86. Tay Cho Ra, Mắt tri Ân – 6

Thưa các bác, anh chị, khi mình tu Tay Cho Ra, mình phải chấp hai tay lại với nhau.  Tên chính thức của Tay Cho Ra trong Tứ Thập Nhị Thủ Nhãn gọi là Hợp Chưởng Thủ Nhãn.  Khi tu Hợp Chưởng Thủ Nhãn là mình đem hai tay chấp lại với nhau. Tay trái và phải người Mỹ gọi là wrong and right, đọc cho thuận là right and wrong.  Mình đem hai thái cực đúng và sai (right and wrong, phải là đúng, trái là sai) hợp lại với nhau để trở thành một, có nghĩa là thị phi hợp nhất, đúng sai là một. Mình tu hai đối cực đó như vậy thì từ từ mình sẽ đạt tới sự như nhiên, trạng thái bất nhị. Mình thấy được sự đối nghịch của hai bên, nhưng mình sẽ vượt lên trên để mà chấp nhận và hài hòa hai đối cực.

Khi mình nhập thế thì lúc nào mình cũng có những sự mâu thuẫn, thí dụ như mình ghét một người, mình phê bình người đó, nhưng mà mình phải làm việc với người đó. Đó là một sự mâu thuẫn của tâm và thân của mình.  Mình ghét, mình chê bai nói xấu sau lưng, mình phê bình họ, nhưng làm việc thì vẫn làm việc, vẫn gặp mặt.  Gặp mặt thì mình chào một cái, gượng một nụ cười.  Nhưng mà chê bai vẫn chê bai, ghét vẫn ghét, phê bình vẫn phê bình.  Nhiều khi mình phải sống với sự mâu thuẫn cực kỳ đó và từ từ sự mâu thuẫn đó tạo nên một nét mặt lúc nào cũng thấy khắc khoải, lúc nào cũng trở nên khó khăn không biết làm sao mà giải quyết. Và từ từ những sự khó khăn đó trở thành những nếp nhăn đặc thù vô cùng. Những nếp nhăn đó không thể nào biến mất khi mình vẫn tiếp tục có những mâu thuẫn như vậy. Chúng sẽ tiếp tục hiện diện, không phải chỉ một năm, hai năm mà nhiều khi cả đời, và từ đời này cho tới đời khác.

Sự mâu thuẫn đó nhiều khi giống như giả bộ vậy.  Mình không muốn làm nhưng vì vừa lòng người khác mình làm. Mình không muốn nói nhưng vì vừa lòng người khác mình vẫn phải nói.  Nhiều khi những điều mình nói ngược hẳn với tánh tình và tâm thức của mình.  Cho nên, mình cần phải tu Hợp Chưởng để tiêu dung hai chuyện đối cực đó. Và mình có cái nhìn khác là cái nhìn lúc nào cũng biết ơn những  người nói những lời hay những chuyện xúc phạm tới mình.  Tuy họ làm mình khó chịu nhưng mình phải nhìn họ với cặp mắt không những là cám ơn, cảm kích, tha thứ, bao dung, mà với cái nhìn cao hơn để thấy rằng mình với người đó cùng trong một mạng lưới nhân duyên.

Cái nhìn đó không thể nào dùng trí thức để suy luận được.  Nó chỉ có thể xảy ra trong phần siêu ý thức.  Muốn được như vậy, các bác phải tu Hợp Chưởng.  Các bác càng tu thì các bác càng có cái nhìn cao hơn và càng thấy sự mâu thuẫn trong tâm của mình từ từ biến mất.  Khi mình phê bình hoặc ghét một người nào, mình từ từ sẽ nhìn thấy mặt trái của mình.  Mình nhận ra lý do là vì mình ghen, mình tức, mình giận, vì người đó không đúng với cái mẫu mực mà mình suy nghĩ, không đúng với cái tiêu chuẩn mà mình có, hay không đúng với sự control mà mình lúc nào cũng cần phải hiển hiện.  Thưa các bác, Tay Hợp Chưởng mầu nhiệm vô cùng vì nó sẽ khiến cho mình có một cái thấy rất là cao, giúp cho mình chấp nhận và đánh tan đi sự mâu thuẫn lúc mình nhập thế sống với đời.  Khi xuất tục hay khi ngồi thiền, sự mâu thuẫn này kinh khủng vô cùng vì nó sẽ tạo ra khi bác ngồi thiền, bác tu một mình. Cảnh giới trong tâm của mình sẽ mạnh vô cùng, kéo mình ra khỏi sự sáng suốt bất nhị và đưa mình vào trong nhị nguyên ngay lập tức.  Nó sẽ làm cho hai cái tay rời ra. Cái làm chết mình nhất là những hận thù trước khi mình ngồi thiền. Ghét ông này, bà nọ, ghét người hại mình. Nhiều khi mình kẹt với người đã nói xấu mình và mình sẽ đi vào cảnh giới so sánh mình với người này, người kia.  Mình bị kéo ra khỏi sự bất nhị, lúc nào cũng tạo ra một đối tượng nhân với ngã, tôi với người.

Cho nên khi nhập thế, đúng với sai mạnh ghê gớm, nhưng khi ngồi thiền thì mình với người rất là kinh khủng. Cái ‘Tôi’ hiện ra trong câu chuyện mình nói với chính mình, trong lúc mình đang có cảnh giới và nó cứ kéo dài như vậy làm cho mình ngồi enjoy cảnh đó.   Mình bị một cảnh giới hoặc câu chuyện của mình kéo mình đi, không thể nào buông xuôi được, nhẹ nhàng được. Do đó, khi tu Hợp Chưởng thì mình sẽ thấy rõ là lúc ngồi thiền, mình chạy theo cảnh giới.  Cảnh giới đó mạnh lắm. Nó sẽ nói những câu bắt buộc mình phải nghe theo.  Cho  nên mình cần phải buông và tiếp tục buông đi.  Cái buông đó chính là đặc tánh của Hợp Chưởng, chớ không phải là tay buông ra.  Mình buông đi để mình nhìn cao hơn nữa, để thấy rằng tất cả chỉ là một thôi.  Và khi ngồi tu, cảnh giới mình thấy là bóng tối. Bóng tối và ánh sáng chỉ là một.  Sức mạnh của bóng tối muốn kéo mình ra khỏi ánh sáng. Hãy để cho cảnh giới bóng tối nhẹ nhàng tới rồi đi.

Khi bác nhập thất hay tu một mình, hãy coi chừng những lời nói lúc nào cũng huớng về: “Tôi đau khổ quá.  Tôi bị người ta lừa.  Tôi bị người ta chửi, bị người ta mắng, bị người ta nói thế này, bị người ta ghét thế này.’  Những lời nói tủi thân, những lời nói self pity, tự mình thương hại hoặc những lời muốn trả thù, muốn trả đũa; tất cả những thứ đó sẽ kéo mình ra khỏi sự tĩnh lặng nội tại.  Cho nên, khi bác càng tu Tay Hợp Chưởng thì bác càng thấy nhẹ nhàng vô cùng.  Một cách dễ dàng nhất để tập là khi thấy ai thì bác chấp tay chào một cái để tự nhắc nhở rằng mình và người đó hợp nhất, và hễ bất kỳ chuyện gì xảy ra trong cuộc đời của mình hay trong lúc tu thiền, mình hãy nhớ tới Hợp Chưởng, hãy để cho tất cả hòa hợp như nhất.

Bài này hơi khó, nhưng Thầy sẽ nói tiếp.  Chúc các bác một ngày vui đẹp.  Chúc các bác tỉnh.