73. Hòa hợp tim, gan, phổi

Good morning các Bác, anh chị.  Hôm qua Thầy nói rằng khi mà mình sắp sửa choàng tỉnh, thì thường thường là lúc gan và phổi đang giao tiếp với nhau, một năng lượng đi lên và một năng lượng đi xuống.

Gan đem tất cả năng lượng trong người của mình đi lên, hướng về Chân, Thiện, Mỹ, trong lúc phổi đem năng lượng lan tỏa xuống tất cả mọi nơi trong thân xác của mình cho nên gọi là phách.  Nếu bình thường mình lệch lạc trong con đường Chân, Thiện, Mỹ, hay mình làm những chuyện gì sai, thì lúc hai cơ phận đang giao tiếp với nhau (lúc mình sắp sửa choàng tỉnh), mình hay nghe những lời nói từ chân tâm phát ra.  Đó là tiếng thức tỉnh ta, để ta khỏi kẹt trong bản ngã, những tiếng nói đó rất nhỏ nhiệm vi tế.  Nếu cái bản ngã mình càng mạnh thì mình càng khó nghe được những lời nhắc nhở đó.  Nhưng lúc nào tiếng nói đó vẫn tồn tại,  nếu lời nói đó không nhắc nhở ta được bữa sáng, thì nó sẽ nhắc ta bữa trưa, lúc ta ngủ, lúc ta ngủ sâu, hoặc ban đêm và nhiều cách khác.  Nếu không được nữa, thì lời nhắc nhở sẽ đến bằng cách là biểu hiện cảnh giới bên ngoài do mình chiêu cảm tới.  Như thế con người của mình không ngừng có những chỉ điểm để mình hướng về Chân, Thiện, Mỹ.  Đó là một trong những đặc biệt nhất của con người chúng ta là mình có sẵn một động cơ, một động năng để hướng tới Chân, Thiện, Mỹ.  Khi chúng ta sống thì thường thường mình phải nên chú ý tới, nên nghĩ tới việc hướng về Chân, Thiện, Mỹ.  Con người mình không thể nào hoàn toàn là Chân, là Thiện, là Mỹ cả, nhưng mình cũng không hoàn toàn là ác tức là lúc nào mình cũng có cần phải tiến bộ, hay cầu tiến.  Bởi vậy mình phải bớt kiêu ngạo nên khiêm nhường hơn.

Cái động năng đẩy mình hướng về Chân, Thiện, Mỹ đó cần phải có một cái ông vua.  Ông vua này làm cho tất cả các năng lượng trong người mình đi theo, làm cho tinh thần của mình cũng phải hài hòa theo năng lượng đó.  Năng lượng của thân thể và năng lượng của tâm linh phải hài hòa, hòa hợp với nhau.  Vậy cơ phận nào là ông vua?  Con tim là ông vua, tim còn là cái nhà của thần.  Con tim chỉ huy một cách độc đáo vô cùng, con tim chỉ ngồi một chỗ và ra lệnh, tất cả đều nghe theo.  Tim bơm máu đến tất cả mọi nơi, không chỗ nào không đến, cũng như mệnh lệnh vua tới khắp tất cả mọi nơi, mọi người đều phải nghe theo.  Con tim tượng trưng cho tình thương, cũng là lòng vị tha.  Tình thương hay lòng vị tha, gần như đồng nghĩa với nhau, chỉ khác một chút.  Lòng vị tha là nói về tác dụng của tình thương, còn tình thương là cái bản thể, là một sự lan tỏa, sự ấm áp quan hoài, là một cảm xúc làm cho người khác có thể chuyển cải.  Cho nên tình thương là một cái rất là đặc biệt mà chỉ có con tim mới tạo ra (generate) được, và chỗ đó gọi là thần, không có con tim thì mình không thể sống được; và đương nhiên là không có cơ phận nào mình thiếu mà mình sống được.

Ông vua thì lúc nào cũng hướng tới lòng vị tha, giúp người, đem thân xác mình ra phục vụ, nhưng mà ông tướng (gan) thì làm cho tất cả bộ đội, quân lính, tất cả người làm việc đi tới chỗ Chân, Thiện, Mỹ, nên lòng thương phải bày tỏ trong cái phương hướng Chân, Thiện, Mỹ.  Ông vua ngồi ra lệnh, ông tướng nhận mệnh lệnh đó đi ra ngoài thống lãnh quân đội thì quân đội đó phải hướng tới Chân, Thiện, Mỹ, chớ không phải là đi đánh giặc.  Cho nên gan bài tiết ra tất cả những cái xấu xa để hướng tới Chân, Thiện, Mỹ, hướng tới cái tốt đẹp hơn, đó là chiều hướng của hướng thượng.

Nhiệm vụ đem tình thương về tất cả mọi nơi thì đó là phương hướng của phổi.  Phổi có cái khả năng hít vào khí O2, thở ra tức là cho ra khí CO2, thêm chữ C nữa, tức là Carbon.  Khi mình thở ra, mình cho ra thêm nữa.  Phổi, còn gọi là trụ sở hay cái nhà của cái phách, thì cái phách đó tượng trưng cho những người làm việc, những người mình gọi là sĩ quan, những người làm việc trong làng, trong phường, trong quận.  Những người đó là những bậc lãnh đạo của từng vùng, từng nhóm, từng chỗ, họ có nhiệm vụ là cho ra.  Cho nên ông tướng thì hướng dẫn người ta tới con đường Chân, Thiện, Mỹ, nhưng cái phách, sự lãnh đạo của từng vùng thì phải cho ra.  Nếu cho ra được thì mới tốt được.

Tim là lòng vị tha, lúc nào cũng nghĩ tới người khác.  Gan là hướng thới Chân, Thiện, Mỹ cũng giống như đường đời của mình, mình phải chọn con đường, từ nghề nghiệp cho tới những việc mình làm thường xuyên, phải hướng tới Chân, Thiện, Mỹ, không làm việc ác, hay hại người, phải đưa tới cái đẹp.  Phổi là quan hệ của mình và những người gần gũi của mình.  Mình phải dùng tay cho ra, như Quán Âm Bồ tát nói, “Tay cho ra, mắt tri ân”.  Sống với người gần gũi, lúc nào mình cũng nghĩ là cho, đừng nghĩ mình sẽ lấy được gì, có được gì. Nhiều khi những người khác chỉ cần mình cho lời tha thứ, những lời mềm dẻo, những lời nhẹ nhàng, hoặc họ chỉ cần mình nói những câu xin lỗi thôi.  Cho ra rất là quan trọng.  Các Bác thấy sự hòa hợp của con tim, gan, và phổi quan trọng như thế,  cho nên khi mình làm việc gì cũng vậy, mình phải có sự hài hòa của con tim, gan và phổi.

Bây giờ trở lại WPG, pháp hội Di Đà, Mandala Đại Bi Quán Âm, tại sao các Bác tham gia làm việc thiện nguyện?  Bởi vì đó là cách mà con tim Bác có thể mở ra, trang trải tình thương; cách mà phách có thể cho ra từ chuyện rất nhỏ, mình cho những lời nói, những hành động giúp đỡ người; cách mà gan có thể bày tỏ sự hài hòa, nhẹ nhàng, con đường của Chân, Thiện, Mỹ; lúc nào cũng cho người ta cảm thấy hướng thượng.

Cho nên khi các Bác làm thiện nguyện cho hội Từ Bi Phụng Sự, hay một hội nào, chùa, nhà thờ, hay bất kỳ một tổ chức nào, thì mình phải nhớ rằng tim, gan và phổi phải hài hòa với nhau.  Những chuyện hay những hoạt động mình làm phải có từ ngay trong tim, trong gan, trong phổi của mình, chớ không phải chỉ nói ngoài miệng mà thôi.  Như thế, mình mới có khả năng cảm động và lãnh đạo người ta được.  Hy vọng rằng là trong WPG kỳ này, những việc chúng ta làm sẽ khiến cho những người khách cũng cảm nhận được, thấu được, và cảm được cái tinh thần thật sự trong gan, phổi và tim rất tốt của các Bác.

Cám ơn các Bác đã lắng nghe.  Chúc các Bác một ngày vui và tỉnh.

Thầy Hằng Trường thuyết giảng

Nhóm Đánh Máy và Phiên Dịch Hội Từ Bi Phụng Sự thực hiện – 11/21/17