76. Mạn Đà La Quán Âm

Thưa các Bác, anh chị, chỉ còn một, hai tuần nữa thôi thì mình sẽ bắt đầu Pháp hội Di Đà.
Trong Pháp hội Di Đà, mình có Mạn Đà La Đại Bi Quán Âm. Từ xưa đến nay, mình có Mạn
Đà La Vô Lượng Quang Minh, Mạn Đà la Di Đà, và Mạn Đà la Viên Dung; những Mạn Đà
La đó đều nói lên đặc tánh xuất thế hay xuất tục, đặc tánh mà hào quang tự tánh lúc nào cũng
lan tỏa, lúc nào mình cũng có thể cảm nhận được. Ở giữa Mạn Đà La là hình đức Phật Di
Đà, chắc là các Bác lúc nào cũng nhớ tới hình tượng bằng lưu ly rất đẹp ở giữa, lúc nào cũng
có đèn tỏa chiếu cả. Đó là một hình ảnh rất quan trọng, muốn nói lên rằng trong cuộc sống
của chúng ta, lúc nào mình cũng có đức Phật Di Đà bên trong tâm mình lan tỏa ánh sáng ra
cả. Sự lan tỏa của ngài không hề bị chướng ngại bởi phiền não của mình. Nếu mình có phiền
não, nếu mình có những chuyện khó khăn, nhiều khi thân mình bệnh hoạn, nhiều khi mình
chất chứa đầy đau khổ, đôi khi trong người mình không biết có bao nhiêu sự mâu thuẫn,
nhưng đức Di Đà trong lòng của mình lúc nào cũng hiển hiện, lúc nào cũng tỏa chiếu ánh
sáng cả.
Đó là một điều rất là đặc biệt, vì vậy trong kinh Hoa Nghiêm, đức Di Đà được coi là tượng
trưng cho Lý pháp giới, tức là lý tánh. Những chuyện đau khổ vui buồn, những kinh nghiệm
trong cuộc sống của mình gọi là Sự pháp giới, (sự là hiện tượng), hay hiện tượng giới. Như
vậy khi mình có vòng tròn trong Mạn Đà La, hình tượng đức Di Đà ở giữa, bên ngoài có năm
cái hình vuông, biểu tượng cho lý và sự hoàn toàn không có ngăn trở nhau. Lý sự vô ngại, đó
là triết lý rất là quan trọng của Pháp hội Di Đà.
Trong Mạn Đà La năm nay, thay vì mình để hình tượng đức Di Đà ở giữa, mình để hình
tượng đức Bồ tát Quán Thế Âm có sáu cánh tay và sáu con mắt tỏa chiếu ra. Hình tượng đức
Di Đà tượng trưng cho con đường đi lên, con đường giải thoát bên trên, thì bây giờ hình
tượng của đức Đại Bi Quán Âm tượng trưng cho con đường đi xuống, con đường nhập thế,
con đường cứu khổ, cứu nạn chúng sinh. Cả hai đều gọi là Lý pháp giới hay lý tánh. Sự
pháp giới là hiện tượng giới mình đang thấy, bất kể chuyện gì trong trong đời mình, đau khổ
cỡ nào, cũng đừng bao giờ quên rằng là Phật tánh lúc nào cũng hiển hiện cả, cho nên lý sự vô
ngại là nghĩa như vậy. Mình đừng bao giờ nghĩ rằng là mình đau khổ, mình làm nhiều điều
xấu xa, mình không có phật tánh. Lúc nào mình cũng có phật tánh cả, lúc nào phật tánh cũng
hiển hiện, chỉ có điều là mình không tới được phạm vi vô ngại thôi. Cũng giống như mình
nói mây che mặt trời, thật sự mấy không che mặt trời, mây chỉ che cái nhìn của mình để thấy
mặt trời, mây không hề che được mặt trời.
Thưa các Bác, Mạn Đà La Đại Bi Quán Âm năm nay đặc biệt vô cùng, vì nó nói đến cách
thức làm sao đem bản tánh của ngài Quán Âm đi vào trong vũ trụ của hiện tượng giới, của sự
pháp giới. Nếu muốn cho cuộc sống được vô ngại, mình phải đem Quán Âm Bồ tát vào trong
cuộc sống, tức là mình phải đem sáu điều tu hành căn bản nhất vào cuộc sống. Sáu điều này
chính là: Cho ra, Buông đi, Xoa dịu, Gỡ rối, Nhấc bổng và Mãn nguyện. Đó là sáu cái tay
của đức Quán Âm.
Thưa các Bác, trong vòng liên tục mười năm qua, Thầy có năm chữ T: Thương, Tha thứ,
Thôi, Tùy, Thoáng; và sau đó là sáu chữ T là: Thương, Tha thứ, Thôi, Tùy, Thoáng, Thông.

Sáu chữ T này nói về Tâm, nói về phát triển nội tại, cái tâm của mình, tức là mình tu đức Di
Đà, mình tu Mạn Đà La Di Đà, không nói về Thân. Nhưng bây giờ mười năm sau, mình qua
giai đoạn mới, mình phải trở nên đức Quán Thế Âm Bồ tát, hội Từ Bi Phụng Sự chúng ta nên
tu cái tay và con mắt trong thời đại này và trong khoảng không gian này. Cái tay là phương
tiện, thành ra từ sáu chữ T: Thương, Tha thứ, Thôi, Tùy, Thoáng, Thông bây giờ đổi thành:
tay Cho ra, tay Buông đi, tay Xoa dịu, tay Gỡ rối, tay Nhấc bổng, và tay Mãn nguyện. Và
mình phải tu từ cái tâm ra con mắt là cái nhìn. Con mắt ở giữa tâm và tay, con mắt đó là: mắt
Tri ân, mắt Thấy tánh, mắt Hiền lành, mắt Thấy suốt, mắt Tha thứ, và mắt Tin sâu.
Trong bài này, Thầy muốn nhắn với những vị Thiện nguyện viên, những người trong ban
Quan hoài, ban Ân cần, hy vọng là các anh chị, nhớ tới những đặc tính quan trọng này. Có
nghĩa là chúng ta phải làm sao cho những người tới với Pháp hội, đều cảm thấy là họ được
cho, đều cảm thấy là khi vào đây thì họ buông đi được những chuyện khổ nạn ở nhà, họ được
xoa dịu đi tất cả những nỗi niềm đau khổ, và họ cảm thấy họ có thể gỡ rối được, họ thấy được
những câu đáp án không phải từ Thầy nói, mà từ những người họ tiếp xúc. Khi những nguời
tới Pháp hội, họ sẽ thấy người nào cũng đầy tình thương và nhấc bổng họ lên, và cuối cùng
họ có những điều thầm kín trong lòng, họ thấy giống như được mãn nguyện. Thưa các Bác,
anh chị thiện nguyện viên, xin các Bác hãy tập nhìn, tu theo sáu cái tay của đức Quán Âm,
sáu con mắt của đức Quán Âm, và mình phải làm sao trong Pháp hội Di Đà, Mạn Đà La Đại
Bi Quán Âm này, mình thật sự làm cho người ta thấy mình là những vị tập sự làm theo hóa
thân của đức Quán Âm, ai vào cũng cảm thấy được những bàn tay của đức Quán Âm Bồ tát
từ những cánh tay của các vị thiện nguyện viên, cũng như của những vị trong ban Ân Cần,
ban Tiếp tân đang mở ra, làm cho họ cảm thấy họ đang đi vào cảnh giới của đức Quán Thế
Âm Bồ tát.
Cám ơn các Bác đã lắng nghe và chúc các Bác lúc nào cũng nhớ rằng mình không phải là
những người sống không có lý tưởng, mình hãy nghĩ lý tưởng của mình là trở thành những vị
hóa thân của đức Quán Thế Âm Bồ tát. Chúc các Bác một ngày đẹp, vui và tỉnh.
Thầy Hằng Trường thuyết giảng