bởi vậy cho nên đức Quán thế Âm bồ tát dạy chúng ta rằng cái tay xoa dịu cũng giống như nước sẽ làm cho bao nhiêu nỗi khổ, nỗi buồn của mình vơi đi. Và các bác biết là những em bé mới đẻ ra lúc nào nó cũng cần có người bồng, người tiếp xúc va chạm. Cái touch hay sự xúc chạm của da thịt con người (cầm tay hay ôm) rất quan trọng. Các bác thấy trong văn minh của loài người, chuyện tiếp xúc của bàn tay quan trọng đến độ nó là một văn hóa, văn hóa biểu hiện sự lân mẫn và tình thương.
Thầy sẽ nói tiếp vào ngày hôm sau. Chúc các bác một ngày vui vẻ và xin các bác hãy thực hành ngay cái hạnh xoa dịu tức là mình đem lời nói và sự xúc chạm đến những người mà mình biết trong lòng có sự khổ. Nhiều khi bác chỉ cần viết một câu văn, nói một câu hay là chỉ xúc chạm bàn tay người ta một lần thôi mà không biết bao nhiêu nỗi buồn trong lòng người ta đã hóa giải rồi.
Cám ơn các bác đã lắng nghe. Chúc các bác một ngày vui, tỉnh, và có nhiều cơ hội để xoa dịu.