99. Tay Buông Đi 9

Good evening các bác, các anh chị.

Đây là Dharma Chamomile.  Chamomile là một loại dược thảo, cũng là một loại trà mà khi uống vào thì tim của mình sẽ đập nhẹ lại, óc của mình sẽ thanh thản ra và mình sẽ rất dễ ngủ.  Chamomile được dùng làm trà để uống buổi tối vì nó không có caffeine.  Buổi sáng thì mình uống cà phê Pháp, Dharma Espresso cho tỉnh táo nhưng buổi tối, lâu lâu, nếu thầy rảnh thì thầy sẽ pha một ly trà chamomile cho các bác uống để các bác ngủ cho ngon.

Thưa các bác, A Dục Vương là một vị vua nổi tiếng, không những là nổi tiếng đối với nhà Phật, mà nổi tiếng khắp nước Ấn Độ, bởi đặc tánh thay đổi từ đen ra trắng, từ một người ác đức ra một người rất hiền lành, nhẹ nhàng.

Thưa các bác, người ta viết rất nhiều chuyện huyền thoại cũng như thần thoại về ngài.  Nhiều khi, những người này muốn chúng ta có sự thành tâm nên biến những câu chuyện thành mê tín hay cuồng tín. Nhưng có một chuyện của ngài Asoka rất cảm động mà thầy muốn kể lại cho các bác nghe, đó là chuyện sau trận chiến Kalinga.

Trận chiến này là một trận chiến đẫm máu.  Bên triều đại Maurya của đức A Dục Vương đã chiến thắng và Kalinga đã thua, cả trăm ngàn người chết và một trăm năm mươi ngàn người bị bắt làm tù binh.  Tối hôm đó đầy xác người chết và mùi thối, mùi tanh tưởi của máu đã bốc lên.  Ngày hôm sau, ngài thức dậy rất sớm để đi thanh tra mặt trận có nhiều người chết đó.  Lúc ngài đang đi thì thấy một chiến binh già đang rên rỉ.  Ngài xuống ngựa, đi bộ tới, quỳ xuống, thấy người chiến binh đó đang cố với một bình nước.  Ngài không giúp người chiến binh này mà ngài cũng không giết, ngài chỉ lẳng lặng nhìn.  Người chiến binh kia thấy ngài tới thì lại buông tay, không cầm bình nước nữa mà chỉ tay vào mặt ngài, nói: ‘ Đồ quỷ sứ, đồ ác quỷ! ‘.  Ngài ngạc nhiên vô cùng.  Tới giây phút cuối cùng như vậy mà một người sắp chết lại chỉ vào mặt mình và nói mình là ác quỷ.  Thật là một điều làm chấn động ngài!  Ngài chưa kịp phản ứng thì người chiến binh già đó tắt thở.  Tay buông xuống nhưng mắt vẫn trợn lên nhìn ngài.  Cặp mắt đó đánh sâu vào tâm khảm của đức Asoka, nó ám ảnh ngài trong nhiều năm sau.  Ngài đứng lên tiếp tục đi.

Trong đội Kalinga, có nhiều người bị bắt làm tù binh.  Xe của Asoka là xe Maurya, cũng có rất nhiều người đi theo, những gia đình đi theo để hổ trợ, nấu ăn, nấu nướng v.v… Có một bé gái thơ thẩn  tìm cha, đã tìm được người cha của mình và đang ngồi khóc.  Ngài ngạc nhiên vô cùng, ngài tới bên em bé đó và hỏi: ‘ Cha con chết rồi à? ‘ Em bé ngẩng đầu lên gật đầu, rồi nhìn ngài với cặp mắt vô cùng tức giận.  Em bé đó chắc cũng khoảng chừng mười, mười một tuổi thôi các bác.  Em nhìn ngài chăm chăm và cũng thốt ra một lời cực kỳ tức hận: ‘Quốc vương, ngài đúng là một ác quỷ ‘.  Em nói với giọng không phải là hằn học, mà buồn thảm vô cùng.  Lời nói đó bây giờ còn mạnh hơn là lời của người chiến binh Kalinga, làm cho ngài giật mình thối lui lại, khi mà một đứa bé cùng phe với mình nói lên một câu như vậy.  Đứa bé nói tiếp: ‘Không còn ai là bạn của ngài nữa đâu, ngài đã làm cho tất cả mọi người chết hết rồi’.  Ngài rất ngạc nhiên về lời kết tội đó, còn nhiều người còn sống lắm mà?  Nhưng ngài chợt thức tỉnh, cha của đứa bé đã chết mà cả gia đình của em cũng chết hết rồi, không còn ai làm bạn với ngài thiệt.  Ngài bị  khước từ, phủ nhận bởi một cô gái nhỏ.  Trong lòng xốn xao vô cùng, ngài đứng lên nhìn khắp nơi, thấy máu rơi và ngài cảm thấy rằng: ‘ Đúng, thật là đau khổ ‘.

Nhưng mà các bác ngồi suy nghĩ đi.  Ngài đã chứng kiến, đã giết rất nhiều lần, mà không có một cái gì làm cho ngài bị xốn, bị đau, bị khổ cả.  Những chuyện như vậy ngài không thấy có gì là chấn động cả nhưng mà tại sao lời nói của một vị chiến binh già và một cô gái trẻ đó lại làm cho ngài chấn động? Là bởi vì con người của mình, sau một thời gian làm ác rồi, sẽ có lúc lương tri mình thức tỉnh.  Giây phút thức tỉnh đó sẽ tới lúc nào mình không biết.  Có thể nó tới lúc mình đã làm quá nhiều thứ ác, có thể nó tới lúc mà mình không thể tưởng tượng được, trong lúc mình đang mệt mỏi với tất cả những gì xấu xa mình đã từng làm.  Những điều đó, lương tri sẽ không bỏ qua cho mình, nó sẻ thức tỉnh và thức tỉnh vào những lúc mà mình không thể ngờ, không thể kháng cự lại.  Lời nói nhỏ nhiệm của lương tâm sẽ nổ đùng lên như một trái bom nguyên tử vậy các bác.  Đó là giây phút cực kỳ độc đáo qua lời nói của người chiến binh già cũng như là của cô gái mồ côi.

Ngài thẩn thờ đi bộ trở lại.  Trong trướng của ngài, ngài thấy những vị mà hồi đó mình gọi là tăng già Phật giáo.  Những người xuất gia thời đó là một thiểu số chứ không phải là đại đa số.  Những vị tăng đó đứng lên nhìn ngài chăm chăm.

Khi ngài đi ngang, một vị tăng mỉm cười nói với ngài: ‘ Con đang buồn à? ‘.

Một giọt nước mắt của ngài từ từ rơi ra, ngài nói: ‘ Ta đang bâng khuâng, nhưng không biết là cảm xúc gì? ‘.

– Đó, có lẽ đây là giây phút mà con thấy được, cảm nhận được nỗi đau khổ của những người bị thương, của những người đã chết, của những người không làm chủ được tính mạng của họ.

A Dục Vương quỳ xuống.  Quỳ không phải vì mình muốn quỳ mà bởi vì tay chân rụng rời.  Ngài nói như thế này: ‘ Con phải làm sao bây giờ? ‘.

Vị tăng mỉm cười nhìn ngài nói: ‘ Con phải biết rằng con tạo tội bao nhiêu thì con cũng có thể làm phước bấy nhiêu, lấy công mà chuộc tội.  Bao nhiêu người con đã làm cho đau khổ thì bấy nhiêu người con phải làm cho sung sướng.’

A Dục Vương hỏi: ‘Nhưng mà những người đã chết rồi thì làm sao mà con làm cho họ sung sướng được?’.  Vị tăng nói: ‘Nhưng còn vô số những kẻ đau khổ, còn vô số những kẻ không biết ngày mai sẽ như thế nào, còn vô số những kẻ mà con sẽ chinh phục đất đai của họ và sẽ giết họ’.

A Dục Vương nói:  ‘Đúng, như vậy con phải làm gì bây giờ?’.

Vị tăng nói: ‘Thay vì con chinh phục đất đai và giết họ thì con hãy chinh phục con tim của họ, làm cho họ có hạnh phúc, làm cho họ có sức sống’.

– Nhưng làm như vậy thì con có thể nào gỡ bỏ đi tất cả những tội nghiệp mà con đã tạo ra, làm ra rồi?

– Ăn thua là nếu tâm con thay đổi thì con mới có thể làm cho bao nhiêu nghiệp chướng, bao nhiêu sát nghiệp của con từ xưa được tiêu trừ, còn không thì quả báo vẫn sẽ tiếp tục.  Con hãy làm lợi cho người sống, hãy tế độ cho người chết, giúp cho họ bớt đi những đau khổ và làm giảm bớt đi những sự thù hằn.

– Nhưng mà con làm sao cho họ hết được những sự thù hằn?

– Con hãy chấm dứt sự thù hằn trong tâm con.

Thưa các bác, đó là một mẫu chuyện rất độc đáo.  Đương nhiên là thầy có biên soạn thêm để make sure nó có ý vị nhưng đó là một câu chuyện được truyền lại trong nhiều năm tháng để nói rằng đức A Dục Vương là một người rất đặc biệt vì biết nghe lương tâm và biết cải thiện.  Vì vậy cho nên, cuối cuộc đời của ngài, ngài không chết vì bị mưu đồ sát hại, chém giết mà ngài chết rất là thảnh thơi.  Bao nhiêu tài sản, tư tài, vàng bạc châu báu của ngài, ngài đều cho hết cho những người xung quanh và ngài chết rất là tự tại, thản nhiên vô cùng chứ không phải chết quằn quại vì đau đớn.  Đó là bằng chứng của chuyện là mình có thể quay ngược lại sát nghiệp dù sát nghiệp là một loại nghiệp khó trả nhất trong tất cả các nghiệp sát, đạo, dâm, vọng, tửu.  Đó là một cái duyên mà chúng ta có thể thấy rằng, nếu mình buông đao thì lập tức thành Phật.  Mình có thể thay đổi được tâm tư thù hằn, tâm tư dai dẳng theo đuổi những chuyện ích kỷ, chỉ muốn chứng minh quyền lực, chứng minh bản ngã của mình.  Mình buông bỏ đi rồi thì tự nhiên mình thay đổi được cuộc đời.

Bài học quan trọng nhất để chúng ta có thể ngủ ngon đêm nay là khi nằm xuống, nhắm mắt lại đêm nay thì chúng ta hãy buông đi những tư tưởng, những người mình đã ghét, đã thù, đã khó chịu.  Hãy buông đi.  Buông đi những tư tưởng đó để thấy rằng, sáng mai mở mắt dậy thì mình có cuộc đời mới, tái tạo được vận mạng mỗi ngày.  Lúc nào mình cũng biết rằng chuyện ác mà mình làm hồi xưa, đêm nay mình có thể ngừng lại và bắt đầu một tư tưởng mới cho ngày mai.

Chúc các bác một giấc ngủ ngon.  Hy vọng rằng đức A Dục Vương luôn luôn ở trong lòng của bác và hướng dẫn bác đi tới một ngày đẹp trong tương lai.

 Thầy Hằng Trường thuyết giảng